PVN quyết tâm trở lại là động lực phát triển

Năm 2018 được đánh giá là một năm có nhiều thành tích nổi bật của PVN khi hoàn thành thắng lợi, về đích trước thời hạn các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đặc biệt ở cả chỉ tiêu gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu khí và các chỉ tiêu tài chính.

Mặc dù là năm thứ 4 liên tiếp (2015-2018) hoạt động dịch vụ dầu khí gặp nhiều khó khăn, giá dầu không ổn định dẫn đến nhiều nhà thầu dầu khí giảm khối lượng công việc và giảm giá dịch vụ, nhưng các đơn vị của Tập đoàn đã thực hiện hiệu quả các giải pháp, ứng phó phù hợp trong điều kiện đặc biệt của năm 2018. Kết quả doanh thu dịch vụ dầu khí toàn PVN năm 2018 vượt  kế hoạch 30%, chiếm khoảng 32% tổng doanh thu.

Sản lượng khai thác dầu thô trong nước vượt 675 ngàn tấn so với kế hoạch Chính phủ giao đầu năm, đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP cả nước đạt 7,08%; tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2018 đạt 626,8 ngàn tỷ đồng, vượt 96 ngàn tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch năm, tăng 26% so với năm 2017. Đặc biệt, nộp ngân sách Nhà nước toàn PVN năm 2018 đạt 121,3 ngàn tỷ đồng, vượt 47,5 ngàn tỷ đồng, vượt 64,3% kế hoạch năm, tăng 24% so với năm 2017, đã góp phần quan trọng vào cân đối ngân sách trung ương năm 2018; tổng lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 47,1 ngàn tỷ đồng (kế hoạch 19,1 ngàn tỷ đồng), vượt gấp 2,5 lần kế hoạch năm, tăng 23% so với năm 2017...

dầu khí
Giàn số 3 mỏ Bạch Hổ

 

Cũng trong năm 2018, Tập đoàn đã tập trung huy động mọi nguồn lực để xử lý 5 dự án yếu kém, khó khăn theo đúng đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã đưa 6 dây chuyền của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ vào hoạt động trở lại (03 dây chuyền sợi vào hoạt động từ 20/4/2018, 3 dây chuyền sợi tiếp theo vào hoạt động từ ngày 1/11/2018); tiếp tục huy động toàn bộ nguồn lực của Tập đoàn với quyết tâm cao nhất, giải pháp thiết thực nhất để đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1. Công tác chuyển đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp Tập đoàn đang triển khai thực hiện theo đúng chỉ đạo…

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá: “Từ chỗ chúng ta không có dầu khí, đến nay công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí đã xác định được trữ lượng dầu khí tới trên 1,4 tỷ tấn quy dầu và đã nghiên cứu, đánh giá tiềm năng còn lại của Việt Nam là 1,6-2,8 tỷ tấn quy dầu, đủ khả năng cân đối bền vững cho hoạt động khai thác, bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước trong những thập niên tới”. Ngành dầu khí Việt Nam hiện bảo đảm cung cấp khí làm nhiên, nguyên liệu để sản xuất khoảng 35% sản lượng điện quốc gia, 70% thị phần phân bón và 64% thị phần khí hóa lỏng phục vụ các ngành công nghiệp và dân dụng cả nước.

Theo ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc PVN, bước vào thực hiện kế hoạch năm 2019, tình hình kinh tế thế giới và trong nước được dự báo còn nhiều biến động như chiến tranh thương mại giữa các nước, tình hình thay đổi chính sách ở một số quốc gia dẫn đến kinh tế bất ổn định, đặc biệt là sự biến động chưa có dấu hiệu ổn định, phục hồi của giá dầu là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của Tập đoàn. Tuy nhiên, năm 2019, PVN vẫn quyết tâm đặt mục tiêu cao hơn năm 2018. Cụ thể, gia tăng trữ lượng dầu khí toàn Tập đoàn 10-15 triệu tấn quy dầu; Khai thác dầu khí 22,06 triệu tấn quy dầu, Sản xuất xăng dầu đạt 10,35 triệu tấn; giá trị thực hiện đầu tư 51,36 nghìn tỷ đồng.

Với phương án giá dầu năm 2019 đã được Quốc hội thông qua, các chỉ tiêu kế hoạch tài chính năm 2019 chủ yếu của PVN được đưa ra: doanh thu toàn Tập đoàn 612,2 nghìn tỷ đồng; doanh thu hợp nhất 307 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn là 38,7 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất Tập đoàn là 31,3 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách toàn Tập đoàn 87,5 nghìn tỷ đồng.

Với những quyết tâm mạnh mẽ và sự đồng lòng của thập thể PVN, hy vọng sang năm 2019, ngành dầu khí tiếp tục bứt phát thành công, thực hiện được yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, PVN phải trở lại là động lực phát triển; phải tiếp tục là tập đoàn kinh tế hùng mạnh hàng đầu của đất nước, sánh vai với các tập đoàn kinh tế các nước trong khu vực và trên thế giới.

 

05 DẤU ẤN NỔI BẬT CỦA PVN NĂM 2018

  1. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cơ bản hoàn thành công tác sắp xếp, tinh giản bộ máy Công ty mẹ; là doanh nghiệp đầu tiên hoàn thành hợp nhất các ban của Đảng với ban chuyên môn có nhiệm vụ tương đồng. Đã hoàn thiện và ban hành Cẩm nang Văn hóa Dầu khí, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ lãnh đạo, quản lý Tập đoàn.
  2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh, đặc biệt ở cả chỉ tiêu gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu khí và các chỉ tiêu tài chính. Nhiều đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng về đích sớm kế hoạch cả năm.
  3. Cổ phần hóa và chuyển đổi thành công 3 Tổng công ty PVPower, PVOil và BSR sang mô hình Công ty cổ phần.
  4. Chính thức vận hành thương mại dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
  5. Một số dự án yếu kém có những chuyển biến theo hướng tích cực. (Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy Bio Ethanol Dung Quất, Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước).

 

 

Nguyên Hà