Ông Pongpun Amornvivat, Phó Chủ tịch điều hành cấp cao về thương mại quốc tế của PTT Plc, cho biết, Thái Lan đang tăng cường dự trữ khí LNG trong bối cảnh nhu cầu sử dụng khí cho sản xuất điện tại nước này tăng vọt khi hoạt động du lịch phục hồi và nguồn cung từ thuỷ điện suy yếu.
Trong tuần này, giá khí LNG giao tháng 7/2023 tại khu vực châu Á đã giảm 6,6%, xuống còn 9,8 USD/mmBtu - mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây và thấp hơn rất nhiều so với năm 2022 khi giá các mặt hàng năng lượng tăng vọt dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine. Theo Bộ Năng lượng Thái Lan, trong quý 4/2022, giá khí LNG ở mức 35-40 USD/mmBtu.
Ông Toby Copson, Giám đốc phụ trách bộ phận giao dịch toàn cầu của hãng môi giới Trident LNG (Australia) cho biết giá khí LNG khu vực châu Á đang tiếp tục giao dịch quanh ngưỡng dưới 10 USD/mmBtu khi nhu cầu trên thị trường ở mức yếu. Tuy nhiên, mức giá này có thể thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc và Nhật Bản, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất điện, gia tăng thu mua.
Trên thị trường giao dịch khí LNG tương lai hiện đã xuất hiện tình trạng bù hoãn mua - giá của các hợp đồng giao kỳ hạn trong tương lai đang cao hơn giá giao ngay. Do đó, giá khí LNG có thể sẽ tăng lên trong những tuần tới khi nhiệt độ mùa Hè đang tăng cao. Các dự báo cho thấy mùa Hè năm nay sẽ xuất hiện nhiều đợt nắng nóng gay gắt tại châu Á, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng điện để làm mát tăng vọt.
Ông Toby Copson nhận định nhu cầu đối với các lô khí LNG giao tháng 8/2023 đang tăng lên và một số quốc gia tiêu thụ khí LNG lớn tại châu Á bắt đầu xúc tiến việc đặt trước các lô hàng.
Trên thị trường giao ngay, hãng tư vấn năng lượng Energy Aspects (Anh) cho biết các quốc gia khu vực Nam Á đang chiếm ưu thế, đặc biệt là đợt nắng nóng hiện nay tại Thái Lan đang tác động đến sản lượng thuỷ điện của nước này, do đó Thái Lan có thể sẽ phải sớm tăng cường thu mua các lô khí LNG giao ngay.
Các nhà phân tích nhận định diễn biến giá khí LNG tại khu vực châu Á trong thời gian tới sẽ chịu tác động lớn từ nhu cầu của Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu khí LNG lớn nhất thế giới. Thị trường kỳ vọng sự gia tăng nhu cầu sử dụng khí LNG của khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) sẽ đủ lớn để hấp thụ phần dư cung khí LNG của khu vực Đại Tây Dương hiện nay.
Tại khu vực Đại Tây Dương, nhu cầu sử dụng khí đốt tại châu Âu đang giảm xuống khi các hoạt động kinh tế giảm tốc và mức độ dự trữ khí đốt tại đây đang ở mức cao, đạt 65% mức dự trữ tối đa khi nhiệt độ mùa Đông vừa qua không quá lạnh.
Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Commodity Insights (Hoa Kỳ) cho thấy giá khí LNG giao tháng 7 tại khu vực Tây Bắc châu Âu hiện đạt khoảng 8,4 USD/mmBtu.