1/ Thông cáo báo chí của Điện Kremlin ngày 2/1 cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria, cũng như trao đổi quan điểm về cuộc xung đột tại Ukraine.
2/ Chính phủ Somalia ngày 1/1 đã lệnh cho đặc phái viên Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Somalia phải rời nước này với cáo buộc ông can thiệp vào chủ quyền quốc gia. Quyết định đưa đưa ra chỉ vài ngày sau khi quan chức LHQ bày tỏ quan ngại về hành động của lực lượng an ninh Somalia. Hiện chưa có bình luận từ phái bộ Liên hợp quốc tại Somalia về quyết định của nước chủ nhà. Kể từ năm 1991, Liên hợp quốc đã duy trì một phái bộ tại Somalia để viện trợ và bảo đảm bước tiến hướng tới hòa bình cho quốc gia vùng sừng châu Phi này.
3/ Ngày 2/1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, nước này đang yêu cầu Nga trao trả ngay lập tức ông Paul Whelan, một lính thủy đánh bộ Mỹ đã về hưu, người bị phía Moskva bắt giữ do cáo buộc thực hiện hành động do thám. Ngoại trưởng Pompeo còn yêu cầu Moskva giải thích lý do bắt giữ ông Whelan.
4/ Trong buổi họp báo thường kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Mass khẳng định, việc tên lửa hạt nhân Mỹ sẽ triển khai trên lãnh thổ Đức sẽ không bao giờ được hoan nghênh. Ông Maas cũng cho rằng, châu Âu không nên trở thành "chiến trường" của hai cường quốc nổi tiếng về sức mạnh quân sự này. Theo Ngoại trưởng Đức, triển khai vũ khí hạt nhân nhằm đáp trả đối phương "vi phạm hiệp ước" chỉ là tư duy của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
5/ Hãng Bernama đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Singapore Vivian Balakrishnan vào ngày 8/1 tới để thảo luận về vấn đề liên quan đến không phận giữa hai nước. Theo Bộ trưởng Saifuddin, tranh cãi về không phận giữa Malaysia và Singapore bắt nguồn từ việc Singapore có kế hoạch lắp đặt Hệ thống hỗ trợ hạ cánh (ILS) cho sân bay Seletar.
6/ Ngày 2/1, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tiếp tục tỏ ý lấy làm tiếc về việc Tokyo cho rằng một tàu khu trục của hải quân Hàn Quốc hướng radar điều khiển hỏa lực vào một máy bay chiến đấu của Nhật Bản hồi tháng trước, đồng thời kêu gọi Nhật Bản đưa ra lời xin lỗi vì đã có các động thái đe dọa chiếc tàu này.
7/ Hơn 90.000 người đã tập trung bên ngoài cung điện hoàng gia ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản hôm nay để lắng nghe thông điệp mừng năm mới cuối cùng trước công chúng của Nhật Hoàng Akihito trước khi ông thoái vị vào tháng 4 tới. Nhật Hoàng Akihito, hiện 85 tuổi, lên ngôi vào năm 1989 và sẽ thoái vị vào ngày 30/4 tới. Thái tử Naruhito, 58 tuổi, con trai cả của Nhật Hoàng, dự kiến sẽ lên ngôi một ngày sau đó, vào ngày 1/5.
8/ Hãng truyền thông Sputnik đưa tin Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định Tokyo không có kế hoạch tìm cách di dời các cư dân Nga khỏi quần đảo tranh chấp, nếu Moskva chuyển giao vùng lãnh thổ này theo kết quả của các cuộc đàm phán. Ông Abe khẳng định người Nga và người Nhật Bản có thể cùng sống và làm việc tại khu vực này. Ngoài ra, Thủ tướng Abe nhấn mạnh việc quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản là nhằm đảm bảo an ninh tại nước này và vùng Viễn Đông, không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với Nga.
9/ Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt khẳng định Thủ tướng May sẽ quay trở lại với những cam kết mà bà đang tìm kiếm từ EU nhằm đảm bảo rằng thỏa thuận Brexit sẽ không khiến nước Anh "vĩnh viễn mắc kẹt trong liên minh thuế quan". Ông cho rằng tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về kế hoạch Brexit sẽ gây phương hại nền dân chủ, việc nước Anh không rời EU sẽ để lại những hậu quả xã hội nghiêm trọng.
10/ Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 60 năm ngày Cách mạng Cuba thành công (1/1/1959-1/1/2019), Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba Raul Castro đã lên án chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump quay trở lại con đường đối địch với quốc đảo này và can thiệp vào tình hình khu vực Mỹ Latinh, đồng thời ca ngợi thắng lợi của Cách mạng Cuba luôn trường tồn theo thời gian.