Ngành Công Thương đối diện với dư luận xã hội

Năm 2009, ngành Công Thương chịu nhiều sức ép dư luận trên các phương tiện truyền thông, trong các nhóm cộng đồng, mỗi gia đình. Cuối năm tôi muốn ghi lại một số chủ đề:

 

 Ồn ào “Bô -xít”

 Sự bàn tán chủ yếu ở giới trí thức, người dân ít quan tâm bởi họ không có nhiều thông tin. Khá nhiều ýchỉ trích hướng vào Bộ Công Thương, Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam – TKV... mỗi người có luồng thông tin khác nhau. Khi có người hỏi, tôi trả lời: “Xung quanh ta nhiều đồ nhôm, thế giới có nhiều mỏ bauxit từ trước đến nay vẫn khai thác, chế biến, do vậy chúng ta có cơ hội tiếp nhận kinh nghiệm chọn công nghệ, đặc biệt là xử lý bùn đỏ”. Một đại tá về hưu hỏi “Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thư đề nghị dừng, nhiều nhà khoa học phản đối mà dự án vẫn triển khai ? ”. Một vị khách trả lời thay tôi: “Bộ Chính trị kết luận thí điểm dự án Tân Rai -Lâm Đồng, dự án Nhân Cơ - Đăk Nông thì chờ khi có báo cáo đánh giá tác động môi trường mới được triển khai. Vấn đề công nghệ, môi trường của dự án chắc chắn được kiểm soát kỹ.”. Quay sang tôi, vị khách hỏi: “Vấn đề lao động Trung Quốc, ông thấy thế nào?”.  Tôi nói: “Năm 1966-1967, ở quê tôi, lao động Trung Quốc sang đào hầm, sau lại về. Theo quy định hiện nay, chúng ta cấp phép lao động có thời hạn, và kiểm tra giấy phép lao động thì có gì đáng ngại, chúng ta chỉ chấp nhận lao động kỹ thuật mà trong nước không đảm nhận được. Việc không kiểm soát lao động gây mất an ninh trật tự là trách nhiệm của cơ quan quản lýý nhà nước được phân cấp”.

 Tôi thấy có nhiều nhà khoa học tên tuổi ở trong và ngoài nước phản đối dự án bauxit, rồi chợt nhớ hồi năm 1993, anh Đinh Qúy - Phó văn phòng thẩm định dự án đầu tư-Bộ KH&ĐT tâm sự về ý kiến của giới khoa học, của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về dự án đường dây 500 KV Bắc – Nam. Bằng quyết định của cấp trên, đồng thuận và nỗ lực của ngành Điện cùng các địa phương, nên dự án đã thành công, mối lo được giải toả.

 Từ tháng 7/2009, theo yêu cầu Chính phủ, cứ ba tháng một lần, Bộ Công Thương tổ chức các cuộc “giao ban đặc biệt” tại hiện trường để giám sát, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án. Đến nay, dự án Tân Rai, TKV đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng bao gồm đường, điện, nước của khu tái định cư cho 730 hộ gia đình, hơn 800 tấn thiết bị của gói thầu EPC đã tập kết về tới chân công trình và đang được chuẩn bị lắp đặt để kịp tiến độ tháng 10/2010 nhà máy sẽ đi vào hoạt động. Tại dự án Nhân Cơ, TKV đang khẩn trương triển khai việc điều chỉnh đầu tư xây dựng, tính toán lại hiệu quả kinh tế, lập điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường để trình Hội đồng thẩm định.

 Lao xao giá điện

 Thông tư  05/2009/TT-BCT quy định chi tiết giá bán điện áp dụng từ ngày 1/3/2009. Theo đó, lượng tiêu thụ tính giá luỹ tiến với 7 bậc, dư luận chỉ trích ngành điện “được Nhà nước đầu tư lớn mà giá bán cao, rồi giá điện giờ cao điểm thiệt hại cho sản xuất,...”. Tính đầy đủ thì bình quân 1 kwh điện theo biểu giá mới chỉ tăng có 8,9 % nhưng tách được diện “bao cấp”. Năm 2008, cả nước chỉ có 12,1% số hộ nghèo, mức sử dụng điện bình quân dưới 50kWh/tháng, chiếm 23% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt, do vậy theo giá mới, những hộ nghèo dùng 50kWh/tháng chỉ phải trả 30.000 đồng. “Các hộ dân sử dụng dưới 100kWh/tháng cũng chi phải trả thêm 18.250 đồng/tháng. Như vậy, có thể nói đa số hộ nghèo, hộ thu nhập thấp đều sử dụng dưới 100kWh/tháng và với biểu giá hiện nay thì việc tăng thêm tiền điện phải nộp là không đáng kể, và điều quan trọng là Nhà nước vẫn duy trì trợ cấp giá cho các đối tượng nghèo” Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời thuyết phục đại biểu Quốc hội.

