Người thủ lĩnh công đoàn được thợ điện tin yêu

Thú thực, khi mới gặp, cứ nom cái dáng hối hả, sắc mặt mộc mạc trộn trong cái vẻ rất quê mùa, tôi cứ nghĩ anh ấy là một đốc công nào đấy. Hỏi quê quán, mới hay anh sinh ra và lớn lên tại xã Hoàn Long,

Nhớ lại thời kỳ đầu anh đến với ngành Điện, sau khi hoàn thành chương trình của Trường trung học điện Sóc Sơn, năm 1986, anh được chuyển về công tác tại Nhà máy Điện Phả Lại. Không bằng lòng với những gì mình đã có, ngoài đảm nhiệm công việc chuyên môn, năm 1998, anh còn dành thời gian theo học tại trường đại học Bách Khoa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư Vũ Văn Thắm được cử làm Trưởng kíp, rồi kỹ thuật viên và được 152 công nhân phân xưởng tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn phân xưởng. Thời gian này, anh vừa làm chủ tịch công đoàn, vừa nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, từ đó có điều kiện phát huy và ứng dụng thực tế những kiến thức đã tích luỹ được.

Tiếp xúc với anh mới hay, anh rất cởi mở, nói năng khúc triết,. năng nổ và quyết đoán. Rõ là một người từng trải. Ở tuổi 44, anh đã có xấp xỉ hơn 20 năm trong ngành Điện. Những năm tháng công tác ở Nhiệt điện Phả Lại là một cuộc thử sức gian nan, đòi hỏi không chỉ bản lĩnh, tính năng động nhạy bén của người Chủ tịch Công đoàn, mà cả kiến thức, trí tuệ của người kỹ sư tận tụy, say mê sáng tạo của người thợ. Trong quá trình công tác, bằng sự nỗ lực, cống hiến hết mình, anh đã được cấp, tặng nhiều bằng khen, được công nhận là chiến sỹ thi đua. Nhưng anh rất ít nói về mình. Đối với anh, điều cần hơn cả là đào tạo, bồi huấn giúp cho hàng trăm công nhân làm chủ thiết bị điện, đảm bảo vận hành ổn định, an toàn. Công việc đặt trên vai anh cùng mọi người trong đơn vị là phải lao động với trách nhiệm cao nhất, làm sao để công tác bảo dưỡng, giám sát, lắp đặt, thử nghiệm hiệu chỉnh, đưa các dự án cải tạo nâng cấp máy móc công nghệ mới vào sản xuất mỗi năm đạt giá trị trên 30 tỷ đồng, tiết kiệm hơn 500 triệu đồng.

Nuôi dưỡng lâu dài ý chí quyết tâm và niềm say mê, đâu phải ai cũng làm được.  Ở anh hội đủ cả những tố chất thông minh, sáng tạo và biết áp dụng vào thực tiễn. Nhờ đó, sáng kiến cải tiến làm mát biến thế lực từ AT1+T4 và nhiều sáng kiến khác đã được ứng dụng trong sản xuất phục vụ dây chuyền 1 liên tục ổn định và an toàn.

Không chỉ chú trọng đến chuyên môn, anh còn đặc biệt quan tâm tới công tác tổ chức thi đua lao động sáng tạo, thi đua ca vận hành an toàn, đạt hiệu quả thiết thực. Với cương vị là Chủ tịch Công đoàn, anh đã  chủ động đề xuất và cùng với chính quyền chỉ đạo điều hành tốt các mặt hoạt động trong đơn vị, góp phần xây dựng công đoàn cơ sở xuất sắc, vững mạnh nhiều năm liền.

Có một điều tôi cứ băn khoăn, đâu là động lực giúp anh có thể “miễn dịch” trước thế mạnh của quyền lực, trước cám dỗ của vật chất, trước cạm bẫy của cơ chế thị trường trong suốt quá trình công tác. Đem điều thắc mắc ấy hỏi anh, anh trầm ngâm hồi lâu rồi trả lời (câu trả lời mà tôi biết anh rút ra từ gan ruột): “... Đảng, Bác đã cho gia đình tôi rất nhiều. Tôi được ăn học trưởng thành và rộng mở tầm nhìn. Vì vậy trong tôi không có sự cơ hội, đố kỵ, hoài nghi, mà tôi luôn cố gắng chân thật ngay cả với chính mình. Đó cũng là bài học để tôi răn mình”.

