Không thể chậm hơn, phải bằng mọi cách khẩn trương đưa Dự án Thủy điện Hồi Xuân tới đích

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chiều 9/3/2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa, EVN, đại diện Vụ Kinh tế của Văn phòng Quốc hội, SCIC, chủ đầu tư Dự án và các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương để trao đổi, tìm cách tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc của Dự án thuỷ điện Hồi Xuân.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa, EVN, đại diện Vụ Kinh tế của Văn phòng Quốc hội, SCIC, chủ đầu tư Dự án và các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương để trao đổi, tìm cách tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc của Dự án thuỷ điện Hồi Xuân
Toàn cảnh buổi làm việc

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã lắng nghe ý kiến của Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hoá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân (VNECO Hồi Xuân) - chủ đầu tư Dự án và các đơn vị chức năng của Bộ về tình hình triển khai đầu tư xây dựng Dự án và các khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc Dự án bị chậm tiến độ.

Dự án thủy điện Hồi Xuân được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 1195/QĐ-NLDK ngày 31/3/2005 và nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 -2015, có xét đến năm 2025. Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO (VNECO Hồi Xuân) làm chủ đầu tư từ năm 2008 và bắt đầu triển khai thi công các hạng mục công trình chính từ năm 2014. Dự án có tổng công suất lắp máy 102 MW với 3 tổ máy, sản lượng điện trung bình năm đạt 432,61 triệu kWh, tổng mức đầu tư sau thuế là hơn 2.900 tỷ đồng.

Trải qua 9 năm nhưng đến nay, tiến độ thi công của thủy điện Hồi Xuân vẫn dừng lại ở khối lượng hoàn thành đạt 93% tổng khối lượng thiết kế được duyệt, và đã dừng thi công từ 4-5 năm nay. Lý do mà chủ đầu tư đưa ra là khó khăn, vướng mắc khi chưa thể thu xếp được nguồn vốn để tiếp tục thực hiện hoàn thành các công việc còn lại để đưa dự án vào vận hành, sử dụng và các chi phí tài chính khác.

Đại diện Chủ đầu tư Dự án thủy điện Hồi Xuân báo cáo tại buổi làm việc
Đại diện Chủ đầu tư Dự án thủy điện Hồi Xuân báo cáo tại buổi làm việc

Theo bà Kiều Bích Hoa - Phó Trưởng ban Đầu tư 2, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC), hiện nay SCIC đã hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại VNECO từ 2013. Lắng nghe, tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương và các cơ quan ban ngành tại cuộc họp hôm nay, SCIC cho biết sẵn sàng phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương nhằm đưa ra các phương án hỗ trợ Dự án được sớm hoàn thành.

Bà Lê Thị Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH15 29/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề, Đoàn giám sát của Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 355/KH-ĐGS ngày 28/10/2022 về giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021. Trong đó, Dự án thủy điện Hồi Xuân đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận và người dân, do vậy bà Lê Thị Hồng Hà đồng tình và nhất trí với quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về vai trò quan trọng của Dự án, cũng như sự cần thiết phải khẩn trương tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc để Dự án nhanh chóng đi vào vận hành. Bên cạnh vai trò của Bộ Công Thương, Dự án cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các Bộ ngành, địa phương liên quan.

Bà Lê Thị Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội
Bà Kiều Bích Hoa - Phó Trưởng ban Đầu tư 2, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC)
Bà Lê Thị Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội
Bà Lê Thị Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội

Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Dự án thuỷ điện Hồi Xuân có quy mô công suất khá lớn, đã có trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015, có xét đến năm 2025. Dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá; là nguồn điện nền, điện sạch đóng góp quan trọng vào cung ứng điện năng cho khu vực Miền Trung và cả nước.

Việc Dự án bị dừng thi công 4-5 năm nay gây hệ lụy rất lớn, phá vỡ cân đối điện quốc gia giai đoạn 2020-2025; ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đặc biệt là gây bức xúc cho người dân trong vùng Dự án. Từ thực tế đó, rõ ràng không thể để Dự án chậm trễ hơn, bằng mọi cách phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án càng sớm, càng tốt.

“Không thể chậm hơn, bằng mọi cách, bằng mọi giá, các bên liên quan - đặc biệt là chủ đầu tư Dự án - phải giải quyết để làm sao khẩn trương đẩy dự án này đi tới đích”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Nhằm thực hiện mục tiêu đó, Bộ trưởng yêu cầu chủ đầu tư Dự án, trước hết, khẩn trương đánh giá tổng thể, rà soát kỹ lưỡng để tìm ra những nút thắt cần tháo gỡ, từ đó có kiến nghị xác đáng, kịp thời với cơ quan có thẩm quyền để chỉ đạo giải quyết dứt điểm để thúc đẩy tiến độ hoàn thành Dự án, sớm phát huy hiệu quả đầu tư.

