Ninh Bình có lợi thế nhiều núi đá vôi, là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất xi măng và đá mỹ nghệ. Ninh Bình cũng có nhiều làng nghề truyền thống, như dệt chiếu cói, phát triển cơ khí sửa chữa, sản xuất mộc dân dụng, đan lát, thêu ren xuất khẩu... Nếu như năm 2001, cả Tỉnh có 17.835 đơn vị, cơ sở sản xuất CN- TTCN, thì đến năm 2006 có 23.200 đơn vị, thu hút trên 200.000 lao động (trong đó có trên 60.000 lao động làm việc thường xuyên), với tổng GTSXCN đạt là 3.645 tỷ đồng.

1. Những kết quả đạt được

Cùng với chính sách đầu tư của Nhà nước, tỉnh Ninh Bình đã có những quy định cụ thể (qua chính sách thu hút đầu tư, thu hút nhân tài,…), tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, khuyến khích và thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển CN – TTCN. Trong những năm qua, cùng với việc  củng cố nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp như Bê tông thép, cơ khí Ninh Bình, Nước giải khát Hoa Lư… Tỉnh còn phát triển thêm một số cơ sở sản xuất mới, như xi măng Tam Điệp, chế biến hoa quả xuất khẩu Đồng Giao,… Với việc quy hoạch 2 khu công nghiệp (Ninh Phúc và Tam Điệp) và trên 20 cụm công nghiệp, Ninh Bình đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, với tổng vốn đầu tư trên 6.000 tỷ đồng, tạo nên bước phát triển đột phá trong ngành Công nghiệp của Tỉnh. Bên cạnh đó, các ngành nghề, làng nghề truyền thống ngày càng được mở rộng, rõ nhất là nghề chiếu cói, thêu ren, mây tre đan, chạm khắc đá… Nghề cói trước đây chủ yếu ở Kim Sơn, nay mở rộng ra các huyện Yên Mô, Yên Khánh; nghề thêu trước đây tập trung ở Hoa Lư, nay mở rộng sang Gia Viễn, Yên Khánh, Yên Mô, thị xã Tam Điệp…

Năm 2006 là năm đầu tiên cả nước thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, cũng là năm đầu tiên Ninh Bình thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX, thực hiện kế hoạch 5 năm 2006 – 2010, Công nghiệp Ninh Bình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nếu như năm 2001, cả Tỉnh có 17.835 đơn vị, cơ sở sản xuất CN- TTCN, thì đến năm 2006 có 23.200 đơn vị, thu hút trên 200.000 lao động, trong đó có trên 60.000 lao động làm việc thường xuyên, huy động được nguồn vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng vào sản xuất. Năm 2006, GTSXCN của Ninh Bình đạt 3.645 tỷ đồng, tăng 19,9% so với năm 2005, trong đó, công nghiệp trung ương đạt 1.678 tỷ đồng, tăng 19,35%; công nghiệp địa phương 315 tỷ đồng (giảm 0,63%), ngoài quốc doanh đạt 1.652 tỷ đồng (tăng 25,44%), khu vực kinh tế có vốn nước ngoài đạt 3 tỷ đồng.

Đến nay, các sản phẩm công nghiệp địa phương có mức tăng so với những năm trước. Cụ thể là: Thép đúc 29.500 tấn (tăng 96,67% so với năm 2005); thép 172.000 tấn (tăng 24%); quần áo may sẵn 3.500.000 chiếc (tăng 85,19%); thảm cói gần 3.000.000 m2 (tăng 130,72%); muối iốt 4.000 tấn (tăng 26,58%); hàng thêu ren 1.462.000 bộ (tăng 54,38%); đá mỹ nghệ 10.000 triệu đồng (tăng 66,67%); gạch nung 390 triệu viên (tăng 38,3%)…

2. Mục tiêu và giải pháp phát triển công nghiệp Ninh Bình đến năm 2010

Mục tiêu phấn đấu của Ninh Bình là: Tốc độ tăng trưởng GTSXCN bình quân giai đoạn 2006 - 2010 đạt 26%/năm, đến năm 2010 gấp 3,2 lần so với năm 2005; Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong tổng GDP đạt 48%. Các sản phẩm chính cần đạt sản lượng là: xi măng 6 triệu tấn, thép 30 vạn tấn, phân đạm 50 vạn tấn, điện 1,8 tỷ kW/h, gạch tuynel 400 – 500 triệu viên…

