Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung đồng tăng đẩy giá đồng tăng cao

Giá đồng tiếp tục tăng cao trong bối cảnh một số mỏ khai thác đồng lớn tại Peru, quốc gia sản xuất đồng lớn thứ 2 thế giới, phải dừng hoạt động nhằm ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Sản xuất kim loại đồng
 Thị trường đồng có thể đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong giai đoạn tới khi ngày càng nhiều mỏ khai thác lớn phải tạm dừng sản xuất để ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19 (Ảnh: IPE)

Vào lúc 14h05 chiều (ngày 14/4, theo giờ Việt Nam), giá kim loại đồng theo hợp đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã tăng 3,1% lên mức 5.175 USD/tấn; trong phiên giao dịch, đã có lúc giá đồng tăng mạnh lên mức 5.200 USD/tấn – mức cao nhất kể từ ngày 17/3/2020.

Giá đồng theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) cũng tăng 0,1% lên 41.750 NDT (5.921,4 USD)/tấn – chạm mức cao nhất kể từ ngày 17/3/2020.

Giá kim loại đồng trên thị trường quốc tế tăng chủ yếu do thị trường lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung đồng có thể xảy ra. Nhiều mỏ khai thác đồng trên thế giới cho biết phải tạm dừng hoạt động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nơi áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển, cách ly xã hội và phong toả diện rộng khiến các chuỗi cung ứng sản xuất bị đứt gãy.

Mới đây nhất mỏ đồng Antamina tại Peru do hai tập đoàn khai khoáng hàng đầu thế giới là BHP và Glencore điều hành đã phải tạm dừng mọi hoạt động khai thác trong ít nhất 2 tuần để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Hãng khai thác khoáng sản Freeport-McMoRan cũng cho biết sẽ phải giảm thiểu các hoạt động khai thác tại mỏ đồng Cerro Verde, Peru xuống mức tối thiểu vì lo ngại nguy cơ dịch bệnh bùng phát tại khu vực sản xuất.

Peru hiện là quốc gia có sản lượng khai thác đồng lớn thứ 2 thế giới và nước này đã kéo dài thời hạn duy trì tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Chuyên gia phân tích thị trường Helen Lau thuộc hãng chứng khoán Argonaut Securities nhận định “Việc các hãng khai thác đồng tại Peru phải tạm dừng hoạt động đã khiến nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trên thị trường tăng cao”.  Trong giai đoạn gần đây, nhiều mỏ khai thác đồng lớn tại khu vực Châu Phi và Nam Mỹ đã phải ngưng hoạt động hoặc giảm mạnh công suất khai thác do lo ngại dịch bệnh bùng phát hoặc các chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất bị gián đoạn vì dịch bệnh.

Dữ liệu của hãng tư vấn thị trường kim loại Asian Metal cho thấy mức phí xử lý đồng giao ngay – khoản phí mà các hãng khai thác mỏ phải trả cho các hãng luyện kim để xử lý tinh quặng đồng thành kim loại hiện đạt 61,50 USD/tấn – mức thấp nhất kể từ ngày 7/2/2020; qua đó cho thấy nguồn cung đồng hiện đã giảm xuống.

Việc gián đoạn nguồn cung đồng từ Peru có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường kim loại đồng tại Trung Quốc do quốc gia này nhập khẩu khoảng 30% lượng đồng phục vụ cho các hoạt động luyện kim.

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng kim loại đồng tại Trung Quốc đang có xu hướng tăng trở lại khi các hoạt động kinh tế tại nước này dần được khôi phục sau thời gian dài bị đình trệ để phòng chống đại dịch Covid-19. Dữ liệu mới nhất cho thấy lượng đồng thô được Trung Quốc nhập khẩu ttrong tháng 3/2020 đã tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Trên sàn LME, giá thiếc đã tăng 2,2% lên 15.920 USD/tấn sau khi Indonesia, quốc gia xuất khẩu thiếc lớn nhất thế giới, cho biết lượng thiếc xuất khẩu của nước này trong tháng 3/2020 đã giảm 20,9% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trên sàn LME, giá nhôm tăng 1,3% lên 1.499 USD/tấn; giá nickel tăng 1,4% lên 11.840 USD/tấn. Trên sàn SHFE, giá nhôm giảm 0,1% xuống 11.770 NDT/tấn và giá nickel tăng 0,3% lên 97.160 NDT/tấn.

Quang Đặng (Theo Reuters)