Thực hiện nội dung chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Công điện số 517/CĐ-BCT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và sự chỉ đạo quyết liệt của UBND các tỉnh, thành phố liên quan đến lĩnh vực này, trong những ngày trước và sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã thực hiện triệt để các nhiệm vụ được giao tại Công điện.
Theo đó, lực lượng QLTT cả nước đã tiến hành công tác quản lý địa bàn, biện pháp nghiệp vụ và phối hợp với các lực lượng chức năng trong Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố (Công an, Sở Công Thương) giám sát các loại hình kinh doanh xăng dầu theo từng địa phương, trong đó cụ thể có các phương án, kế hoạch để kiểm tra đột xuất ngay các đơn vị kinh doanh có dấu hiệu, hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu trong những ngày Tết.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương, từ ngày 28/1/2022 đến nay, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, tại một số địa phương như Đồng Nai, An Giang, Hậu Giang… lực lượng QLTT có phát hiện một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngưng hoạt động.
Nguyên nhân chủ yếu là do không có đủ nguồn cung xăng dầu, lượng tiêu thụ xăng dầu của người tiêu dùng tăng cao do nhu cầu đi lại, không có đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng…
Song song với việc kiểm tra, kiểm soát, lực lượng QLTT cả nước cũng tuyên truyền, phổ biến nội dung Công điện và yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng dầu ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật.
Trong những ngày tới, lực lượng QLTT tiếp tục theo dõi, giám sát, tiến hành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo tại Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/01/2022 của Bộ Công Thương.
Trong ngày 8/2, theo báo cáo của Cục QLTT An Giang, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, trên địa bàn tỉnh có phát sinh một số trường hợp đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, trong đó, phần lớn đều thực hiện thủ tục tạm ngưng theo quy định. Đơn cử như trên địa bàn huyện Thoại Sơn, có 7 cửa hàng xuất hiện tình trạng không còn xăng để bán cho người tiêu dùng, phải ngừng hoạt động.
Các trường hợp này đều có báo cáo về Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Thoại Sơn và Sở Công thương tỉnh An Giang vì lý do hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời.
Trong khi đó, tại huyện Phú Tân, An Phú, Châu Thành cũng có 5 trường hợp. Đáng chú ý, nhiều cửa hàng cho biết đầu mối xăng dầu như PV OIL, Petrolimex không đủ cung ứng cho doanh nghiệp bán lẻ. Các địa bàn còn lại (gồm huyện Long Xuyên, Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn, Chợ Mới, Tân Châu) hoạt động bình thường.
Lãnh đạo Cục QLTT An Giang khẳng định, thời gian tới, Cục QLTT An Giang sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng xăng dầu theo nội dung chỉ đạo tại Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/1 của Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và ý kiến chỉ đạo của Tổng cục QLTT.
Tương tự, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, qua công tác giám sát, nắm tình hình trên địa bàn Thành phố hiện có một số cây xăng tạm ngưng hoạt động lý do thiếu xăng Ron 95 để bán, tạm ngưng để sửa chữa hệ thống điện, hệ thống PCCC và một số lý do khác.
Lãnh đạo Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, ngay trong sáng nay (8/2) , Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Phan Thị Thắng chủ trì họp, thành phần tham dự có Sở Công Thương, Cục QLTT Thành phố và các Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn để đánh giá nguồn cung cứng xăng dầu và tình hình tình hình kinh doanh trên địa bàn ổn định, đồng thời trao đổi các giải pháp nhằm ổn định tình.
Trong những ngày tới, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh tiếp tục yêu cầu các Đội QLTT rà soát, nắm chắc danh sách, địa điểm các cửa hàng, thương nhân, điểm lưu kho, bồn chứa, địa điểm tồn trữ xăng trên địa bàn, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là hành vi pha trộn xăng dầu giả, xăng dầu kém chất lượng.
Trước đó, ngày 28/1, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu Tổng cục QLTT phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương nhấn mạnh thời gian qua, trước diễn biến thông tin về việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn - Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) cắt giảm công suất dẫn đến việc giảm nguồn cung xăng dầu tại thị trường trong nước, trên thị trường xuất hiện tình trạng một số đơn vị kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm hàng.