Nghỉ hưu trước tuổi vẫn phải đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội

Chính phủ đề xuất giảm năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để người lao động được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhưng không áp dụng cho trường hợp nghỉ hưu sớm trước tuổi.

Đây là nội dung trong tờ trình Chính phủ gửi Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm xã hội. Theo đó, quy định giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm không áp dụng cho trường hợp nghỉ hưu sớm trước tuổi.

Đối với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, mỗi năm nghỉ hưu sớm sẽ bị giảm 2% tỷ lệ lương hưu.

bảo hiểm xã hội Tạp chí Công Thương
Quy định giảm năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu không áp dụng cho trường hợp nghỉ hưu sớm trước tuổi.

Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), sau khi giảm năm đóng, mức hưởng lương hưu của nữ giới giữ nguyên là 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, mức hưởng lương hưu của nam giới giảm xuống còn 33,75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Như vậy, nếu nghỉ hưu trước tuổi, mức lương hưu sẽ rất thấp. Ví dụ, lao động nam có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội có tỷ lệ hưởng lương hưu là 33,75%. Nếu nghỉ hưu sớm 5 năm sẽ bị trừ 10%, tỉ lệ hưởng lương hưu chỉ còn 23,75%.

Hiện nay, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. Theo lộ trình này, năm 2023 độ tuổi nghỉ hưu của nam sẽ là 60 tuổi 9 tháng, nữ là 56 tuổi.

Ngọc Châm