Trong quý 4/2023, giá cho thuê giàn khoan của Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, mã cổ phiếu PVD - sàn HoSE) đạt trung bình 92.000 USD/ngày, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, công suất hoạt động gần đạt mức tối đa (so với mức 90% trong năm trước). Qua đó, giá cho thuê trung bình cả năm 2023 của PV Drilling đạt tới 78.000 USD/ngày.
Ban lãnh đạo PV Drilling vừa qua đã cập nhật tình hình hoạt động của công ty. Trong đó, giàn khoan PV DRILLING I của công ty đã ký hợp đồng khoan cho khách hàng Petronas Carigali Sdn Bhd (PCSB) tại Malaysia với giá thuê dự kiến khoảng 90.000 USD/ngày.
Các giàn khoan PV DRILLING II, V, và VI vẫn đang tiếp tục thực hiện các hợp đồng khoan cho các khách hàng tại Indonesia, Brunei, và Malaysia.
Đáng chú ý, giàn khoan PV DRILLING III đã ký được hợp đồng 03 năm (năm 2026 - năm 2028) phục vụ chiến dịch khoan của khách hàng Pertamina tại Indonesia; hợp đồng này có thể gia hạn thêm 02 năm.
Như vậy, toàn bộ 06 giàn khoan của PV Drilling đã được đảm bảo 100% việc làm trong năm 2024 và năm 2025. Ban lãnh đạo PV Drilling ước tính giá thuê giàn khoan đạt trên 90.000 USD/ngày trong năm 2024 và tăng lên mức 102.000 USD/ngày trong năm 2025, với hiệu suất hoạt động lên đến 99% trong cả hai năm.
Theo đánh giá của SSI Research, việc giàn khoan PV DRILLING III ký được hợp đồng dài hạn là một bước tiến tích cực đối với hoạt động kinh doanh của PV Drilling, giúp công ty mở rộng triển vọng công việc ra sau năm 2025. Bên cạnh đó, việc giá cho thuê cao được chốt trong các hợp đồng dài hạn ở gần đỉnh của chu kỳ tăng luôn là điều tốt với bất kỳ doanh nghiệp dịch vụ dầu khí.
Hiện giá thuê của các giàn khoan cao cấp trên thị trường đang trong khoảng 120.000 - 150.000 USD/ngày, tương đương mức đỉnh của giai đoạn 2013 - 2015, thời kỳ “vàng son” của ngành dầu khí toàn cầu. Công suất hoạt động trên thị trường toàn cầu, không bao gồm các giàn khoan không hoạt động, đang đạt tới 86%, so với mức 80% hồi tháng 6/2023.
Trong khi đó, số lượng giàn khoan đóng mới trên thế giới vẫn ở mức thấp kỷ lục với 18 giàn khoan, chỉ tương đương 4% số lượng giàn khoan hiện tại (437 giàn). Nguyên nhân chủ yếu do lạm phát neo cao tại nhiều nước đã khiến chi phí xây dựng tăng và rủi ro khối lượng việc làm trên thị trường sau năm 2030 bị thắt chặt khi các quy định mới về giảm phát thải ròng có hiệu lực.
Về kế hoạch mở rộng đội giàn khoan, ban lãnh đạo PV Drilling cho biết, công ty đã chuyển từ việc đầu tư giàn khoan mới có giá hơn 130 triệu USD sang mua lại giàn khoan cũ hơn (15 năm tuổi) với giá khoảng 90 triệu USD. Giàn khoan này có thể đưa vào hoạt động ngay trong cuối năm nay nếu việc mua lại được sớm thực hiện.
Khoản đầu tư giàn khoan trên hiện đang chờ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) ra quyết định phê duyệt cuối cùng, ban lãnh đạo PV Drilling chia sẻ.
Dựa trên khối lượng công việc hiện tại, SSI Research dự phóng lợi nhuận trước thuế năm 2024 của PV Drilling đạt 1.377 tỷ đồng, cao gấp đôi so với mức thực hiện của năm 2023.