Ngành công nghiệp Thái Bình vươn lên tầm cao mới

Trong suốt chiều dài lịch sử, Thái Bình đã trải qua nhiều bước ngoặt trong phát triển kinh tế. Kể từ khi miền Bắc được giải phóng, Thái Bình đã tập trung phát triển toàn diện trên cả 3 lĩnh vực kinh t

Đến nay không chỉ nổi tiếng là quê hương năm tấn, Thái Bình còn có bước chuyển mình mạnh mẽ, tạo sức bật vững chắc, hòa nhịp với cả nước trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vươn lên tầm cao mới nhờ sự đột phá trong ngành Công nghiệp.

Thực hiện lời Bác dạy: ''Thái Bình phải phấn đấu để trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt'', ngay từ năm 1957, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng về phục hồi và phát triển kinh tế công, thương nghiệp, Thái Bình đã căn bản hoàn thành hợp tác hóa với 82 HTX thủ công nghiệp, 35 tổ hợp tác sản xuất, 404 tổ gia công với trên 26.600 thợ thủ công... Mậu dịch quốc doanh phát triển nhanh chóng, gắn kết chặt chẽ với cơ sở sản xuất công nghiệp thực hiện nhiệm vụ lưu thông phân phối phục vụ tiêu dùng của nhân dân và cung ứng vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất phát triển kinh tế - xã hội.

Tới những năm 1960 - 1975, tỉnh Thái Bình đã xuất hiện Xưởng Cơ khí Thái Bình, một vài xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, các HTX thủ công, tổ hợp tác, tổ gia công. Đến năm 1965 đã hình thành 20 xí nghiệp bao gồm sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, thực phẩm, cơ khí, may mặc... Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp (TTCN) từng bước tiến lên nửa cơ giới và cơ giới, tập trung quy mô lớn hơn. Do đó, giá trị sản lượng CN - TTCN ở thời kỳ này tăng đột biến tới 39% so với 1960. Mậu dịch quốc doanh tiếp tục được củng cố, giữ vai trò chủ đạo trong lưu thông phân phối với doanh số mua bán tăng 16 lần, hệ thống các cửa hàng bán lẻ tăng 20 lần so với năm 1955. Ngoài ra, HTX mua bán cũng được thành lập rộng khắp từ tỉnh đến huyện, xã theo phương thức kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh ta đã dấy lên các phong trào thi đua yêu nước, áp dụng nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhiều sản phẩm mới ra đời, tiêu biểu như sản phẩm máy bơm nước và công cụ cầm tay của Nhà máy Cơ khí 2-9, sản phẩm phụ tùng xe đạp và xe đạp Thái Bình nhãn hiệu "Bông lúa"... Lúc này thương nghiệp là lực lượng hậu cần, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ thường xuyên bám trụ tại các kho cảng Hà Nội, Hải Phòng... tiếp nhận, vận chuyển vật tư hàng hóa về phân phối, đáp ứng các yêu cầu phục vụ cho chiến đấu, sản xuất và đời sống nhân dân.

Khi đất nước thống nhất, cả nước bước vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, các HTX thủ công trong tỉnh phát triển quy mô lớn, nhiều làng nghề truyền thống như dệt, thêu, đúc, rèn, chạm bạc... được khôi phục. Tới năm 1980, toàn tỉnh đã có 109 HTX tiểu thủ công nghiệp, trong đó 14 HTX cơ khí, 27 HTX chế biến gỗ, 14 HTX chế biến thực phẩm, 38 HTX dệt... Riêng ở Thị xã đã có hàng chục HTX cơ khí, dệt thảm phát triển mạnh, điển hình như các HTX: Cơ khí Đoàn Kết, Phương Đông, Bình Minh, Cộng Lực, Bắc Sơn, Vĩnh Long, Vĩnh Trà ... Bên cạnh đó, hàng loạt xí nghiệp công nghiệp quốc doanh ra đời như: Xí nghiệp Xe đạp, Xi măng, Cấu kiện gỗ, Chiếu 27-7, Dụng cụ TDTT ...

Trong những năm từ 1976 - 1985, công nghiệp - TTCN của tỉnh phát triển mạnh, chiếm tới 16 -17% tổng sản phẩm của tỉnh. Lần đầu tiên Liên Xô giúp tỉnh ta khoan thăm dò dầu khí tại khu vực huyện Tiền Hải đã mở ra ngành CN khai thác và sử dụng khí đốt của tỉnh.

Tới khi thực hiện công cuộc đổi mới từ 1986 - 1995, Nghị quyết Đại hội VI của Đảng đã tạo ra bước ngoặt toàn diện đối với hoạt động công thương của tỉnh. Đó là tập trung xây dựng và thực hiện chiến lược khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển công nghiệp, hợp tác liên doanh với công nghiệp trong và ngoài nước, tiếp thu khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, tạo sức bật mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao. Đồng thời phát triển mạnh mẽ tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn và hướng mạnh vào khai thác tiềm năng thế mạnh về nguyên liệu, nhiên liệu và lao động của địa phương. Vì thế, giá trị sản xuất công nghiệp từ năm 1992 - 1995 tăng trưởng khá cao với trên 20%/năm.

Thời kỳ từ năm 1996 đến nay, tỉnh Thái Bình nhất quán thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, cùng với đổi mới công tác quản lý, thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, công nghiệp tập trung, nghề và làng nghề trong tỉnh được chú trọng phát triển.

Hiện tại toàn tỉnh đã quy hoạch 9 KCN, 43 CCN, trong đó có 6 KCN và 29 CCN được lập quy hoạch chi tiết, với tổng diện tích 1.759,2 ha, thu hút 359 dự án đầu tư của tổng vốn thực hiện 14.978 tỷ đồng, sử dụng trên 60.000 lao động. Trong đó xuất hiện một số dự án vốn đầu tư lớn như: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1,27 tỷ USD, Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất Amonitrat 5.762 tỷ đồng, Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và phân phối khí mỏ Thái Bình và mỏ Hàm Rồng lô 102&106 trên 2.300 tỷ đồng... Chất lượng sản phẩm công nghiệp ngày một tốt hơn, một số sản phẩm có thương hiệu riêng như thuỷ tinh phalê, gạch Ceramic, sứ Hảo Cảnh, xi măng trắng, nước khoáng Tiền Hải, Bia Đại Việt, điện cơ Thiên Thuận, Bình gas Thiên Mã...

Nghề và làng nghề được củng cố, phát triển, đến nay tất cả các địa phương trong tỉnh đều có nghề, trong đó có 242 làng nghề đã được UBND tỉnh cấp bằng công nhận, tạo việc làm cho 149.520 lao động. Hết năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 30.523 tỷ đồng, tăng 11,87 lần so với năm 2012 và xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI).

Cùng với đó, kết cấu hạ tầng thương mại dịch vụ cũng có bước phát triển mới theo hướng văn minh hiện đại. Hệ thống chợ nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu được đầu tư khá hiện đại; có 2 TTTM và 8 siêu thị đã được đầu tư xây dựng; cửa hàng tự chọn, cửa hàng chất lượng cao phát triển khá mạnh ở thành phố, thị trấn, trung tâm xã; công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại được tăng cường, thị trường phát triển ổn định, lưu thông thông suốt; quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và doanh nghiệp được bảo vệ; hoạt động xuất nhập khẩu có tiến bộ rõ rệt với trên 50 thị trường.Mạng lưới điện đã phủ kín 100% số xã, phường, thị trấn.

Với sự phát triển trên, đến nay Thái Bình không chỉ khoác chiếc áo mới, hòa nhịp với bước tiến của cả nước mà còn khẳng định là tỉnh có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong phát triển công nghiệp. Trong thời gian tới, Thái Bình sẽ tiếp tục phát triển công nghiệp, thương mại theo hướng hiện đại, văn minh đồng thời đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN, CCN, phát triển nghề, làng nghề, kết cấu hạ tầng thương mại. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2014 đạt 34.265 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2013, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 26.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.075 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 990 triệu USD./.