Năng suất lao động của Việt Nam thấp nhất trong khu vực

Năng suất lao động của Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, nếu không có những biện pháp tổng thể giúp nâng cao năng suất lao động trong tương lai gần, trong bối cảnh cơ cấu dân số v

Đó là một trong những thông tin quan trọng được đưa ra tại Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 với chủ đề “Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất” diễn ra vào sáng 8/5 tại Hà Nội.

Tiếp nối thành công của những năm trước, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 bao gồm 7 chương và 2 phụ lục. Trong đó, bản Báo cáo dành 5 chương để cung cấp thông tin, phân tích và đánh giá về đặc điểm của năng suất lao động (NSLĐ) Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; mức độ tăng lương và tăng NSLĐ...

NSLĐ của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, NSLĐ bình quân của Việt Nam tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động năm 2017 cùng với sự biến thiên đáng kể của tốc độ tăng trưởng qua các năm.

Trong giai đoạn 2006-2012, tốc độ tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam giảm từ 4,05% (2006) xuống còn 3,06% (2012), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 3,29%/năm. Giai đoạn 2012-2017, NSLĐ bình quân của toàn nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ bình quân 5,3%/năm và tăng trưởng cao nhất vào năm 2015 với tốc độ 6,49%. Nhìn chung, giá trị NSLĐ tổng hợp có xu hướng tăng với tốc độ khá nhanh qua các năm.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2018 của VEPR cung cấp thông tin, phân tích và đánh giá về đặc điểm của NSLĐ tại Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế

Trên phương diện so sánh quốc tế, NSLĐ của Việt Nam được đặt trong mối tương quan với các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Campuchia). Kết quả cho thấy, tới năm 2015, NSLĐ của 09 nhóm ngành của Việt Nam đều ở mức gần hoặc thấp nhất trong các nước kể trên.

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo được coi là dẫn dắt cho nền kinh tế, có đóng góp cho xuất khẩu cao nhưng NSLĐ chưa cao. Trong khi đó ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn nằm trong số các ngành có mức NSLĐ thấp nhất nền kinh tế.

NSLĐ của 09 nhóm ngành của Việt Nam đều ở mức gần hoặc thấp nhất trong các nước trong khu vực

"NSLĐ của Việt Nam ở ba ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng, vận tải, kho bãi và truyền thông hiện thấp nhất trong các nước so sánh, xếp sau cả Campuchia. Điều này cho thấy cơ cấu kinh tế của Việt Nam chưa chuyển dịch mạnh mẽ, nguồn lực đầu tư đang được chuyển dịch nhiều vào các ngành, lĩnh vực cũ, có giá trị gia tăng thấp”, ông Thành nhận định.

4 giải pháp tổng thể để tăng NSLĐ

Cụ thể, trong Báo cáo kinh tế thường niên 2018 của VEPR, để cải thiện NSLĐ tại Việt Nam các chuyên gia đề xuất 4 giải pháp, chính sách nhằm cải thiện NSLĐ, đặc biệt là vấn đề việc làm của giới trẻ hiện nay.

Thứ nhất, VEPR đề xuất cần có những biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động trẻ thông qua các chính sách đầu tư cho công tác dạy nghề, đi kèm với những cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo nghề, hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp theo hướng khuyến khích người học, đổi mới chính sách tiền lương, chế độ bảo hiểm nâng cao cho các ngành lao động nặng nhọc, những công nhân có tay nghề cao.

VEPR kiến nghị, Việt Nam cần phải có có những biện pháp tổng thể giúp nâng cao năng suất lao động trong tương lai gần

“Trong bối cảnh tốc độ tăng cung lao động trẻ của Việt Nam đã giảm trong giai đoạn gần đây, vấn đề không tích lũy đủ kiến thức và kỹ năng của lao động trẻ có thể dẫn đến việc thiếu hụt về nguồn lao động trong tương lai”, nhóm nghiên cứu lưu ý.

Thứ hai, cần nâng cao hiệu quả dự báo cung-cầu lao động để nâng cao khả năng tham gia vào thị trường lao động và lựa chọn nghề của lao động trẻ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Theo kết quả nghiên cứu, sự không ăn khớp giữa cung và cầu về trình độ chuyên môn trên thị trường lao động hiện nay dẫn tới việc NSLĐ kém hiệu quả và làm tăng chi phí cơ hội về thời gian cũng như nguồn lực của các gia đình khi đầu tư vào giáo dục.

Thứ ba, cần phát triển các khu công nghiệp tập trung, các khu chế xuất trong địa bàn hoặc gần địa bàn sinh sống của các lực lượng lao động trẻ tiềm năng. Sự tập trung các doanh nghiệp cùng ngành ở cùng một khu vực sẽ đem lại nhiều lợi ích cho bản thân các doanh nghiệp cũng như thu hút thêm các doanh nghiệp khác tới khu vực đó. Khi số lượng các doanh nghiệp tăng đồng nghĩa với việc cầu về lao động cũng sẽ tăng lên, từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động trẻ trong khu vực đó cũng như các khu vực lân cận.

Thứ tư, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh, cụ thể là các chỉ số gia nhập thị trường, chỉ số chi phí phi chính thức và chỉ số năng động cấp tỉnh, nhằm thúc đẩy sự phát triển cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương. Sự phát triển này cũng sẽ góp phần tạo thêm nhiều việc làm tại địa phương, từ đó nâng cao khả năng tham gia thị trường và lựa chọn nghề nghiệp cho lao động trẻ.

“Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chú trọng vào đổi mới, sáng tạo về cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng công nghệ, đầu tư thêm vào việc nghiên cứu cải tiến công nghệ và mua các công nghệ từ nước ngoài trong trường hợp cần thiết...”, VEPR khuyến cáo.

Hoàng Hòa