Một số biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường châu Á - châu Đại dương

Trong 6 tháng năm 2022, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 239,45 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2021, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,5%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước.
Xuất khẩu hàng hoá
Trong 6 tháng năm 2022, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 239,45 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2021.

 

Theo số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tính chung 6 tháng năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 371,32 tỷ USD, tăng 16,4% tương ứng tăng 52,32 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Sau 6 tháng, cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về xuất siêu với 743 triệu USD.

Đáng chú ý, trong 6 tháng năm 2022, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á đạt 239,45 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2021, tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,5%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước. Đặc biệt, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường chính đều tăng trưởng mạnh (Hàn Quốc 17,1%, Nhật Bản 12,9%, Đài Loan 21%, Đông Nam Á 26,9%, châu Đại Dương 30%, Nam Á 33%).

Tuy nhiên, cùng với việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Để bảo vệ hàng hoá Việt Nam trước các nguy cơ bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tại khu vực thị trường châu Á – châu Đại dương nói riêng, trên thế giới nói chung, bên cạnh sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý Nhà nước thì các doanh nghiệp cần chủ động nắm rõ các quy định về phòng vệ thương mại của các thị trường.    

Dưới đây là một số biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường châu Á – châu Dại dương.

Thị trường Australia

Tính tới hết năm 2021, Australia đã điều tra, áp dụng 17 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm 12 vụ việc điều tra chống bán phá giá và 05 vụ việc chống trợ cấp. Trong năm 2021, Australia chỉ khởi xướng mới 01 vụ việc điều tra chống bán phá giá sản phẩm ống đồng của Việt Nam, đồng thời, Ủy ban chống bán phá giá Australia (ADC) cũng đã ban hành kết luận cuối cùng cho những vụ việc còn tiếp diễn từ năm 2020, đa số những vụ việc đều có kết quả tích cực đối với nhà sản xuất, xuất khẩu mặt hàng bị điều tra sang thị trường này.

Các mặt hàng bị Australia điều tra chủ yếu là các sản phẩm thép, ngoài ra còn một số sản phẩm khác như tháp gió, nhôm thanh định hình, vôi sống, máy biến thế.

Chống bán phá giá đối với ống đồng

Ngày 22 tháng 3 năm 2021, ADC khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống đồng (copper tube) có xuất xứ từ Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu ống đồng của Việt Nam sang Australia đạt khoảng 19,62 triệu USD năm 2020. Ngày 29 tháng 10 năm 2021, ADC đã ban hành Kết luận điều tra sơ bộ đối với vụ việc. Theo đó, ADC kết luận rằng các nhà xuất khẩu Việt Nam không bán phá giá (do có biên độ bán phá giá không đáng kể) và đề nghị chấm dứt điều tra đối với Việt Nam. Ngày 04 tháng 3 năm 2022, ADC thông báo chính thức chấm dứt điều tra vụ việc.

Chống bán phá giá và chống trợ cấp với ống thép chính xác

Ngày 31 tháng 3 năm 2020, ADC đã thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm ống và ống dẫn chính xác bằng thép có xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Ngày 01 tháng 6 năm 2021, ADC ban hành kết luận điều tra sơ bộ và báo cáo dữ liệu trọng yếu trong vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm ống thép chính xác có xuất xứ từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam.

Theo đó, ADC xác định biên độ trợ cấp của các doanh nghiệp Việt Nam từ -12,2% đến -6,5% và biên độ trợ cấp từ 0% đến 0,01%. Vì vậy, ADC đề nghị chấm dứt điều tra đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam do không bán phá giá cũng như không tồn tại trợ cấp hoặc mức trợ cấp là không đáng kể. Ngày 27 tháng 8 năm 2021, ADC thông báo chính thức chấm dứt điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với ống thép chính xác của Việt Nam.

Chống bán phá giá đối với dây đai thép phủ màu

Ngày 27 tháng 5 năm 2020, ADC thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm dây đai thép phủ màu có xuất xứ từ Việt Nam và Trung Quốc. Ngày 23 tháng 4 năm 2021, ADC ban hành kết luận điều tra sơ bộ và bản thông tin về dữ liệu trọng yếu trong vụ việc. Theo đó, ADC chỉ ra rằng Chính phủ Việt Nam không tác động bóp méo thị trường nguyên liệu để doanh nghiệp xuất khẩu bán phá giá; biên độ bán phá giá của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không đáng kể và không gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Do vậy, trong kết luận sơ bộ, ADC cho rằng không cần thiết áp dụng biện pháp ký quỹ thuế chống bán phá giá tạm thời đối với dây đai thép phủ màu có xuất xứ từ Việt Nam. Ngày 26 tháng 11 năm 2021, ADC chính thức chấm dứt điều tra vụ việc.

Chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép mạ hợp kim nhôm kẽm

Ngày 30 tháng 6 năm 2020, ADC thông báo khởi xướng điều tra 02 vụ việc về chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm thép mạ hợp kim nhôm kẽm có chiều rộng >=600mm và <600mm có xuất xứ từ Việt Nam và một số quốc gia khác. Ngày 22 tháng 9 năm 2021, ADC ban hành kết luận điều tra sơ bộ với những kết luận như sau đối với 02 vụ việc trên theo đó: ADC đã chấm dứt điều tra chống bán phá giá đối với thép mạ hợp kim nhôm kẽm có chiều rộng <600mm do kết luận hàng hóa nhập khẩu không gây thiệt hại cho ngành sản xuất của Australia. Đối với vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với thép mạ hợp kim nhôm kẽm có chiều rộng >=600mm, ngoại trừ 01 doanh nghiệp không bán phá giá, các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam chịu thuế chống bán phá giá tạm thời từ 5,2% đến 13,1% kể từ ngày 23 tháng 9 năm 2021.

Ngoài ra, ADC đã kết luận Chính phủ Việt Nam không trợ cấp tài chính và không tác động vào thị trường nguyên liệu để tạo ra tình hình thị trường đặc biệt, nhằm giúp doanh nghiệp có lợi thế bất bình đẳng khi xuất khẩu sang Australia. Do đó, ADC chấm dứt điều tra trợ cấp và điều kiện thị trường đặc biệt đối với cả 02 vụ việc. Ngày 15 tháng 11 năm 2021, ADC thông báo chính thức chấm dứt điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép mạ hợp kim nhôm kẽm <600mm và điều tra chống trợ cấp đối với thép mạ hợp kim nhôm kẽm >=600mm.

Rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với nhôm định hình

Ngày 15 tháng 9 năm 2021, ADC rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nhôm định hình có xuất xứ từ Việt Nam và Malaysia. Căn cứ kết quả vụ việc, ADC sẽ quyết định tiếp tục hoặc không tiếp tục áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa thuộc đối tượng rà soát. Vụ việc này khởi xướng điều tra từ năm 2016 với kết quả thuế chống bán phá giá hiện tại cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là 1,9%.

Ngày 18 tháng 3 năm 2022, ADC đã ban hành kết luận sơ bộ và dữ kiện trọng yếu. Trong tháng 7 năm 2022, ADC đã ban hành kết luận cuối cùng cho đợt rà soát cuối kỳ và quyết định không tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa thuộc đối tượng rà soát. ADC cho rằng lượng sản phẩm nhôm định hình từ Malaysia và Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ trên thị trường Australia trong suốt 5 năm qua và việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá không tạo ra những tác động đáng kể đối với ngành nhôm định hình của nước này.

Vì vậy, mặc dù chống bán phá giá có thể tiếp diễn nhưng theo ADC không có khả năng nhôm định hình nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia tiếp tục gây ra thiệt hại đối với ngành sản xuất của Australia. Bởi thế, biện pháp chống bán phá giá hiện đang áp dụng ở mức 1,9% đối với Việt Nam hết hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 6 năm 2022.    

Thị trường Ấn Độ

Tính tới hết năm 2021, Ấn Độ đã điều tra, áp dụng 29 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm 21 vụ điều tra chống bán phá giá, 04 vụ điều tra chống trợ cấp và 04 vụ điều tra tự vệ. Tính từ đầu năm 2021 đến tháng 3 năm 2022, Ấn Độ đã khởi xướng điều tra 02 vụ việc chống bán phá giá đối với sản phẩm pin năng lượng mặt trời và sản phẩm tấm trải sàn vi-nyl của Việt Nam. Bên cạnh đó, Ấn Độ tiếp tục điều tra và ra kết luận đối với các vụ việc điều tra chống trợ cấp ống đồng, chống bán phá giá sợi đàn hồi filament, sợi dún polyester, thép mạ nhôm kẽm, ván sợi MDF dưới 6mm và phụ gia chăn nuôi Choline Chloride.

Chống bán phá giá đối với tấm trải sàn vinyl

Ngày 24 tháng 01 năm 2022, Tổng vụ Phòng vệ thương mại (DGTR) - thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với tấm trải sàn vinyl nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bị điều tra từ Việt Nam sang Ấn Độ đạt xấp xỉ 1,34 triệu USD. Hiện vụ việc đang trong quá trình điều tra, dự kiến kết thúc vào tháng 01 năm 2023.

Chống bán phá giá đối với pin năng lượng mặt trời

Ngày 15 tháng 5 năm 2021, DGTR đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm pin năng lượng mặt trời có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Theo số liệu Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), trong các năm 2018, 2019, 2020, Việt Nam xuất khẩu tương ứng khoảng 56,1 triệu USD, 171,7 triệu USD, 25,7 triệu USD sang Ấn Độ. Hiện nay vụ việc đang trong quá trình điều tra, dự kiến kết thúc vào tháng 5 năm 2022.

Rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với sợi đàn hồi filament

Ngày 30 tháng 6 năm 2021, DGTR khởi xướng điều tra vụ việc rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với sợi đàn hồi filament có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam.

Ngày 01 tháng 02 năm 2022, DGTR ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc, theo đó thuế chống bán phá giá được đề xuất kéo dài thêm 05 năm. Theo số liệu của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm bị điều tra của Việt Nam đi Ấn Độ là xấp xỉ 10,8 triệu USD, giảm đáng kể so với năm 2019 (81,8 triệu USD), 2018 (78,6 triệu USD).

Chống trợ cấp đối với ống đồng

Ngày 25 tháng 9 năm 2020, DGTR đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp đối với một số sản phẩm ống đồng có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Ngày 31 tháng 01 năm 2022, DGTR công bố kết luận cuối cùng trong vụ việc, theo đó biên độ trợ cấp cho doanh nghiệp Việt Nam từ 2,13% tới 14,76%. Hiện nay, Bộ Tài chính Ấn Độ đang xem xét ban hành lệnh áp thuế, dự kiến ban hành vào tháng 5 năm 2022. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bị điều tra từ Việt Nam sang Ấn Độ trong năm 2019 đạt xấp xỉ 284 triệu USD.

Chống bán phá giá đối với sợi dún polyester

Ngày 21 tháng 5 năm 2020, DGTR đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi dún polyester nhập khẩu hoặc có xuất xứ từ Việt Nam và Trung Quốc, Indonesia và Nepal. Ngày 08 tháng 01 năm 2022, Bộ Tài chính Ấn Độ ban hành quyết định không áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nêu trên. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa bị điều tra từ Việt Nam vào Ấn Độ đạt xấp xỉ 11,3 triệu USD.

Chống bán phá giá đối với ván gỗ MDF độ dày nhỏ hơn 6mm

Ngày 22 tháng 4 năm 2020, DGTR thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm gỗ MDF có độ dày dưới 6mm nhập khẩu từ Việt Nam, Malaysia Thái Lan và Indonesia. Ngày 20 tháng 4 năm 2021, DGTR đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc, theo đó kiến nghị thuế chống bán phá giá cho các nhà sản xuất, xuất khẩu sản phẩm ván sợi MDF có độ dày dưới 6mm của Việt Nam là 255,35 USD/m3. Ngày 05 tháng 8 năm 2021, Bộ Tài chính Ấn Độ ban hành quyết định không áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng bị điều tra. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa bị điều tra từ Việt Nam vào Ấn Độ đạt xấp xỉ 2,3 triệu USD.

Chống bán phá giá đối với thép mạ nhôm kẽm

Ngày 02 tháng 4 năm 2019, DGTR khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ hợp kim nhôm kẽm có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngày 21 tháng 02 năm 2020, DGTR ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc, mức thuế CBPG đối với một số doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam được kiến nghị là từ 23,63 USD/tấn tới 81,3 USD/tấn, thuế suất đối với các doanh nghiệp khác là 173,1 USD/tấn. Ngày 23 tháng 6 năm 2020, Bộ Tài chính Ấn Độ đã ban hành Quyết định số 16/2020-Customs (ADD) về việc áp thuế CBPG đối với sản phẩm nêu trên. Mức thuế CBPG được áp dụng đối với Việt Nam từ 23,63 USD/MT đến 173,1 USD/MT.

Ngày 01 tháng 2 năm 2022, Bộ Tài chính Ấn Độ đã ban hành Quyết định về việc dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ hợp kim nhôm kẽm có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc. Theo số liệu Trung tâm thương mại quốc tế ITC, kim ngạch hàng hóa bị điều tra xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ trong năm 2018 đạt xấp xỉ 142,4 triệu USD.

Thị trường Thổ Nhĩ Kỳ

Tính đến 2021, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều tra 24 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bao gồm 09 vụ điều tra chống bán phá giá, 09 vụ điều tra tự vệ, 06 vụ điều tra lẩn tránh thuế PVTM. Các mặt hàng bị Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chủ yếu là các sản phẩm thép, sợi, ngoài ra còn một số sản phẩm khác như săm lốp xe đạp, dây cu roa, điện thoại… Trong năm 2021, Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi xướng điều tra 01 vụ việc chống bán phá giá đối với sợi kéo dãn toàn phần của Việt Nam.

Chống bán phá giá đối với sợi kéo dãn toàn phần

Ngày 02 tháng 6 năm 2021, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi kéo dãn toàn phần có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam và Hàn Quốc. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này sang Thổ Nhĩ Kỳ năm 2020 đạt xấp xỉ 11,5 triệu USD. Hiện nay vụ việc đang trong quá trình điều tra.

Chống bán phá giá đối với ống thép hàn không gỉ

Ngày 24 tháng 6 năm 2020, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép hàn không gỉ có xuất xứ từ Việt Nam. Ngày 01 tháng 6 năm 2021, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành báo cáo cuối cùng trong vụ việc, theo đó kết luận sản phẩm ống thép hàn không gỉ xuất xứ từ Việt Nam bán phá giá với biên độ từ 19,64% đến 22,36%. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu các sản phẩm ống thép hàn không gỉ có xuất xứ từ Việt Nam vào Thổ Nhĩ Kỳ năm 2019 ước đạt 5.751 tấn với kim ngạch đạt xấp xỉ 12,9 triệu USD.

Tự vệ đối với sợi polyester

Ngày 30 tháng 5 năm 2020, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với một số sản phẩm sợi từ poly-ester. Ngày 24 tháng 8 năm 2021, Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc, theo đó quyết định áp thuế tự vệ chính thức dưới hình thức thuế tuyệt đối tính theo ki lô gram kể từ ngày 23 tháng 9 năm 2021 trong thời gian 3 năm, mức áp thuế cụ thể: năm thứ nhất là 0,060 USD/kg; năm thứ hai 0,058 USD/kg và năm thứ ba là 0,056 USD/kg. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm sợi polyester có xuất xứ từ Việt Nam vào Thổ Nhĩ Kỳ năm 2019 chỉ vào khoảng trên 26 nghìn USD.

Thị trường Philippines

Tính đến nay Philippines đã điều tra 13 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong năm 2021, Philippines khởi xướng 01 vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với xi-măng của Việt Nam và hiện đang trong quá trình điều tra. Philippines cũng dừng điều tra 04 vụ việc tự vệ đối với một số sản phẩm thép mạ kẽm; thép mạ hợp kim nhôm kẽm và thép phủ màu và xe ô tô nhập khẩu. Các mặt hàng bị Philippines điều tra chủ yếu là các sản phẩm thép, ngoài ra còn một số sản phẩm khác như xi măng, gạch ốp lát, hạt nhựa…

Chống bán phá giá đối với xi măng

Ngày 20 tháng 4 năm 2021, Bộ Công Thương Philippines (DTI) đã thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng xi-măng nhập khẩu từ Việt Nam. Mặt hàng này đang là đối tượng áp dụng biện pháp tự vệ (năm thứ hai) với mức thuế tự vệ hiện tại là 245 pê-sô/tấn (5,06 USD/tấn), tương đương khoảng 9,75%.

Theo thống kê của DTI, lượng hàng hóa nhập khẩu bị điều tra từ Việt Nam trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2019 là gần 620 ngàn tấn, chiếm 31,3% tổng lượng nhập khẩu xi măng của Phi-líp-pin. Lượng hàng hóa nhập khẩu bị điều tra từ Việt Nam trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2020 là gần 1,56 triệu tấn, chiếm 62,33% tổng lượng nhập khẩu xi măng của Philippines.

Ngày 02 tháng 12 năm 2021, DTI đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc, theo đó cho rằng các doanh nghiệp xi măng của Việt Nam đã có hành vi bán phá giá khi xuất khẩu sang thị trường Philippines. Biên độ bán phá giá được xác định: (i) đối với xi măng loại 1 là từ 2,44% đến 17,52%; (ii) đối với xi măng loại 1P từ 3,8% đến 24,31%; (iii) đối với những doanh nghiệp không hợp tác trả lời bản câu hỏi sẽ bị áp mức thuế sơ bộ là 31,87% cho xi măng loại 1, 29,2% cho xi măng loại 1P. Hiện tại, vụ việc đang được chuyển cho Ủy ban Thuế quan Philippines để tiến hành điều tra ở bước tiếp theo.

Thị trường Malaysia

Tính đến hết năm 2021, Malaysia đã tiến hành 10 vụ việc điều tra áp dụng phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm 09 vụ điều tra chống bán phá giá và 01 vụ điều tra tự vệ. Trong năm 2021, Malaysia không khởi xướng điều tra vụ việc phòng vệ thương mại mới với Việt Nam mà chỉ tiến hành rà soát các vụ việc đang áp thuế. Theo Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Malaysia năm 2020 đạt gần 4,3 tỉ USD, chiếm 1,52% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Rà soát cuối kỳ đối với thuế chống bán phá giá đối với thép phủ màu

Ngày 22 tháng 01 năm 2021, Bộ Công Thương Malaysia (MITI) khởi xướng điều tra rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với thép phủ màu có xuất xứ từ Việt Nam và Trung Quốc. Ngày 18 tháng 6 năm 2021, MITI đã ra kết luận cuối cùng cho vụ việc trong đó MITI quyết định tiếp tục gia hạn áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn phủ màu thêm 5 năm, đối với Việt Nam, thuế chống bán phá giá là từ 0,06% đến 34,85%. Theo Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), tổng lượng nhập khẩu thép tôn phủ màu từ Việt Nam vào Malaysia năm 2020 là xấp xỉ 23,8 nghìn tấn, đạt kim ngạch xấp xỉ 20,9 triệu USD.

Thị trường Indonesia

Tính đến hết năm 2021, Indonesia đã tiến hành 11 vụ việc điều tra, áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam, bao gồm 04 vụ việc điều tra chống bán phá giá và 07 vụ điều tra tự vệ. Trong năm 2021, Indonesia không khởi xướng điều tra vụ việc mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam mà chỉ tiến hành rà soát các vụ việc đang áp thuế.

Tự vệ đối với gạch ốp lát

Ngày 09 tháng 11 năm 2021, Bộ Tài chính Indonesia đã quyết định gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ thêm 3 năm đối với một số sản phẩm gạch ốp lát, kể từ ngày 18 tháng 11 năm 2021. Mức thuế cụ thể như sau: năm thứ nhất: 17%; năm thứ hai: 15%, năm thứ ba: 13%. Trước đó, ngày 05 tháng 5 năm 2021, Ủy ban Tự vệ Indonesia (KPPI) khởi xướng rà soát cuối kỳ nhằm xác định sự cần thiết của việc tiếp tục gia hạn biện pháp tự vệ đối với gạch ốp lát nhập khẩu. Ngày 14 tháng 7 năm 2021, KPPI đã ban hành kết luận cuối cùng điều tra rà soát trong đó kiến nghị gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ. Theo số liệu từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) cung cấp, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa bị điều tra từ Việt Nam vào Indonesia năm 2020 xấp xỉ 14,8 triệu USD.

Chống bán phá giá đối với thép mạ hợp kim nhôm kẽm

Ngày 26 tháng 8 năm 2019, Ủy ban Chống bán phá giá Indonesia (KADI) khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ hợp kim nhôm kẽm nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc. Ngày 17 tháng 02 năm 2021, KADI công bố quyết định cuối cùng và áp dụng thuế chống bán phá giá từ 3,01% tới 49,2% đối với Việt Nam và từ 3,07% tới 55,43% đối với Trung Quốc. Ngày 29 tháng 6 năm 2021, Chính phủ Indonesia đã quyết định không áp dụng biện pháp chống bán phá giá trong vụ việc. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bị điều tra từ Việt Nam vào Indonesia năm 2019 đạt trên 68,3 triệu USD.

Tự vệ đối với hàng may mặc phụ kiện

Ngày 01 tháng 10 năm 2020, Ủy ban Tự vệ Indonesia khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với một số mặt hàng may mặc. Ngày 23 tháng 02 năm 2021, Cơ quan này ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc. Ngày 22 tháng 10 năm 2021, Bộ Tài chính Indonesia đã ban hành Quyết định áp thuế tự vệ toàn cầu trong thời hạn 3 năm đối với các sản phẩm thuộc 18 nhóm mặt hàng may mặc, bao gồm 134 nhóm sản phẩm. Thuế tự vệ cụ thể như sau: năm thứ nhất: cao nhất là 63.000 Rp/sản phẩm (khoảng 4,43 USD/sản phẩm) và thấp nhất là 19.260 Rp/sản phẩm (khoảng 1,36 USD/sản phẩm); năm thứ hai: cao nhất là 59.850 Rp/sản phẩm (khoảng 4,21 USD/sản phẩm) và thấp nhất là 18.297 Rp/sản phẩm (khoảng 1,29 USD/sản phẩm); năm thứ ba: cao nhất là 56.858 Rp/sản phẩm (khoảng 4 USD/sản phẩm) và thấp nhất là 17.382 Rp/sản phẩm (khoảng 1,22 USD/sản phẩm). Trong vụ việc này, Việt Nam có tỷ trọng xuất khẩu tương đối thấp, chiếm khoảng 3,41% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu vào Indonesia trong năm 2019.

Tự vệ đối với giấy cuốn thuốc lá

Ngày 26 tháng 10 năm 2020, Ủy ban Tự vệ Indonesia (KPPI) đã khởi xướng điều tra tự vệ đối với sản phẩm giấy cuốn thuốc lá. Ngày 05 tháng 3 năm 2021, Ủy ban Tự vệ của WTO đã có Thông báo về việc KPPI ban hành kết luận cuối cùng áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm giấy cuốn thuốc lá, mức thuế đề xuất là khoảng 500 USD/tấn. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bị điều tra từ Việt Nam vào Indonesia trong năm 2019 và 9 tháng năm 2020 lần lượt khoảng 2,7 triệu USD và 3,4 triệu USD, chiếm thị phần nhập khẩu lần lượt là 17,97% và 16,08%.

Ngày 09 tháng 11 năm 2021, Bộ Tài chính Indonesia đã ban hành Quyết định áp thuế tự vệ toàn cầu đối với một số sản phẩm giấy bọc thuốc lá trong thời gian 02 năm kể từ ngày 30 tháng 11 năm 2021. Mức thuế cụ thể như sau: mức thuế tự vệ năm thứ nhất là: 4.000.000 Rp/tấn (tương đương khoảng 282 USD/tấn); mức thuế năm thứ hai là: 3.961.950 Rp/tấn (tương đương khoảng 279 USD/tấn).

Tự vệ đối với hạt nhựa giãn nở EPS

Ngày 02 tháng 12 năm 2021, Bộ Tài chính Indonesia đã ban hành Quyết định áp thuế tự vệ toàn cầu đối với một số sản phẩm hạt nhựa giãn nở trong thời hạn 03 năm kể từ ngày 24 tháng 12 năm 2021. Cụ thể, mức thuế tự vệ năm thứ nhất là: 2.452.711 Rp/tấn (tương đương khoảng 170,7 USD/tấn); mức thuế năm thứ hai là: 2.428.184 Rp/tấn (tương đương khoảng 169 USD/tấn), mức thuế năm thứ ba là: 2.403.902 Rp/tấn (tương đương khoảng 167 USD/tấn).

Trước đó, ngày 18 tháng 11 năm 2020, KPPI thông báo khởi xướng điều tra tự vệ đối với hạt nhựa EPS. Ngày 08 tháng 4 năm 2021, KPPI thông báo kết luận cuối cùng của vụ việc trong đó đề xuất áp dụng biện pháp tự vệ. Trong vụ việc này, lượng nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn 2017-2019 lần lượt khoảng 1.914 tấn, 2.016 tấn và 2.520 tấn, tương ứng với tỷ lệ 7,24%; 7,28% và 8,31% tổng lượng nhập khẩu vào Indonesia, đứng thứ tư sau Đài Loan, Nhật Bản và Trung Quốc.

Thị trường Thái Lan

Tính tới năm 2021, Thái Lan đã tiến hành 08 vụ việc điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm 06 vụ việc chống bán phá giá và 02 vụ việc tự vệ. Các vụ việc áp dụng thuế chống bán phá giá gồm: thép cán phẳng cuộn hoặc không cuộn (2020), ống và ống dẫn bằng thép hàn (2018), ống thép không gỉ (2015), tôn phủ màu (2015), tôn mạ nhôm kẽm (2015) và thép cán nguội (2015). Các vụ việc áp dụng biện pháp tự vệ lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đều đã chấm dứt do lượng nhập khẩu từ Việt Nam không đáng kể.

Chống bán phá giá đối với thép cán nóng

Ngày 16 tháng 11 năm 2020, Cục Ngoại thương Thái Lan (DFT) đã khởi xướng vụ việc điều tra thuế chống bán phá giá (CBPG) với một số mặt hàng thép cán nóng nhập khẩu từ Việt Nam và Ai Cập. Ngày 23 tháng 11 năm 2021, Cơ quan này ban hành quyết định cuối cùng trong vụ việc, theo đó áp thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam từ 24,38 tới 42,34%.

Thị trường Hàn Quốc

Tính tới hết năm 2021, Hàn Quốc đã khởi xướng điều tra 04 vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong năm 2021, Hàn Quốc cũng đã tiến hành điều tra 01 vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng ống đồng nhập khẩu từ Việt Nam.

Ngày 29 tháng 10 năm 2021, Ủy ban Thương mại Hàn Quốc (KTC) khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống đồng có xuất xứ từ Trung Quốc và Việt Nam. Hiện tại, vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và dự kiến sẽ có kết luận trong nửa đầu năm 2022. Theo số liệu của Hiệp hội Ngoại thương Hàn Quốc, tổng kim ngạch nhập khẩu ống đồng đúc vào Hàn Quốc năm 2020 đạt 126,7 triệu USD, tăng 17,9% so với năm 2019. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam đứng đầu với kim ngạch đạt khoảng 58,5 triệu USD, tăng 75,1%; tiếp đến là Trung Quốc đạt 49,3 triệu USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã đạt mức 91,1 triệu USD.

Thị trường Đài Loan (Trung Quốc)

Tính tới hết năm 2021, Đài Loan (Trung Quốc) mới chỉ khởi xướng điều tra 01 vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với gạch ốp lát có xuất xứ từ Việt Nam. Trong năm 2021, Đài Loan (Trung Quốc) không khởi xướng điều tra vụ việc phòng vệ thương mại mới đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với gạch ốp lát, vụ việc điều tra này được khởi xướng vào tháng 10 năm 2020. Tháng 7 năm 2021, Cơ quan điều tra Đài Loan (Trung Quốc) đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc này, theo đó, cơ quan điều tra Đài Loan (Trung Quốc) xác định biên độ bán phá giá của các doanh nghiệp Việt Nam là từ 0% đến 19,41%, của các doanh nghiệp Ấn Độ là từ 0% đến 20,07%, của các doanh nghiệp Malaysia là 7,78% và của các doanh nghiệp Indonesia là 16,83%.

Thị trường Pakistan

Tính đến nay Pakistan mới chỉ điều tra 01 vụ việc phòng vệ thương  mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là vụ việc điều tra chống bán phá giá với thép cán nguội khởi xướng năm 2021.

Ngày 25 tháng 02 năm 2021, Ủy ban Thuế quan quốc gia Pakistan đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép cán nguội có xuất xứ/xuất khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc. Ngày 23 tháng 8 năm 2021, Ủy ban Thuế quan quốc gia Pakistan đã ban hành kết luận sơ bộ, theo đó quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với thép cán nguội nhập khẩu từ các nước nêu trên, mức thuế tạm thời áp dụng đối với Việt Nam là 17,25%. Theo Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), kim ngạch nhập khẩu thép cán nguội từ Việt Nam vào Pakistan năm 2020 đạt xấp xỉ 11 triệu USD. Vụ việc đang trong quá trình điều tra.

Uyên Chi