Nga khó có thể gia tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô

Giới phân tích cảnh báo mức tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô của Nga trong vòng 6 tháng tới đây có thể sẽ chỉ đạt 50% so với kế hoạch đề ra. Điều này có thể khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường thế giới trở nên nghiêm trọng hơn so với các nhận định trước đây.
khai thác dầu thô tại Nga
Nhiều hãng khai thác dầu thô lớn của Nga cho biết đã sử dụng hết phần công suất dự phòng do đó dư địa tăng sản lượng khai thác đã hết (Ảnh: Caspian News)

Theo kế hoạch, Nga dự kiến sẽ tăng sản lượng khai thác thêm 100.000 thùng/ngày mỗi tháng. Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Bloomberg nhận định mức tăng sản lượng thực tế của nước này sẽ không vượt quá 60.000 thùng/ngày trong nửa đầu năm 2022.

Điều này có thể khiến Nga trở thành quốc gia mới nhất trong liên minh OPEC+ gặp khó khăn về việc nâng thêm sản lượng khai thác. Một số hãng khai thác dầu lớn nhất Nga, gồm Rosneft PJSC, Lukoil PJSC và Gazprom Neft PJSC, cho biết đã triển khai hết phần công suất dự phòng. Hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy cho biết hầu hết các hãng khai thác dầu lớn của Nga đều có kế hoạch tăng đầu tư nâng sản lượng khai thác. Tuy nhiên, phần lớn các mỏ dầu mới sẽ chỉ đi vào hoạt động sau năm 2022.

Trong khi đó, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak tiếp tục khẳng định Nga sẽ đạt được các mục tiêu khai thác dầu thô đã đề ra với mức sản lượng lên tới 10,1 triệu thùng trong tháng 1/2022 tương đương với mức tăng thêm 100.000 thùng/ngày so với hồi tháng 12/2021.

Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, đang trong quá trình khôi phục phần sản lượng khai thác vốn bị cắt giảm trong năm 2020 và 2021 nhằm đối phó với các tác động của đại dịch Covid-19.

Liên minh OPEC+ đặt mục tiêu tăng thêm sản lượng 400.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, mức tăng thực tế thấp hơn đáng kể so với mục tiêu, chủ yếu do thiếu hụt vốn đầu tư, công suất dự phòng ở mức thấp và tình trạng bảo dưỡng bị trì hoãn dưới tác động của đại dịch Covid-19. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu hiện vẫn đang phục hồi mạnh mẽ do biến thể Covid-19 Omicron chỉ gây ảnh hưởng nhẹ đến nền kinh tế thế giới so với các dự báo trước đây.

Một số nhà phân tích cảnh báo với việc giá dầu thô đã vượt ngưỡng 85 USD/thùng và Nga khó có thể gia tăng thêm sản lượng khai thác như kế hoạch đã đề ra thì áp lực lạm phát trên toàn cầu sẽ ở mức cao. Hiện nhiều nền kinh tế lớn đang ghi nhận mức lạm phát cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Hãng giao dịch dầu lớn nhất thế giới Vitol Group dự báo giá dầu thô Brent có thể tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá dầu thô Brent đã tăng hơn 10%. Tình trạng giá năng lượng tăng cao khiến Chính phủ Hoa Kỳ liên tục gây sức ép lên liên minh OPEC+ để gia tăng hơn nữa mức sản lượng khai thác.

Trong hầu hết năm 2021, ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga duy trì mức tăng sản lượng khá ổn định qua các tháng. Tuy nhiên, đến tháng 11/2021, mức tăng sản lượng này bắt đầu suy yếu. Ngân hàng đầu tư Bank of America và hãng tư vấn Vygon Consulting đều nhận định các hãng khai thác dầu thô của Nga có thể đang tiếp tục chờ đợi, quan sát tình hình trước khi quyết định mở rộng sản xuất do các yếu tố không chắc chắn về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu.

Minh Trang