Nhựa Bình Minh: Cổ đông kiểm soát muốn nâng tỷ lệ sở hữu lên 55% vốn điều lệ

Nawaplastic Industries Co., Ltd - cổ đông lớn nhất và có quyền kiểm soát muốn nâng sở hữu tại Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh lên 54,99% vốn điều lệ.

Cụ thể, Nawaplastic Industries Co., Ltd đăng ký mua 426.100 cổ phiếu Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán: BMP - sàn HoSE) nhằm nâng sở hữu từ 54,47% lên 54,99% vốn điều lệ. Dự kiến giao dịch được thực hiện từ ngày 8/2 đến 9/3/2023 theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận.

Nhựa Bình Minh là doanh nghiệp đã được đồng ý nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%. Ngoài Nawaplastic Industries Co., Ltd, Nhựa Bình Minh còn có 1 cổ đông lớn khác là quỹ KWE Beteiligungen AG (Thuỵ Sĩ) với tỷ lệ sở hữu 10,51%.

NawaPlastic Industries Co. Ltd là công ty con thuộc Tập đoàn SCG - nhà đầu tư Thái Lan đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1992 và hiện có 24 công ty hoạt động trong ba lĩnh vực chính gồm: xi măng – vật liệu xây dựng, bao bì và hóa dầu.

Xét về hoạt động kinh đoanh, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu đạt 5.824,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 696,2 tỷ đồng trong năm 2022, lần lượt tăng 27% và tăng 224% so với năm 2021. Nếu so với mục tiêu kinh doanh năm 2022 đề ra, Nhựa Bình Minh đã hoàn thành mục tiêu doanh thu và thực hiện 155,4% mục tiêu lợi nhuận. Chỉ tiêu lãi cơ bản trên cổ phiếu năm 2022 của Nhựa Bình Minh đạt 8.505 đồng. Công ty cũng có lịch sử trả cổ tức cao, đều đặn hàng năm và có xu hướng tăng dần trong những năm gần đây.

Giá cổ phiếu Nhựa Bình Minh
Diễn biến giá cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh từ đầu năm 2022 đến ngày 6/2/2023. (Nguồn: FireAnt)

Nhựa Bình Minh hiện là một trong những doanh nghiệp nhựa hàng đầu tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất ống nhựa với độ nhận diện thương hiệu cao. Theo đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán Funan (Funan Securities), Nhựa Bình Minh hiện chiếm 28% thị phần ống nhựa cả nước với đối thủ cạnh tranh chính là Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong (mã chứng khoán: NTP – sàn: HNX). Tuy nhiên thị trường ống nhựa có sự phân chia địa lý rõ ràng, Nhựa Thiếu niên Tiền phong chiếm thị phần cao nhất nhưng sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ ở khu vực miền Bắc, trong khi ở khu vực miền Nam, Nhựa Bình Minh chiếm khoảng 43% thị phần ống nhựa và phụ tùng.

Vị thế đầu ngành giúp Nhựa Bình Minh có sự cạnh tranh cao và khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng cao hàng năm trong bối cảnh rào cản gia nhập ngành nhựa hiện tương đối thấp. Cấu trúc vốn của Nhựa Bình Minh được đánh giá ở mức lành mạnh khi tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu chỉ khoảng 2%. Cơ cấu vốn này phù hợp với bối cảnh lãi suất cao và tình hình kinh tế đối mặt nhiều rủi ro; đồng thời, cũng mở ra cơ hội tăng trưởng mạnh trong tương lai khi nền kinh tế khôi phục do có thể mở rộng mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính.

Bên cạnh đó, công ty mẹ của Nhựa Bình Minh là Công ty TNHH Nhựa và Hoá chất TPC Vina cũng là một trong những nhà sản xuất hạt nhựa PVC lớn nhất Việt Nam, giúp giảm thiểu rủi ro tăng giá nguyên vật liệu, qua đó giúp đảm bảo biên lợi nhuận gộp của Nhựa Bình Minh. Đây là lợi thế mà những doanh nghiệp cùng ngành hiện chưa có được.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/2, cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh giảm 1.100 đồng về 58.500 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên giao dịch gần nhất đạt gần 173.000 cổ phiếu.

Duy Quang