Nhiệm vụ đặt ra đòi hỏi mọi ngành, mọi cấp trong Tỉnh và ngành Công nghiệp phải nỗ lực hết mình. Trước mắt, toàn Ngành đang giành mọi ưu tiên đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tạo sự chuyển dịch nhanh về cơ cấu kinh tế, tập trung vào sản xuất những sản phẩm có sản lượng lớn. Xác định vật liệu xây dựng là mũi nhọn, trong đó, xi măng là sản phẩm chủ yếu của sản xuất công nghiệp. Theo đó, đối với ngành công nghiệp xi măng, Ninh Bình cần tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoạt động các dự án: Xi măng Vinakasai 0,9 triệu tấn/năm (giai đoạn 1) đi vào sản xuất từ tháng 1/2007, đồng thời tiếp tục triển khai giai đoạn 2 công suất 1,8 triệu tấn/năm vào năm 2007; Xi măng Duyên Hà 0,56 triệu tấn/năm (giai đoạn 1) đi vào sản xuất tháng 7/2007, giai đoạn 2 có công suất 0,9 triệu tấn/năm vào năm 2008; Xi măng Phú Sơn công suất 1 triệu tấn/năm đi vào sản xuất năm 2008; Xi măng Hệ Dưỡng chuyển đổi công nghệ từ lò đứng sang lò quay, công suất 0,5 triệu tấn/năm. Hiện, Tỉnh đã quy hoạch, quản lý vùng nguyên liệu chính (đá vôi, đá sét và một số phụ gia khác) cho sản xuất xi măng, đảm bảo nguyên liệu lâu dài cho các nhà máy.

Đối với sản xuất thép cán, Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, để đảm bảo công suất tối đa, nâng cao chất lượng sản phẩm; Giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục về hải quan, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị phục vụ sản xuất.

Đối với sản phẩm gạch tuy nen: Quy hoạch chi tiết các vùng nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động ổn định, lâu dài; Khuyến khích các dự án đầu tư, sản xuất gạch không nung từ đá mạt, xỉ than, vôi để hạn chế việc sử dụng đất nông nghiệp làm nguyên liệu cho sản xuất gạch nung.

Chế biến cói, thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ là những ngành thủ công truyền thống của Ninh Bình, phấn đấu đến 2010, giá trị sản xuất của các sản phẩm này đạt khoảng 465 tỷ đồng (giá cố định 1994) và đóng góp cho xuất khẩu khoảng 29 triệu USD.  Đối với các sản phẩm cói, thêu ren xuất khẩu và đá mỹ nghệ, Tỉnh đã có Nghị quyết số 04/NQ –TW ngày 9/8/2006 về đẩy mạnh phát triển trồng, chế biến cói, thêu ren và chế tác đá mỹ nghệ giai đoạn 2006 – 2010. Theo đó, sẽ tập trung vào những công việc chính như:

- Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cói, đến năm 2010 đạt diện tích 1.500 ha. Trước mắt, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, diện tích 452 ha, thuộc Công ty Nông nghiệp Bình Minh và duy trì diện tích cói hiện có ở các xã trong vùng quy hoạch.

- Hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập hiệp hội nghề cói, góp vốn để hình thành quỹ bình ổn giá nguyên liệu cói.

- Quy hoạch vùng nguyên liệu đá sản xuất hàng mỹ nghệ quy mô từ 90 – 100 ha, đảm bảo nguyên liệu ổn định cho các doanh nghiệp và các hộ gia đình chế tác đá.

- Đầu tư xây dựng làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, quy mô 23 ha. Nhà nước sẽ hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng đường trục, đường nhánh, hệ thống thoát nước.

- Mở rộng nghề thêu ren, tích cực tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, nhằm đẩy nhanh tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu trực tiếp, đồng thời, động viên các nghệ nhân trực tiếp truyền nghề cho lao động học việc.

Bên cạnh đó, để sản xuất công nghiệp có bước phát triển bền vững, đạt tốc độ tăng trưởng cao, cần phải tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp, TTCN cho phù hợp với tình hình mới, tổ chức tốt việc đầu tư vào các KCN, nhất là công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; Tích cực tham mưu cho Tỉnh sớm hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đưa KCN Ninh Phúc, KCN Tam Điệp, CCN Gián Khẩu vào hoạt động có hiệu quả trước năm 2010, đồng thời xúc tiến để xây dựng một số CCN tại các huyện, thị, góp phần đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn; Sử dụng có hiệu quả quỹ khuyến công, quỹ đào tạo nghề, quỹ khuyến khích xuất khẩu, vốn sự nghiệp khoa học...

Với bề dày trên 60 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với tiềm năng sẵn có và những chủ trương đổi mới của Tỉnh, hy vọng, Công nghiệp Ninh Bình sẽ có bước bứt phá mạnh mẽ hơn, tạo sự tăng trưởng đầy hiệu quả, góp phần đưa Ninh Bình vững bước trong sự nghiệp CNH, HĐH. 

  • Tags: