Thời thiếu nữ, cũng giống như phần lớn lũ con gái ở Hà Nội, tôi có thể mơ mộng suốt ngày đêm với những áng thơ văn tuyệt vời từ tác phẩm văn học Nga. Thiện cảm với con người Nga, đất nước Nga từ trang sách thấm vào ký ức và được lưu giữ thật lâu. Suốt thời tuổi trẻ, tôi luôn mong được một lần đến nước Nga, và phải vào mùa thu, do bị ám ảnh bởi những câu thơ tinh tế, da diết của nhà thơ Nga Ônga Becgôn:

Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói toả.

Matxcơva lại đã thu rồi

Bao khu vườn như lửa chói ngời,

Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ.

(Đừng chạm vào cây mùa lá rụng)

Cuối cùng thì mong ước của tôi cũng được toại nguyện, chỉ có điều không phải vào mùa thu mà vào đầu tháng 12. Vốn được nghe kể nhiều về sự khắc nghiệt của mùa đông xứ sở bạch dương nhưng phải đến tận đây tôi mới cảm nhận được hết sự khắc nghiệt. Bầu trời Mátxcơva nặng trĩu màu xám chì, cảm giác ngày rất ngắn vì đến 10 giờ mới tạm gọi là sáng và chỉ tầm 3 giờ chiều là đã xâm xẩm tối. Mà đối với người Nga, nếu nhiệt độ mới chỉ… âm 10 độ C thì cũng chưa có gì phải cuống.

Lịch sử nước Nga bắt đầu khi Nhà nước Đông Slavơ được thành lập ở Nốpgôrốt (thuộc miền Tây Bắc nước Nga ngày nay) từ khoảng giữa thế kỷ thứ 9, vào thế kỷ 12, khi Nốpgôrốt đã là một đô thị văn minh vượt xa Pari hay Luân Đôn cùng thời thì Mátxcơva vẫn còn là một thị trấn của một tỉnh nhỏ. Tiếp đến, nơi này từng bị thiêu hủy hoàn toàn sau cuộc cướp phá, tàn sát của quân Mông Cổ vào năm 1237 - 1238. Sau biến cố này, Mátxcơva dần dần hồi phục, trở thành thủ đô của một công quốc độc lập rồi tiến tới là trung tâm chính trị, văn hóa của đế quốc Nga. Đến thời Piốt đại đế, để đưa nước Nga thoát khỏi lạc hậu, mở cánh cửa thông thương sang châu Âu, nhà vua đã dồn nhân tài, vật lực để xây dựng thành phố Xanh Pêtecbua ở miền Bắc với những kiến trúc tráng lệ. Vai trò của Mátxcơva cũng vì thế bị lu mờ trong một giai đoạn.


Lan man như vậy vì muốn nói rằng, với riêng tôi, Mátxcơva không cổ kính như Nốpgôrốt hoặc tráng lệ như Xanh Pêtecbua, nhưng đây có lẽ là thành phố chứa đựng trong lòng nhiều biến cố thăng trầm của một dân tộc vĩ đại. Nhiều dấu ấn lịch sử hiển hiện trên mỗi góc phố, quảng trường, nét đặc sắc của nhiều thời kỳ đan xen mang lại cho du khách cả sự choáng ngợp lẫn thoáng chút ngậm ngùi vì dòng chảy của thời gian như hiện rõ ngay trước mắt mình. Có thể chứng kiến những tòa lâu đài cổ điển sánh vai với công trình khủng có tới hàng nghìn phòng, tháp nhọn cao vút phong cách thời Xô viết. Mặc dù vẻ ngoài không ăn nhập nhưng hiện tại đều chung công năng là những khu khách sạn sang trọng bậc nhất của Mátxcơva. Hay dãy phố hàng hiệu sang trọng nằm ngay cạnh khu chung cư lắp ghép một thời là niềm tự hào của ngành xây dựng Xô viết nay đã cũ kỹ, lạc hậu rất giống với khu Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ… ở Hà Nội. Tôi cảm giác hình như sự lẫn lộn này có sự chủ ý của các nhà quy hoạch kiến trúc để tạo nên dấu ấn và sự khác biệt cho Mátxcơva và nếu đúng vậy thì họ đã rất thành công.

Theo lời của một hướng dẫn viên, Mátxcơva là thành phố được xây dựng trên 7 quả đồi. Điện Kremli nằm trên 1 trong 7 quả đồi nói trên, nằm trên bờ trái sông Moskva, trên đồi Bôrôvitskii, là một trong những phần cổ nhất của thủ đô nước Nga. Nói Điện Kremli nhưng thực tế đó là một tổ hợp pháo đài lịch sử nhìn ra Quảng trường Đỏ, bao gồm các cung điện Kremli, các nhà thờ Kremli, và phần tường thành Kremlivới các tháp Kremli. Quần thể này lần lượt do các Sa hoàng Nga ra lệnh xây dựng từ thế kỷ 15 và tiếp đến một số kiến trúc sư danh tiếng của nước ngoài được mời thiết kế, bổ sung.

Đã qua hàng trăm năm nhưng do liên tục được trùng tu, bảo dưỡng nên những bức tường đá trắng của tháp, lâu đài với nóc tròn hoặc củ hành mạ vàng vẫn uy nghi, lộng lẫy, đặc biệt vào những ngày nắng đẹp. Tôi được biết thêm một chi tiết, từ thời Sa hoàng, điện Kremli có nuôi một đội chim ưng chuyên việc xua đuổi không cho lũ quạ bậy lên những mái vòm cung điện. Chắc chắn rất có tác dụng, nên đội giữ gìn vệ sinh môi trường toàn thành viên chim ưng của điện Kremli vẫn duy trì sự tồn tại cho tới ngày nay. Nói về chim, có lẽ Mátxcơva nhiều quạ nhất trong số những thành phố châu Âu mà tôi từng biết. Ngoài quạ, bồ câu và chim sẻ nhởn nhơ khắp các quảng trường, vườn hoa, lối đi. Và chim sẻ ở Mátxcơva rất to, béo núc níc. Đi trên phố, bạn có thể phải tránh đường khi một con chim sẻ nghênh ngang đi bộ trên vỉa hè, va vào chân người không chút e dè.

Chúng tôi tới Quảng trường Đỏ để viếng lăng Lê Nin. Nhiều người vẫn nghĩ rằng sở dĩ có tên gọi Quảng trường Đỏ vì nó gắn với Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Lê Nin sáng lập. Thực ra, tên gọi Quảng trường Đỏ bắt nguồn từ Kratxnaia trong tiếng Nga có 2 nghĩa: đỏ, đẹp. Từ này ban đầu được dùng để chỉ nhà thờ thánh Basil (với nghĩa đẹp). Sau dần dần được dùng để chỉ quảng trường cạnh đó. Chỉ từ thế kỷ 19 thì mới mang nghĩa Đỏ cho đến ngày nay. Chả thế mà một số đô thị cổ của nước Nga cũng có quảng trường chính mang tên Kratxnaia.

Cùng vào viếng Lê Nin với chúng tôi có rất đông người đến từ nhiều quốc gia. Nhiệt độ hôm đó xuống khá thấp. Đứng giữa quảng trường lộng gió, cái rét như nhân lên gấp nhiều lần. Nhớ lại cách đây 90 năm tại nơi này, trong cái rét âm 30 độ C, Bác Hồ của chúng ta đã cùng hàng triệu người đưa tiễn vị lãnh tụ của giai cấp vô sản toàn thế giới về nơi an nghỉ cuối cùng. Đứng trong giá lạnh ở Quảng trường Đỏ, hòa lẫn vào dòng người, tôi chợt nhớ đến khổ thơ của Tố Hữu:

Khi tôi đến

Lê-nin như vừa đi

Người rất bận

Ngày ngày

Vô tận

Người người nối bước trước Krem-lin

Mong gặp Lê-nin

Trong một phút giây im lặng.

Trong số người Nga cùng vào viếng Lê Nin với chúng tôi, có khá nhiều người trẻ tuổi. Tôi tò mò hỏi qua phiên dịch, họ nhiệt tình giải thích rằng với họ, Lê Nin không chỉ là lãnh tụ của giai cấp vô sản, mà còn là một vĩ nhân của nhân loại. Điều đó đúng, nhưng tôi nghĩ có lẽ cho tới giờ, người Nga vẫn hoài niệm về một thời Xô viết hùng cường với những lý tưởng đẹp đẽ của chủ nghĩa cộng sản. Nước Nga dưới thời Tổng thống Putin đã có những bước chuyển mình, sức mạnh về kinh tế và quân sự từng bước được khôi phục. Tầng lớp thanh niên và nhà giàu mới rõ ràng là hài lòng với hiện tại nhưng dẫu sao với nhiều người Nga, ký ức không phải là điều dễ dàng phai nhạt. Giống như câu nói của nữ nhà thơ Ônga Bécgôn được khắc lên tường nghĩa trang liệt sĩ ở Lêningrat (nay là Xanh Pêtecbua): "Không ai bị lãng quên và không cái gì bị lãng quên".

Những ngày này, nước Nga đang nỗ lực để phá thế khó khăn do Mỹ và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào chính quyền của Tổng thống Putin. Qua báo chí, tôi biết người dân Nga vẫn thể hiện sự tuyệt đối ủng hộ và tin tưởng vào Tổng thống Putin. Có lẽ đây không phải sự phóng đại vì trước ngày tôi về lại Việt Nam, tuyết rơi dày, nguồn thu ngân sách của Chính phủ không thuận lợi do giá dầu thô xuất khẩu giảm mạnh nhưng các vườn hoa, công viên vẫn được trang hoàng lộng lẫy chuẩn bị đón mùa Giáng sinh mới. Và ngạc nhiên hơn, tại một quán cà phê sách, cảm giác như thời gian ngừng trôi vì rất nhiều người đang bình thản, chăm chú đọc sách. Được biết người Nga vốn rất thích đọc sách, nhưng nếu trước đây triết học, văn chương được yêu chuộng nhất thì nay độc giả ưa thích cả truyện tranh, sách trinh thám, truyện tình cảm. Cuộc sống gấp gáp hơn, mưu sinh vất vả hơn nên nhu cầu về sách cũng thay đổi. Nhưng có một điều bất biến là dân tộc Nga đã từng trải qua những thời khắc sinh tử hơn hiện nay rất nhiều, và họ đã đứng vững. Tôi liên tưởng đến câu chuyện về những bản đàn Pianô vẫn thánh thót vang lên từ các tầng hầm giá lạnh của thành phố Lêningrad trong gần 900 ngày bị quân phát xít phong tỏa. Có lẽ đó chính là điều làm nên cốt cách Nga, một nước Nga trường tồn.

Tuy nhiên, vẫn có những điều khiến tôi không khỏi băn khoăn. Quả cảm, giàu tri thức và nhiều đức tính tốt đẹp nữa nhưng trong cuộc sống hàng ngày, có thể nói chậm cũng là "đặc sản" của người Nga. Ví dụ đi trên tàu hỏa, muốn có một món ăn thì hàng tiếng sau mới được phục vụ. Hay cũng trên chuyến tàu đó, tôi gặp một nghệ sĩ chơi ghita bán rong đồ mỹ phẩm; mặc kệ chúng tôi có hiểu hay không, ông chỉ giới thiệu, thuyết phục khách hàng toàn bằng tiếng Nga. Dân bán hàng rong nhanh nhạy ở Việt Nam, ngoài chuyện giỏi đón ý khách nước ngoài thì hàng hóa luôn đa dạng, xếp đặt ngăn nắp, thiếu món nào mà khách có nhu cầu sẵn sàng xoay sở đáp ứng bằng được. Nhưng vị nghệ sĩ này thì lôi thôi đến cám cảnh; ông mang cái túi rất to, rất nhiệt tình lục lọi, bày ra hết nhưng mỗi mặt hàng chỉ có 1 sản phẩm, muốn mua thêm cũng chịu. Rồi khi vào cửa hàng đồ lưu niệm do chính những người thợ thủ công trực tiếp bán; sản phẩm rất đẹp, đặc trưng và không hề có nói thách. Nhưng từng người trong đoàn chúng tôi phải hết sức kiên nhẫn để chờ tới lượt mình. Để so sánh, hãy hình dung nếu ở Hàng Đào, cùng một quãng thời gian cô bán hàng có thể phục vụ cùng lúc dăm bảy người khách là bình thường. Từ đây có thể hiểu vì sao người Việt mình lại khá thành công trong các lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh ở nước Nga. Và đã nói đến đây, không thể không nhắc đến cộng đồng người Việt đang làm ăn sinh sống ở xứ sở bạch dương. Với thời gian quá hạn hẹp, tôi chỉ được lướt qua Đôm 5 huyền thoại, nơi phát tích của những "tướng, soái" người Việt lừng danh. Nhiều người trong số họ từng nằm trong số những thanh niên ưu tú được cử sang Liên Xô học tập. Khi thời cuộc biến động, Liên Xô tan rã, những giá trị cũ mới đảo điên, họ cũng ngơ ngác, hoang mang nhưng rồi gượng lên rất nhanh, thậm chí trong hoàn cảnh khó khăn đó, họ lại nhìn ra cơ hội để làm giàu. Tay trắng tha phương xứ người, trải qua không biết bao nhiêu gian nan, cơ cực và có trường hợp phải trả giá rất đắt nhưng đến nay, nhiều người trong số họ đã trở thành những người giàu có, là nhân vật được trọng vọng cả ở Nga lẫn Việt Nam. Nhưng cũng tại Đôm 5 này, có cả những người Việt sống lay lắt từ thời Liên Xô cũ đến giờ. Vì muôn vàn lý do khác nhau, họ thậm chí không bao giờ kiếm đủ tiền để về nước, nơi quê nhà cũng đã nhiều năm không có tin tức gì.

Trên chuyến bay của hãng hàng không Nga về Việt Nam, hành khách phần lớn là người Việt, thoạt nhìn nhiều trong số họ khá khắc khổ, lam lũ. Họ về thăm nhà sau những ngày tháng vật lộn, lao động kiếm sống ở nước Nga. Mai này, không biết có ai trong số này sẽ trở thành triệu phú, tỷ phú giống các "tướng, soái" Việt thời trước hay không. Nhưng tôi tin rằng với tố chất chịu khó, nhạy bén thích nghi với hoàn cảnh của người Việt thì dù thế nào, nước Nga vẫn là miền đất hứa hẹn nhiều cơ hội.