Đây là một trong những điểm nhấn nổi bật tại Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức sáng ngày 28/2/2024.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự và phát biểu chỉ đạo. Tham dự buổi lễ còn có Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, đại diện Lãnh đạo một số tỉnh thành trong khu vực; Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể và địa phương trong tỉnh; cùng hơn 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước, thuộc các ngành nghề lĩnh vực quan tâm đầu tư vào các tiềm năng của tỉnh Bình Thuận.
Bình Thuận hướng tới một trong những trung tâm năng lượng xanh của cả nước
Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1701/QĐ-TTg, ngày 7/12/2023.
Theo đó, tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; mạnh, giàu từ biển, có mức thu nhập bình quân đầu người (GRDP) cao hơn mức bình quân của vùng và cả nước; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế; một trong những trung tâm Năng lượng xanh của cả nước; hướng tới hình thành một trong những trung tâm đào tạo, phát triển công nghệ của vùng và quốc gia.
Bình Thuận phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 7,5 - 8%, trong đó: Công nghiệp - xây dựng tăng 11 - 12%/năm (Công nghiệp tăng 12 - 13%/năm, xây dựng tăng 10 - 11%/năm); dịch vụ tăng 7 - 7,5%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 - 3%/năm. Về xã hội, Bình Thuận phấn đấu thu nhập bình quân đầu người năm 2030 tăng gấp 2,7-3,5 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,4-0,6%/năm (theo chuẩn nghèo từng thời kỳ).
Về sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, duy trì tỷ lệ 100% dân số được cấp đủ nước cho nhu cầu sinh hoạt; đảm bảo năng lực cung cấp nước không thấp hơn 95% tổng nhu cầu nước cho các ngành kinh tế - xã hội khác.
Đến năm 2050, Bình Thuận trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực duyên hải Trung Bộ có kinh tế biển phát triển mạnh, bền vững, cơ cấu kinh tế hiện đại; là trung tâm năng lượng sạch, trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế, y tế, giáo dục chất lượng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng và quốc gia gắn với các đô thị biển hiện đại...
Phát triển đồng bộ hạ tầng, đô thị thông minh, đa mục tiêu
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Bình Thuận nằm trên tuyến hành lang kinh tế Bắc - Nam, kết nối tiểu vùng Duyên hải Nam Trung Bộ - Đông Nam Bộ - Tây Nguyên, có những lợi thế khác biệt nổi bật về vị trí địa lý, vị thế địa - chiến lược trong thời đại hội nhập, mở cửa; trong kỷ nguyên của biển và đại dương và xu thế chuyển đổi xanh của toàn cầu.
Phát huy những tiềm năng lợi thế đó, thời gian qua Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực, phấn đấu, phát huy bản lĩnh, tinh thần sáng tạo vượt qua khó khăn để phát triển mạnh mẽ, khẳng định là một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Quy mô nền kinh tế tăng gấp hơn 25 lần so với năm 1992 (thời điểm tái lập tỉnh). Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2023 tăng 8,1% so với năm 2022, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố trên cả nước; xếp thứ 4/14 các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, kết nối, chia sẻ. GRDP bình quân đầu người ước đạt 87 triệu đồng/người/năm, có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây.
Với điều kiện và lợi thế riêng có, Bình Thuận được xác định là một trong những trung tâm công nghiệp về năng lượng sạch; du lịch biển, du lịch sinh thái và là một trong những điểm đến của con đường di sản miền Trung; trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; mạnh, giàu từ biển.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, Quy hoạch tỉnh Bình Thuận mới đưa ra định hướng không gian phát triển trong sự liên kết giữa các tỉnh thuộc tiểu vùng Duyên hải Nam Trung Bộ của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, cũng như với các vùng kinh tế - xã hội khác, đặc biệt là vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.
"Bình Thuận cần nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, toàn diện những lợi thế, bất lợi của tỉnh trong Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ để hoạch định, đề xuất những dự án kết nối hạ tầng quan trọng, cấp thiết", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng lưu ý, trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch, tỉnh Bình Thuận cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc Nghị quyết 06/NQ-TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, coi đô thị là giải pháp, mục tiêu, động lực phát triển kinh tế với các hệ sinh thái thương mại, dịch vụ, công nghiệp, du lịch… đi kèm.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh chú ý hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển đồng bộ hạ tầng với tư duy đô thị thông minh, đa mục tiêu, đồng thời gìn giữ, phát huy các di sản văn hoá trở thành nguồn tài nguyên du lịch quý giá.
Lợi thế đột phá để thu hút các nhà đầu tư
Về định hướng phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng lưu ý, Bình Thuận cần tận dụng tiềm năng rất lớn về nắng, gió cho phát triển năng lượng tái tạo kết hợp với mô hình thuỷ điện tích năng nhằm tạo ra nguồn điện xanh, ổn định, cân bằng cho hệ thống điện. Đây là lợi thế đột phá để tỉnh thu hút các nhà đầu tư trong xu thế chuyển đổi xanh của toàn cầu.
Bên cạnh đó, các hồ, đập thuỷ điện tích năng cũng là giải pháp hiệu quả để bảo đảm nguồn nước cho đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong mùa khô hạn.
Về du lịch, Bình Thuận cần tiếp tục đổi mới cách thức thiết kế, xây dựng sản phẩm du lịch, trên cơ sở phát huy tiềm năng biển, đảo gắn với thám hiểm, thể thao, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng. Cùng với đó, tài nguyên văn hóa cũng là nguồn cảm hứng, hấp dẫn rất đặc biệt đối với du khách.
Bên cạnh các ngành kinh tế phi nông nghiệp, Bình Thuận đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp theo hướng vùng sản xuất, chế biến sâu, gắn với hạ tầng thuỷ lợi.
Để đáp ứng yêu cầu nhân lực của các ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai, Phó Thủ tướng đề nghị Bình Thuận phối hợp với Bộ GD&ĐT khẩn trương cập nhật, đưa vào quy hoạch mạng lưới trường đại học, cơ sở giáo dục, trung tâm nghiên cứu...
Trong khuôn khổ Lễ công bố, UBND tỉnh Bình Thuận đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đầu tư gần 2.100 tỷ đồng; trao bảng ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 7 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 127.000 tỷ đồng trên nhiều lĩnh vực: Bất động sản, hạ tầng khu cụm công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, năng lượng, khoáng sản….
Việc công bố và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tạo thêm không gian, điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào địa phương này trong thời gian tới.