Hãng tin Reuters vừa cho biết, trong tuần trước, Bộ Năng lượng Nga đã yêu cầu các doanh nghiệp khai thác dầu thô của nước này phải cắt giảm sản lượng khai thác từ 19% - 20% so với mức sản lượng khai thác hồi tháng 2/2020.
Trước đó, vào ngày 12/4, liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu đã đạt thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác ở mức kỷ lục, 9,7 triệu thùng/ngày tương ứng 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu trong tháng 5 và tháng 6/2020 trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sụt giảm mạnh vì sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, sản lượng khai thác của các quốc gia khai thác dầu thô lớn khác không tham gia thoả thuận của liên minh OPEC+ như Hoa Kỳ, Canada và Na Uy cũng giảm xuống tự nhiên khi các doanh nghiệp khai thác dầu thô tại đây thu hẹp sản xuất vì giá dầu thô giảm. Tổng mức cắt giảm sản lượng dầu thô lần này trên toàn cầu sẽ đạt khoảng 20 triệu thùng/ngày, tương đương 1/5 tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Theo thoả thuận của liên minh OPEC+, Nga sẽ cần cắt giảm sản lượng khai thác ở mức 2,5 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 5/2020; mức cắt giảm này chỉ bao gồm dầu thô, không bao gồm khí ngưng tụ vốn được coi là một loại dầu nhẹ. Trong tháng 2/2020, tổng sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ của Nga đạt 11,29 triệu thùng/ngày; sản lượng khí ngưng tụ của Nga thường ở mức từ 0,6 – 0,7 triệu thùng/ngày. Thoả thuận này không yêu cầu Nga phải hạn chế mức xuất khẩu.
Trong bối cảnh giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) tại Hoa Kỳ sụp đổ, lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống ngưỡng âm (-37,63 USD/thùng), một số nguồn tin thị trường cho biết Ả-rập Xê-út, quốc gia khai thác dầu thô lớn thứ 2 thế giới, cùng với các quốc gia thành viên khối OPEC có thể tiến hành cắt giảm sản lượng khai thác theo thoả thuận ngày 12/3 vào thời điểm nhanh nhất có thể, thay vì đợi đến đầu tháng 5/2020.
Trong ngày 17/4, tập đoàn khai thác dầu thô quốc doanh Ả-rập Xê-út Saudi Aramco cho biết sẽ cắt giảm sản lượng khai thác từ mức 12,3 triệu thùng/ngày xuống còn 8,5 triệu thùng/ngày kể từ đầu tháng 5/2020.