Uy tín, năng lực và sự tận tâm của anh đã khiến nhiều người phải kính nể. Bài học sâu sắc nhất với anh là làm việc “phải sát thực tế”. Thực ra điều này không có gì mới nhưng ít có ai chịu làm theo. Cán bộ “thời @” mấy ai như anh Thắm. Anh thường xuyên “vi hành” xuống tổ sản xuất (đơn vị bao gồm 10 tổ sản xuất và 5 ca kíp vận hành hoạt động trên địa bàn rộng 200 ha) tìm hiểu 152 “thảo dân” khổ gì, cần gì “kêu” gì, từng ngành nghề nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm ra sao, để từ đó, Công đoàn và chính quyền kịp thời đưa ra những cách giải quyết có lý có tình, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Trong phân xưởng, gia đình cán bộ công nhân viên nào gặp khó khăn hoạn nạn là anh có mặt. Anh quan tâm đến người lao động không phải chỉ vì trách nhiệm mà trước hết xuất phát từ tình cảm. Anh thường tâm sự với những người thợ rằng, cuộc sống hạnh phúc không phải chỉ giàu tiền bạc mà cái lớn hơn là phải được sự yêu thương quý mến của đồng nghiệp, anh em.

Trong công tác công đoàn, anh Vũ Văn Thắm không đao to, búa lớn bằng những câu nói suông hay những cuộc họp tràn lan, mà chỉ chú tâm vào một chữ “làm”. Chủ tịch Công đoàn Vũ Văn Thắm bắt đầu từ công tác bố trí nhân sự, xây dựng các tổ công  đoàn đúng người, đúng việc. Trong đó, điều tâm đắc nhất mà anh rút ra trong khâu tổ chức thực hiện là phải chú trọng chương trình hành động tỉ mỉ, rõ ràng, bám sát cơ sở mới tạo được thành công. Anh trao đổi chân thành: “Hoạt động công đoàn không phải là lo đối đầu mà phải tăng cường đối thoại với chuyên môn để vận động công nhân viên chức hoàn thành kế hoạch sản xuất. Làm cái gì cũng phải dựa trên nguyên tắc mang lại lợi ích cho tập thể, vì cái chung, vì người lao động thì khó khăn mấy cũng giải quyết êm đẹp”.

Trong cuộc sống đời thường, anh rất giản dị và có lối sống lành mạnh trung thực, được mọi người quý mến, tin tưởng. Hơn một trăm đoàn viên công đoàn trong phân xưởng luôn xem anh là tấm gương để noi theo. Họ hiểu rằng, chính anh đã giúp họ xây dựng tác phong công nghiệp, xoá bỏ hẳn tình trạng “Sáng rửa cưa, trưa mài đục, tối giục nhau về”, xoá đi tệ lười biếng, ỷ lại. Chính anh đã truyền cho họ niềm tin vào tổ chức công đoàn, bởi anh luôn nói đi đôi với làm, không bao giờ “mồm miệng đỡ chân tay”, không bao giờ “thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Trước thách thức, anh vẫn là người “đứng mũi chịu sào” để tạo đơn vị luôn đoàn kết phát triển. Đó là những tố chất rất cơ bản khiến người thợ điện tin yêu thủ lĩnh công đoàn của mình. Còn anh Vũ Văn Thắm đã thực sự là con chim đầu đàn năng động, giàu ý chí, có một trái tim nồng ấm dắt dẫn mọi người cống hiến nhiều hơn cho công trình nhiệt điện Phả Lại. Điều không thể quên là khi chia tay, anh Thắm vỗ vai tôi căn dặn: “Nói về mình khó lắm! Anh cứ viết bình dị thôi, đừng cường điệu vấn đề đấy nhé”. Rồi anh kết thúc cuộc hàn huyên với tôi bằng bốn câu thơ rất đáng nhớ :

Điện về toả sáng lung linh

Để anh gắn bó công trình em ơi!

Trao nhau ánh mắt bồi hồi

Đủ cho ta suốt một đời ... tin yêu!

Còn tôi lại cảm thấy, trong những câu thơ ấy là điều anh đã suy nghĩ và hành động trong suốt những năm qua. Chúng sẽ luôn là những điều mãi được những người thợ điện Phả Lại trân trọng tin yêu.