 Giá điện cao điểm buổi sáng được xây dựng căn cứ vào biểu đồ phụ tải, nhằm thực hiện chính sách tiết kiệm điện, bảo đảm an toàn hệ thống. Đến tháng 7/2009, Bộ Công Thương khảo sát ảnh hưởng của giá điện mới đã cho kết quả: tăng chi phí tiền điện trên tổng chi phí sản xuất sau khi áp dụng giá giờ cao điểm của doanh nghiệp là rất nhỏ. Cụ thể, ngành xi măng là 0,28 - 2,75%, ngành thép là 0,06 – 0,23%, ngành bia rượu là 0,23%...Các doanh nghiệp đã tích cực trong tìm  giải pháp tiết kiệm điện, điều này phù hợp với các khuyến cáo quốc tế rằng: Tiết kiệm năng lượng nói chung, điện nói riêng hiệu quả hơn là xây dựng thêm những nhà máy có công suất nhỏ và vừa, nhanh hết hạn sử dụng. Cùng với giá xăng dầu, hướng giá năng lượng theo cơ chế thị trường là phù hợp với hội nhập quốc tế, thúc đẩy giá cạnh tranh và tiết kiệm năng lượng.

 Đa chiều ý kiến thủy điện

 Cơn bão số 9 và số 11 gây thiệt hại lớn cho các tỉnh miền Trung, dư luận phê phán gay gắt việc xây dựng và vận hành các công trình thủy điện... Ý kiến của một số lãnh đạo trung ương bác bỏ ảnh hưởng của thủy điện đã không thuyết phục được lãnh đạo và nhân dân địa phương. Tuy nhiên, lỗi của điều hành liên hồ thủy điện đã được chỉ ra. Thủy điện luôn ảnh hưởng đến tự nhiên như mất đất, mất rừng, nguy cơ úng lụt và biến đổi hệ sinh thái... Những năm 90 của thế kỷ trước, tôi vào thủy điện Vĩnh Sơn (Bình Định) chứng kiến những cánh rừng nguyên sinh bị phá, gần đây gặp những người dân ở lòng hồ sông Đà di chuyển hai lần (lên Thuận Châu, rồi Mai Sơn), gặp bà con ở vùng thủy điện Sơn La chuyển về, rồi dân Phong Thổ (Lai Châu) tính lên núi, mới thấy hết sự “hy sinh” của đồng bào cho lợi ích chung. Với gần 1000 dự án thủy điện được cập nhật từ quy hoạch và đề xuất từ các địa phương, quả nhiên là có “cơn sốt” làm thủy điện hướng vào lợi ích chủ đầu tư? Bởi đây đó đã xuất hiện việc chuyển nhượng cổ phần dự án. Hồ thủy điện, thủy lợi tác động đến môi trường cần có sự liên kết đồng thuận giữa các bộ có liên quan và địa phương. Việc rà soát quy hoạch, cắt bỏ các dự án kém hiệu quả là cần thiết, thực tế Quảng Nam đã cắt bỏ. Việc thành lập đoàn kiểm tra các công trình thủy điện đã được tiến hành, tuy nhiên cần có cơ quan chuyên môn điều tra, đánh giá tác động của thủy điện để có dữ liệu tin cậy hơn.

 Bể than sông Hồng và năng lượng tái tạo được khởi động

 Người xưa lo lắng “củi quế, gạo châu”, bài toán an ninh năng lượng và lương thực luôn đặt ra cho nhân loại. Chúng ta đang phải đối diện với thiếu năng lượng: Đến năm 2015 nước ta cần khoảng 30 ngàn MW, gấp đôi mức công suất điện hiện nay; năng lượng hóa thạch ngày cạn kiệt (năm 2035, thế giới chỉ còn những thùng dầu, khối khí, mỏ than cuối cùng !), ngoài sử dụng tiết kiệm phải có những nguồn năng lượng mới duy trì các nhà máy nhiệt điện, và tìm kiếm năng lượng tái tạo.

