Từ xưa tới nay, sự hưng thịnh hay suy vong của bất kỳ quốc gia - dân tộc hay chế độ nào đều phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cán bộ - những người có vai trò rường cột trong tham mưu hoạch định chính sách, trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng và thực thi luật pháp, quản lý mọi mặt của đời sống xã hội. Ðảng - Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của đội ngũ cán bộ đối với sự phát triển, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: ‘‘Cán bộ là cái gốc của mọi công việc“, ‘‘Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém‘‘.
Trong những năm qua, nhất là sau khi có Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp luôn được Đảng ta quan tâm, việc lựa chọn, đào tạo, bố trí đúng cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cấp, các ngành, các cơ quan Đảng, Nhà nước và đoàn thể bảo đảm được yêu cầu của nhiệm vụ chính trị. Đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên cùng với việc hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới khi tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức, sự phát triển thông tin truyền thông toàn cầu, chiến tranh mạng… sẽ đòi hỏi một thế hệ cán bộ “thực sự tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực” mới có thể đáp ứng được những đòi hỏi của giai đoạn cách mạng mới.
Đứng trước các yêu cầu đó, Đại hội XII của Đảng đã đề ra các nhiệm vụ về đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ. Tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 26-NQ/TW, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp của Bộ Công Thương có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với nhiệm vụ quản lý ngành Công Thương mà Đảng, Chính phủ giao; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Chương trình hành động số 03-CTr/BCSĐ ngày 04 tháng 01 năm 2019 của BCSĐ Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ đã đề ra các mục tiêu cụ thể sau:
- Đến năm 2020: Hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm và rà soát, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Bộ Công Thương gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
- Đến năm 2025: Tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hoá, đồng bộ các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ theo các quy định chung của Đảng, Nhà nước; Xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Bộ Công Thương đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.
- Đến năm 2030: Xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Bộ Công Thương chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ một cách vững vàng; Cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Bộ Công Thương ngang tầm nhiệm vụ. Cụ thể là: Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tổng cục, cục, vụ, phòng và tương đương: Từ 20 - 25% dưới 40 tuổi; từ 50 - 60% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Để thực hiện được các mục tiêu đặt ra một loạt các giải pháp đã và đang được Ban cán sự đảng Bộ triển khai.
Thứ nhất, hoàn thiện tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý cũng như đổi mới công tác đánh giá cán bộ
Bám sát vào các tiêu chuẩn chung quy định tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiên đại hóa đất nước, Quy định số 89-QĐ/TW của Bộ Chính trị ngày 04 tháng 8 năm 2017 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, Bộ đã ban hành Quyết định số 4056/QĐ-BCT ngày 26 tháng 10 năm 2018 quy định về tiêu chuẩn và quy trình công tác cán bộ của Bộ Công Thương, trong đó đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý của Bộ Công Thương. Đồng thời Bộ cũng đã xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể cho từng chức danh lãnh đạo, quản lý của các đơn vị thuộc Bộ.
Xác định công tác đánh giá cán bộ là khâu tiền đề, có ý nghĩa rất quan trọng đối với tất cả các khâu của công tác cán bộ, vì vậy Bộ Công Thương luôn thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác đánh giá cán bộ như: Quyết định số 286-QĐ/TW ngày 08/02/2010 về đánh giá cán bộ, công chức; Quy định số 89-QĐ/TW, Quy định số 90-QĐ/TW ngày 04/8/2017 về tiêu chuẩn chức danh và khung tiêu chí đánh giá đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung, đối với cán bộ cấp chiến lược nói riêng; Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 08/3/2018 của Bộ Chính trị về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị và Hướng dẫn số 21-HD/BTCTW ngày 18/10/2019 của Ban Tổ chức Trung ương; Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 và Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên; Quy định số 262/QĐ-TW ngày 08/10/2014 của Bộ Chính trị quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27/7/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP.
Hàng năm, Bộ Công Thương tiến hành việc đánh giá cán bộ, công chức, đảng viên về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống, mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao, tinh thần thái độ, trách nhiệm đối với tập thể, đồng nghiệp và nhân dân kết hợp với kiểm điểm đảng viên theo quy định. Việc đánh giá cán bộ được thực hiện trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, điều động, kỷ luật, khen thưởng cán bộ và thực hiện đánh giá định kỳ hàng năm.
Thứ hai, quan tâm đến công tác tạo nguồn cán bộ trẻ
Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ đã giao Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu xây dựng kế hoạch, đề án nhằm tạo nguồn cán bộ trẻ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận bảo đảm tính kế thừa và chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ cán bộ. Đồng thời Bộ cũng nghiên cứu những cơ chế, chính sách để thu hút tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp thủ khoa của các trường đại học về làm việc cho Bộ với mục đích tạo nguồn cán bộ, công chức có chất lượng, trẻ hóa, đáp ứng yêu cầu xây dựng, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức của Bộ phù hợp với nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong 2 năm (2018-2019) Bộ dã tổ chức thi tuyển và tuyển dụng được hơn 150 công chức trẻ bổ sung cho các đơn vị Cục, Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ. Nguồn cán bộ trẻ này luôn được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách trong thực tiễn. Bộ đã mạnh dạn thực hiện công tác luân chuyển công chức trẻ có đủ tiêu chuẩn, có triển vọng về giữ các chức vụ chủ chốt của các đơn vị (Viện, các Trường, Trung tâm…) trực thuộc Bộ nhằm tạo điều kiện đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, bản lĩnh công tác cho các công chức trẻ. Việc luân chuyển cán bộ trẻ về cơ sở nhằm bổ sung đội ngũ cán bộ lãnh đạo cho cơ sở, trực tiếp giải quyết có hiệu quả các vấn đề hạn chế, yếu kém ở cơ sở, đồng thời tạo cơ hội để cán bộ trẻ học tập, rèn luyện và thể hiện khả trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở. Trước khi luân chuyển về cơ sở, cán bộ trẻ đều được bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cần thiết của người lãnh đạo; đây là một việc làm cần thiết nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ, kỹ năng, năng lực thực tiễn, phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Bộ những năm tiếp theo.
Thứ ba, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của Bộ phải đổi mới triết lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo hướng chuyển từ bồi dưỡng kiến thức sang phát triển năng lực. Để phát triển năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, vấn đề căn bản là phải để cán bộ, công chức tham gia tích cực, chủ động vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Theo đó, cán bộ, công chức phải chủ động tiếp thu kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và vận dụng có hiệu quả các kiến thức, kinh nghiệm vào thực thi công vụ. Việc thiết kế chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cần tập trung vào những định hướng lớn, như định hướng hành động, định hướng thực thi công vụ, định hướng nhận diện và giải quyết vấn đề, định hướng chiến lược phục vụ nền công vụ trong hiện tại và tương lai. Phương pháp đào tạo cần đổi mới theo hướng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý gắn với vị trí và trách nhiệm tương ứng của cán bộ. Nói cách khác, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức phải được xây dựng để đáp ứng yêu cầu bổ sung kiến thức, kỹ năng mà cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp của Bộ còn thiếu hụt, chứ không phải cung cấp cho họ những kiến thức, kỹ năng mà họ đã biết, đã có hoặc không còn phù hợp. Phương thức học tập nên được thực hiện kết hợp giữa học tập trung và đi thực tế để điều tra, nghiên cứu thực sự và xử lý tình huống nhằm góp phần giải quyết một số vấn đề và đề xuất những biện pháp xử lý những vấn đề đang nổi cộm, bức xúc hiện nay. Ngoài ra, mỗi lớp, hay từng nhóm trong khóa học có thể thực hiện một công trình nghiên cứu tập thể gắn với nội dung quản lý ngành Công Thương.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ và chất lượng đội ngũ làm công tác tổ chức, cán bộ
Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ đã ưu tiên, kiện toàn lại cán bộ công chức đơn vị tham mưu về công tác cán bộ của bộ theo hướng phát triển đội ngũ làm công tác tổ chức, cán bộ đủ về số lượng, tốt về chất lượng, cơ cấu hợp lý và có tính chuyên nghiệp cao. Đặc biệt, coi trọng việc bố trí CBCC có đủ đức, đủ tài; có tâm, có tầm, tinh thần trách nhiệm cao; gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và rèn luyện đạo đức, lối sống, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nói đi đôi với làm... vào giữ cương vị lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị làm công tác tổ chức, cán bộ. Đồng thời quan tâm có chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý đối với đội ngũ làm công tác tổ chức, cán bộ.
Thứ năm, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền
Công khai, minh bạch các khâu, các hoạt động của công tác tổ chức và cán bộ, xóa bỏ quan niệm xem công tác cán bộ là bí mật, nhạy cảm - tạo điều kiện cho giám sát công tác cán bộ. Xác định rõ trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, của tập thể cấp ủy, của người giới thiệu, của cán bộ làm công tác tham mưu về tổ chức - cán bộ, đối với các trường hợp được bổ nhiệm, luân chuyển, điều động. Cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm của người tiến cử, giới thiệu; có trách nhiệm của người đánh giá cán bộ; có trách nhiệm của bộ phận tham mưu giúp việc về công tác cán bộ …
Xác minh, xử lý kịp thời, hiệu quả, hợp lý thông tin phản ảnh từ các tổ chức, cá nhân và phương tiện thông tin đại chúng. Coi trọng cả cảnh báo, phòng ngừa và xử lý sai phạm. Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Huỷ bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, không có "vùng cấm". Khi có dư luận không tốt về cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp của Bộ, Ban cán sự đảng giao cho Vụ TCCB và các đơn vị liên quan nhanh chóng thẩm tra, kết luận nhằm bảo vệ sự trong sạch cho cán bộ, đồng thời phát hiện và ngăn chặn kịp thời các đối tượng cơ hội chính trị.
Đồng thời Bộ cũng coi trọng việc mở rộng dân chủ, phát huy vai trò giám sát phản biện xã hội các tổ chức chính trị - xã hội, của Công đoàn Bộ Công Thương, Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương, Hội cựu chiến binh Bộ; của cán bộ, công chức trong Bộ đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp của Bộ.