Thứ hai, tập trung mọi nỗ lực để thu xếp vốn cho việc đền bù, di dời, tái định cư, xây dựng các công trình hoàn trả để tránh bức xúc của người dân vùng Dự án và hoàn thành các phần việc xây lắp còn lại để sớm đưa Dự án vào hoạt động theo đúng tiến độ đã cam kết.

Thứ ba, trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, cần huy động tối đa nguồn nội lực, sát sao với công việc, kịp thời tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ, giúp đỡ của các cấp có thẩm quyền, các tổ chức tài chính, tín dụng có liên quan; đồng thời, chủ động phối hợp tốt với các đơn vị chức năng ở Trung ương, địa phương, cơ sở để thực hiện có hiệu quả các phần việc còn lại của Dự án.

Đối với UBND tỉnh Thanh Hoá, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh chủ trì, phối hợp cùng lãnh đạo tỉnh Hòa Bình chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thiết thực, kịp thời những khó khăn, vướng mắc, trở ngại của người dân trong vùng ảnh hưởng của dự án (kể cả việc chủ động hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tái định cư cho người dân) không để bức xúc kéo dài. Đồng thời, hỗ trợ Chủ đầu tư trong việc thu xếp vốn; thực hiện đền bù, tái định cư và giải quyết những khó khăn, vướng mắc khác mà Dự án đang gặp phải; xem xét gia hạn tiến độ thực hiện Dự án theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ trưởng yêu cầu EVN rà soát các hợp đồng mua bán điện đã ký và xem xét, thương thảo, giải quyết những khuyến nghị của Chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn. Bên cạnh đó, hỗ trợ chủ đầu tư Dự án trong việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, thí nghiệm, hiệu chỉnh, chạy thử và các kiến nghị cụ thể khác của chủ đầu tư về các nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của EVN.

Đối với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ trưởng giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch - Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cần phân công người có trách nhiệm, kinh nghiệm, sát sao hướng dẫn, hỗ trợ Chủ đầu tư trong việc phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền xử lý những nút thắt, điểm nghẽn một cách nhanh, chuẩn xác và hiệu quả nhất. Đặc biệt, mỗi đơn vị chuyên môn cần khẩn trương xem xét, chủ động giải quyết hoặc tham mưu với Lãnh đạo Bộ chỉ đạo giải quyết kịp thời, theo thẩm quyền những kiến nghị của Chủ đầu tư; đồng thời, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát báo cáo Lãnh đạo Bộ về tiến độ, kết quả thực hiện.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định, Bộ Công Thương sẵn sàng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan để hỗ trợ Chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện Dự án; đồng thời, sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc của Dự án.

Trao đổi bên lề cuộc họp, ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, các ý kiến tại buổi làm việc cho thấy, khó khăn lớn nhất hiện nay của chủ đầu tư là thu xếp được phần vốn còn lại để tiếp tục thực hiện các công việc thi công, cũng như các nghĩa vụ tài chính khác, đủ điều kiện đưa Dự án vào tích nước, phát điện, phát huy hiệu quả theo đúng kế hoạch, giúp người dân trong vùng ảnh hưởng của Dự án sớm ổn định cuộc sống. Các nghĩa vụ tài chính này trước hết bao gồm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tổ chức tái định cư; bên cạnh đó là các chi phí xây dựng, lắp đặt thiết bị để hoàn thành nốt 7% khối lượng công việc còn lại.

Theo báo cáo của chủ đầu tư Dự án, dự kiến tháng 3 - tháng 4/2023 sẽ có phương án về tài chính để Dự án được tái khởi động, bắt đầu tích nước vào tháng 11/2023 và sẽ phát điện vào Quý I/2024.

"Nếu như chủ đầu tư thúc đẩy giải ngân nguồn vốn theo đúng kế hoạch tài chính đưa ra để phục vụ vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng sớm, khối lượng xây lắp còn lại cũng không nhiều, đặc biệt tháng 11 là thời điểm cuối mùa lũ giúp hoạt động đóng ống dẫn dòng tích nước hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật và phù hợp với phương án thiết kế của Dự án, thì tôi cho rằng việc đưa các tổ máy đầu tiên phát điện vào Quý I/2024 là có thể đạt được", ông Phạm Nguyên Hùng chia sẻ.

Thy Thảo