 Vùng than sông Hồng phân bố dưới bề mặt 3500 km2 , nằm ở độ sâu khoảng 300m - 1.700m, với trữ lượng dự báo tới 210 tỷ tấn, gấp 20 lần so với trữ lượng vùng than Quảng Ninh. Nếu khai thác được cũng chỉ đạt 1/3 trữ lượng, chậm khai thác chắc chắn chúng ta phải nhập nhiều than cho nhiệt điện, xi măng. “Nếu như không có các phát hiện mới thì thời gian tới đây việc cung cấp các nguyên liệu hóa thạch cho sản xuất điện sẽ gặp rất nhiều khó khăn, có nguy cơ chúng ta thiếu nhiên liệu để phát điện,... đề xuất Chính phủ cho làm thí điểm, quy mô rất nhỏ, nếu xác định được công nghệ phù hợp và mục đích sử dụng phù hợp thì lúc đó mới triển khai việc đầu tư và khi đầu tư sẽ báo cáo với Quốc hội những nội dung có liên quan đến đề án” Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh trước Quốc hội. Dự án bể than sông Hồng vẫn tiếp tục được nghiên cứu đánh gía tác động đến môi trường, tìm giải pháp công nghệ và hoàn nguyên.

 Năm nay, sôi động các ý kiến về 8 nguồn năng lượng tái tạo với các dự báo hấp dẫn như: thủy điện nhỏ, phong điện, địa nhiệt, năng lượng mặt trời, thủy triều, sinh khối, rác thải, nhiên liệu sinh học (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã khởi công hai nhà máy nhiên liệu sinh học ở Phú Thọ và Dung Quất, trong sự lo lắng của dư luận về an ninh lương thực?). Việc xây dựng chính sách khuyến khích cho từng loại năng lượng tái tạo đặt ra cho Bộ Công Thương, khó khăn nhất có lẽ là giá điện phải bảo đảm cho nhà đầu tư thu hồi vốn và có lãi, về công nghệ có thể nhập khẩu và chế tạo trong nước.

 Khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân

 Tồn tại hai luồng ý kiến trái ngược về dự án nhà máy điện hạt nhân xung quanh vấn đề “an toàn, tác động đến môi trường, công nghệ và nguồn nhân lực, giá thành, vốn đầu tư, đối tác...” Với nỗ lực của Bộ Công Thương, EVN và giới khoa học, Quốc hội Kỳ họp thứ 6 vừa qua đã có Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy có 2 tổ máy để cung cấp điện cho hệ thống điện Quốc gia,... Tổng dự toán đầu tư khoảng: 200.000 tỷ đồng; địa điểm tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; công suất của 2 nhà máy trên 4.000MW. Thời gian thực hiện Dự án (khởi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020 ). Trước Kỳ họp, Tạp chí Công nghiệp đã biên soạn chuyên đề “Hướng tới nhà máy điện hạt nhân đầu tiên” cho thấy xu hướng thế giới tiếp tục khởi động điện hạt nhân, hiện nay điện hạt nhân chiếm 17-20% sản lượng điện của thế giới, sẽ tăng hơn trong các thập kỷ tới...

 Ngành Công Thương tạo ra trên 2/3 GDP của nền kinh tế, 2/3 về kim ngạch xuất nhập khẩu, chiếm đến 2/3 số doanh nghiệp cả nước, cùng với trên 15 triệu lao động, nên dư luận thường xuyên hướng vào. Tại các Kỳ họp Quốc hội, trong số các thành viên Chính phủ thì Bộ trưởng Bộ Công Thương luôn nhận được nhiều nhất ý kiến của cử tri, điều đó thể hiện quan tâm của nhân dân đến ngành Công Thương.

 Tuy nhiên nhiều vấn đề cần giải quyết liên bộ, ngành địa phương như: xuất khẩu gạo, an toàn thực phẩm, điều chính tỷ giá để cân đối xuất nhập khẩu, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa; các quy hoạch ngành công nghiệp và thương mại phải nằm trong tổng thể quy hoạch của cả nước và quy hoạch của địa phương...

 Dư luận xã hội -“miệng nhân gian” đưa vào các kênh thông tin chính thức và kênh thông tin tự do, đặt ra cho ngành Công Thương phải sàng lọc, tiếp thu, đồng thời có biện pháp định hướng dư luận trên các kênh thông tin chính thức; các văn bản họp báo phải cẩn trọng, lịch duyệt. Các cơ quan quản lý nhà nước ngày càng phải tăng năng lực đối diện với dư luận, trước hết là giới báo chí (thư ký của xã hội), tiếp nữa là giới khoa học trong các hiệp hội, tổ chức xã hội. Tốt hơn hết là đối thoại với tinh thần xây dựng, đối thoại có cơ sở khoa học, theo định hướng của Đảng và Nhà nước.

 

  • Tags: