Khuyến công Cao Bằng cần sự quan tâm hơn nữa từ các cơ quan chức năng

Năm 2006, Trung tâm Khuyến công Cao Bằng đã hoàn thành các chương trình khuyến công được giao và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, do Trung tâm mới thành lập, nhân lực còn thiếu, lại ở

Tuy mới đi vào hoạt động từ tháng 4/2005, nhưng Trung tâm đã triển khai được nhiều hoạt động đạt hiệu quả. Với tổng số kinh phí được giao theo cả hai nguồn (quốc gia và địa phương) gần 270 triệu đồng, ngay từ đầu năm, Trung tâm đã tư vấn, hướng dẫn cho 02 HTX chế biến nông sản thực phẩm và gốm cổ truyền (thuộc huyện Hoà An) làm các thủ tục để thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư. Bên cạnh đó, Trung tâm đã mở được nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghề, hỗ trợ và khôi phục lại một số làng nghề truyền thống (như khôi phục và phát triển làng nghề gốm Nước Hai huyện Hoà An, làng nghề đúc rèn huyện Hoà Quảng và Thông Nông); hỗ trợ cho bà con nông dân tham gia mô hình trình diễn máy nông nghiệp ở huyện Nguyên Bình và Hoà An; đào tạo và nâng cao tay nghề kỹ thuật sửa chữa và sử dụng máy nông cụ loại nhỏ cho 120 lao động huyện Hoà An và Nguyên Bình. Trung tâm còn thường xuyên phối hợp với các đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền về hoạt động khuyến công ở địa phương và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm, tìm kiếm cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm...

Công tác tư vấn, khuyến công bước đầu đã hỗ trợ và khuyến khích công nghiệp nông thôn phát triển: Nhiều đề án sau khi triển khai đã có kết quả tốt (như HTX gốm Nước Hai huyện Hoà An, Công ty Chế biến Trúc tre xuất khẩu, nghề sửa chữa máy nông cụ); một số tổ chức, doanh nghiệp ở trong và ngoài nước đến Cao Bằng tìm kiếm cơ hội đầu tư; công tác đào tạo nghề, giúp bà con nông dân có việc làm, thu nhập ổn định… các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và người lao động yên tâm, tin tưởng vào chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước, tích cực lao động sản xuất góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Đạt được những kết quả trên, là do TTKC Cao Bằng đã nhận được sự giúp đỡ có hiệu quả của các cơ quan, ban, ngành, trung ương và địa phương. Cán bộ Trung tâm luôn đoàn kết, phát huy nội lực, tận tình trong công tác khuyến công. Tuy nhiên, công tác khuyến công của Cao Bằng vẫn còn nhiều khó khăn do lực lượng cán bộ làm công tác khuyến công quá mỏng (năm 2006, Trung tâm có 5 người, thì 2 người được cử đi học các lớp quản lý), hơn nữa, công tác khuyến công vẫn còn là một lĩnh vực mới của Tỉnh, cán bộ khuyến công được điều động từ các cơ quan khác nhau, nên kiến thức và kinh nghiệm khuyến công còn chưa nhiều. Cao Bằng lại là một tỉnh miền núi, đường xá đi lại khó khăn, bà con quen với kiểu sản xuất nhỏ lẻ và manh mún, nên còn lúng túng trong lập các đề án khuyến công. Thêm vào đó, trình độ dân trí và nhận thức của người dân còn thấp và không đồng đều, nên việc tuyên truyền, vận động bà con tham gia các lớp đào tạo nghề cũng không đơn giản.

Hiện tại, Trung tâm Khuyến công Cao Bằng vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất. Trung tâm phải làm việc tạm tại Sở Công nghiệp. Trung tâm cũng chưa có xe ô tô riêng, nên không thể chủ động trong quá trình triển khai các hoạt động khuyến công. Để khắc phục những khó khăn trên và làm tốt công tác khuyến công trong năm tới, giải pháp của Trung tâm Khuyến công Cao Bằng là phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ; thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn về công tác khuyến công tại địa phương; tăng cường đi cơ sở để điều tra, khảo sát thực tế và sâu sát với cơ sở hơn. Tổ chức cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đi tham quan khảo sát, học tập kinh nghiệm khuyến công ở các tỉnh bạn và tham gia các hội chợ triển lãm. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến công Cao Bằng cần sự quan tâm, hỗ trợ có hiệu quả hơn nữa từ phía Cục Công nghiệp Địa phương, hỗ trợ mở nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác khuyến công để nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ của Trung tâm, cũng như tăng nguồn kinh phí cho hoạt động khuyến công.

  • Tags: