Người “khai phá” body painting ở Việt Nam

Họa sĩ Phương Vũ Mạnh. Họa sỹ Phương Vũ Mạnh có lẽ là một trong những người thực hành body painting (nghệ thuật vẽ trên cơ thể) sớm nhất tại Việt Nam. Năm 1996 anh đã đến với nó một cách hết sức tình

Mới là “tác phẩm biểu diễn... nội bộ”

Trong năm 2010 vừa qua đã đánh dấu những bước ngoặt mạnh mẽ của Body painting tại Việt Nam. Một số buổi biểu diễn đã được tổ chức công khai hoặc ít nhất cũng là "nửa kín nửa hở" của những người tiên phong trong trào lưu này ở Việt Nam. 

Họa sĩ Phương Vũ Mạnh sinh ngày 18/8/1969 tại Hà Nội. Tốt nghiệp thủ khoa sơn dầu Trường Văn hóa nghệ thuật Hà Nội 1991. Tốt nghiệp thủ khoa đồ họa trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1998. Từ 1991, anh đã mở và tham gia gần 40 cuộc triển lãm cả trong và ngoài nước. Anh có khoảng 1.000 tác phẩm tranh giấy, 50 bản tranh khắc gỗ, 500 bức sơn dầu, 70 bức sơn mài... và là một trong những người tiên phong mang nghệ thuật body painting và video art vào Việt Nam.

Có thể nói đến buổi trình diễn khá quy mô của họa sĩ Phương Vũ Mạnh tại Trung tâm văn hóa pháp L'espace (Hà Nội) vào ngày 12/3/2010. Tiếp đó anh lại tham gia chương trình làm body painting kết hợp với performance art của nghệ sĩ Đào Anh Khánh trong một Festival ở khu du lịch Vũ Linh - Yên Bái. Sau đó là cuộc trình diễn body painting kết hợp với in trên toan vẽ, rồi tiếp tục vẽ tranh trên đó cho tới khi hoàn thiện bức vẽ tại Ngôi nhà nghệ thuật Maison des art (31A Văn Miếu, Hà Nội), chương trình này còn tổ chức bán đấu giá tranh để làm quĩ từ thiện cho trẻ em bị chất độc da cam. Vào cuối tháng 5/2010 Phương Vũ Mạnh cũng tổ chức một buổi biểu diễn "nội bộ" trong căn phòng trống của một xưởng phim ở TP.HCM. Cùng với Phương Vũ Mạnh, họa sĩ Ngô Lực ở TP. Hồ Chí Minh cũng đã công bố một số tác phẩm body painting của mình và đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ phía công chúng, nhất là những người quan tâm đến loại hình nghệ thuật này.

Họa sĩ Phương Vũ Mạnh tâm sự: Tại thời điểm này body painting ở nước ta đòi hỏi người nghệ sĩ phải có một sự đam mê cũng như phải chịu hy sinh thiệt thòi. Nó cũng chỉ là một trong nhiều loại hình của nghệ thuật hội họa, tuy nhiên đây là một loại hình đặc biệt. Cơ thể con người vốn dĩ đã là một điều gì đó rất thiêng liêng, bao hàm tính thẩm mỹ, tính xã hội. Ngay từ nội tại nó đã mang những vẻ đẹp và sức hút khó cưỡng đối với đa phần nhân loại. Việc cơ thể con người trở thành một chất liệu sống cho người họa sĩ sáng tác khiến body painting mang trong mình những hơi thở, những quyến rũ riêng của nghệ thuật đương đại.

Rào cản khó... “bứt”

 

Họa sĩ Phương Vũ Mạnh đang thực hiện một tác phẩm.

Một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay khiến body painting tại Việt Nam vẫn chưa "bứt" lên được trong các buổi trình diễn trước công chúng đó chính là việc người mẫu vẫn chưa được "cởi" hoàn toàn để họa sĩ được thể hiện tác phẩm một cách thoải mái. Bởi vì ngay từ cái tên của loại hình nghệ thuật này: "Body painting" đó là "nghệ thuật vẽ cơ thể người" chứ không phải "nghệ thuật vẽ quần áo trên cơ thể". Chia sẻ với PV báo ĐS&PL họa sĩ Phương Vũ Mạnh đã thở dài ngao ngán về điều đó: "Việc phải vẽ trên một người mẫu nhưng lại thừa ra “hai miếng” chất liệu không cần thiết thì đương nhiên là cảm hứng sáng tạo không thể còn nguyên vẹn. Nhất là sau khi vẽ xong người mẫu biểu diễn, chuyển động cơ thể thì những hình vẽ trên da và hai miếng "vải thừa" lệch ra đó khiến tác phẩm thể hiện không liền mạch lại thậm chí có thể còn khiến người thưởng thức phản cảm”.

Bên cạnh đó những khó khăn mang tính "cơ chế” như thế body painting tại Việt Nam còn phải vừa làm vừa cố gắng khắc phục từ việc tìm kiếm người mẫu cho đến việc phải mua màu vẽ, dùng cụ vẽ ở nước ngoài với giá khá đắt đỏ. Thế nhưng dù sao cho đến thời điểm hiện tại những người đi tiên phong trong trào lưu body art (nghệ thuật lấy cơ thể làm phương tiện hay chất liệu biểu hiện) nói chung và Phương Vũ Mạnh với body painting nói riêng cũng đã làm được những điều mà lịch sử mỹ thuật Việt Nam cũng cần nên xem xét, dù có “cũ người, mớ ta”... 







"Ước mơ"... cởi đồ

Body Painting hay còn gọi là vẽ trên cơ thể người là một môn nghệ thuật mà các nghệ sỹ sẽ thể hiện khả năng sáng tạo của mình trên chính cơ thể của con người. Loại hình nghệ thuật này được bắt nguồn từ văn hóa bộ lạc của người thổ dân úc, New Zealand, châu Phi... có thể dễ dàng nhận thấy những bức body paint rất sống động được thực hiện trong các dịp lễ hội. Nhiều nơi người ta thường vẽ lên cơ thể để ngụy trang, hòa lẫn vào thiên nhiên tránh thú dữ. Cùng với nhiều loại hình nghệ thuật đương đại, dần dần nghệ thuật vẽ trên người càng ngày càng trở lên phổ biến trên toàn thế giới. Cho đến bây giờ Body painting không còn chỉ là vẽ trên mặt, tay, hông... mà đã phát triển lên thành vẽ trên toàn cơ thể với rất nhiều nghệ sĩ tài năng và nổi tiếng.

Nhắc đến body painting không ít người sẽ liên tưởng đến những hình ảnh đi ra ngoài giá trị thẩm mỹ. Đó cũng chính là điều khiến những người như Phương Vũ Mạnh phải đối đầu trực diện khi phải làm thế nào để người ta hiểu được, cảm được nghệ thuật từ sự kết hợp giữa cơ thể và hội họa này. Khá nhiều người không dám nhìn thẳng để hiểu mà thường nhìn một cách không thấu đáo để rồi đánh đồng việc “cởi đồ” vào những phạm trù phi đạo đức hay đi ngược lại với truyền thống văn hóa mà không xét đến chuyện đã vẽ body painting thì việc cởi đồ là điều gần như phải "bắt buộc" để có thể có một bức vẽ "sạch nước cản". ở đây việc người mẫu dám cởi đồ để làm "toan sống" là một sự hy sinh đáng ghi nhận cho nghệ thuật. Cái gì ra cái đó nghệ thuật là nghệ thuật chứ không thể đánh đồng với sự dung tục được.

Với tư thế là những người đi “phá băng” nên Phương Vũ Mạnh cùng một số những nghệ sĩ cùng đam mê cũng phải chấp nhận những thiệt thòi, hứng chịu trực tiếp mọi luồng phản hồi từ dư luận. Bởi vì theo anh cái gì cũng cần phải có thời gian, không thể trong một chốc một lát người ta có thể hiểu, cảm ngay được tác phẩm của mình, nhất là trong hội họa sự cảm nhận mang nặng tính trừu tượng. Chỉ mong rằng với những gì mình đã làm, đã hy sinh thì tới đây xã hội sẽ có những cái nhìn khác đi chứ đừng sa vào những khắt khe của văn hóa truyền thống để rồi sẽ thiếu đi những cái nhìn hướng đến khả năng sáng tạo của môn nghệ thuật này.

Trong năm tới, Phương Vũ Mạnh cho biết anh sẽ cố gắng sắp xếp một chương trình biểu diễn của mình tại Bangkok (Thái Lan). ở bên đó tuy khoảng cách địa lý cũng không xa lắm và lại cùng chung một dòng văn hóa phương Đông nhưng họ vẫn có những cái nhìn thoáng hơn về body painting so với nước ta. Đó sẽ là những dịp cho những người nghệ sĩ như anh thỏa lòng sáng tác.

Những khó khăn rồi sẽ dần được khắc phục, anh cho biết trước mắt để nuôi body paiting thì mình vẫn phải vẽ tranh, và làm những loại hình nghệ thuật khác, bởi vì về cơ bản hiện tại body painting ở Việt Nam vẫn là loại hình nghệ thuật không mang lại giá trị kinh tế. Người nghệ sĩ sau khi sáng tác chỉ có thể chụp ảnh, ghi hình lại để lưu giữ. Hơn nữa, việc mở đường cho body painting không chỉ là chuyện cho phép một ngành hội họa được phát triển mà kéo theo nó đó là những giá trị khác về văn hóa, xã hội cũng có được những tiền đề để phát triển và hòa nhập hơn với những giá trị của nhịp sống đương đại trên thế giới.

  • Tags: