Giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tăng khoảng 30%
Trong báo cáo mới đây, VARS cho biết thời điểm hiện tại, trong khi các phân khúc bất động sản khác đều có dấu hiệu phục hồi thì bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch vẫn chưa thoát khỏi trạng thái ảm đạm.
Dữ liệu VARS cho thấy trong năm 2023, thị trường ghi nhận 3.165 sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng mới, giảm hơn 80% so với năm 2022. Lượng giao dịch cả năm chỉ đạt hơn 700 căn, chưa phục hồi như kỳ vọng.
Lý do là các dự án du lịch nghỉ dưỡng vẫn vướng mắc về pháp lý nên chưa thể tiến hành mở bán. Trong khi hàng tồn kho chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn, phải cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm cắt lỗ từ nhóm nhà đầu tư trước đó. Trên thị trường thứ cấp, biệt thự biển, shophouse nghỉ dưỡng dù giảm giá sâu cũng khó thanh khoản.
"Hàng loạt doanh nghiệp phải trả giá vì phát triển ồ ạt giai đoạn trước. Nhiều dự án bị tạm dừng khiến lượng tồn kho tăng mạnh, còn nguồn cung mới giảm nghiêm trọng", báo cáo của VARS nhấn mạnh.
Tuy nhiên, VARS cho rằng mức độ khó khăn của bất động sản nghỉ dưỡng được dự báo giảm bớt trong năm nay. VARS đánh giá thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn có tiềm năng phát triển trong tương lai bởi nhu cầu du lịch tăng cao và sự quan tâm của giới đầu tư. Việc hoàn thiện pháp lý, công bố quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng là động lực để doanh nghiệp "bơm" nguồn cung vào thị trường.
Dự báo nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng trong năm nay có thể cải thiện 20% so với năm ngoái. Trong đó, loại hình căn hộ biển tại các dự án lớn sẽ chiếm ít nhất 60% thị phần.
Về giá bán, VARS dự báo cả thị trường sơ cấp và thứ cấp sẽ đều có xu hướng cải thiện nhẹ. Tại thị trường thứ cấp, giá bán sản phẩm căn hộ du lịch có mức giá xung quanh 50 triệu đồng/m2 sẽ tiếp tục đi ngang, thậm chí tăng nhẹ tại một số thị trường có tỷ lệ lấp đầy phòng cao. Tuy nhiên, cùng với giá bán, phương án về quản lý vận hành sẽ là điểm mấu chốt, đặc biệt được khách hàng/nhà đầu tư quan tâm khi xuống tiền.
Về dài hạn, các giao dịch có xu hướng tăng, song vẫn còn khoảng cách rất xa so với trước dịch Covid-19. Dự kiến lượng giao dịch sẽ tăng khoảng 30% so với năm 2023. Thị trường sẽ đạt kết quả ấn tượng nếu như nhận được cú huých đủ mạnh từ ngành du lịch.
Chờ cú huých mạnh từ ngành du lịch
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels nhìn nhận hoạt động kinh doanh tại các đô thị như TP. HCM và Hà Nội khôi phục nhanh chóng hơn các điểm đến ven biển, trong đó giá bán phòng trung bình đã gần đạt mức trước đại dịch. TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận là điểm đến có tốc độ khôi phục công suất phòng nhanh hơn các điểm đến khác.
Đối với thị trường nghỉ dưỡng ven biển, TP. Đà Nẵng hiện đang dẫn đầu về tốc độ khôi phục nhờ vào sự hồi phục của thị trường khách Hàn Quốc cũng như việc cải thiện tần suất các chuyến bay quốc tế. Hiện nay, trung bình mỗi ngày Đà Nẵng đón nhận khoảng 25 chuyến bay từ các thành phố lớn của Hàn Quốc, chiếm hơn 50% tổng số chuyến bay quốc tế đến thành phố biển này. Trong khi đó, thị trường Nha Trang – Cam Ranh vẫn gặp nhiều thách thức do phụ thuộc nhiều vào nguồn khách Trung Quốc trước dịch.”
Theo số liệu của tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 3-2024 đạt gần 1,6 triệu lượt người, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 78,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I của năm 2024, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Trung Quốc là thị trường khách quốc tế quan trọng của các quốc gia Đông Nam Á khi khu vực này đón tiếp khoảng 32 triệu lượt khách Trung Quốc trong năm 2019. Hiện nay, mặc dù lượt khách Trung Quốc chưa quay về mức trước dịch nhưng thị trường đang ghi nhận nhiều tín hiệu cải thiện tích cực từ nguồn khách này.
Giám đốc Savills Hotels cho hay trong khu vực Đông Nam Á, Singapore và Thái Lan là hai quốc qia đang cho thấy những nỗ lực thúc đẩy các hoạt động du lịch quốc tế mạnh mẽ. Trong đó, Thái Lan đã đặt mục tiêu 2025 sẽ là một trong những năm có kết quả du lịch ấn tượng của quốc gia này.
Cả Singapore và Thái Lan đều đang chú trọng đầu tư hạ tầng, cải thiện quy trình thủ tục xuất nhập cảnh, nhằm đem đến những trải nghiệm tốt nhất cho du khách trong chuyến đi. Bên cạnh đó, hai quốc gia này đều có các chiến lược quảng bá, xúc tiến hình ảnh điểm đến hiệu quả, thu hút thị trường khách quốc tế. Một trong số đó là chiến lược đồng hành cùng các nghệ sĩ quốc tế, ví dụ như chương trình biểu diễn nghệ thuật của Taylor Swift và Bruno Mars đã giúp thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế, từ đó thúc đẩy hoạt động du lịch địa phương.
Mặc dù Việt Nam có quá trình phát triển du lịch ấn tượng trước đại dịch, cũng như sở hữu nhiều tiềm năng để trở thành một trong những điểm đến du lịch quốc tế, song Việt Nam vẫn cần có những kế hoạch hành động để gia tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.