Quy hoạch Điện VIII là một bản quy hoạch có ý nghĩa phát triển toàn diện của quốc gia

Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam đã khẳng định như vậy trong bài trả lời phỏng vấn Tạp chí Công Thương. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập nhận định về Quy hoạch Điện VIII
Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam nhận định Quy hoạch Điện VIII là một bản quy hoạch có ý nghĩa phát triển toàn diện của quốc gia.

Mục tiêu, giải pháp và lộ trình trong Quy hoạch Điện VIII, mặc dù được đặt ở mức khá cao nhưng theo tôi là phù hợp và có tính khả thi

PV: Sau nhiều năm chuẩn bị, trình và sửa đổi, hoàn thiện, ngày 15/05/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 500/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII). Với tư cách một luật sư và chuyên gia pháp lý đã có nghiên cứu về lĩnh vực năng lượng và đóng góp ý kiến vào Quy hoạch này, ông có đánh giá như thế nào về sự kiện này ?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Trước hết cá nhân tôi và tôi cũng tin rằng dư luận xã hội cũng vậy, đánh giá rất cao về nỗ lực của Bộ Công Thương cùng với các cơ quan, bộ ngành có liên quan đã trình thành công Quy hoạch Điện VIII, sau nhiều lần được yêu cầu sửa đổi và hoàn thiện để được Thủ tướng phê duyệt. Dư luận hoan nghênh nỗ lực đó không chỉ bởi sự quyết tâm hay công sức lớn bỏ ra, mà điều quan trọng là một làn gió mới đã được thổi vào các phiên bản quy hoạch trước đó, trên tinh thần triển khai các cam kết rất cao của Chính phủ Việt Nam trước cộng đồng quốc tế tại Hội nghị COP26, trong bối cảnh ứng phó cấp bách với biến đổi khí hậu mà nước ta sẽ một quốc gia chịu tác động nặng nề.

Tôi cũng được biết đến cả sự công phu trong các giải trình chi tiết của Bộ Công Thương về bản Quy hoạch này, là yếu tố quan trọng và cần thiết vì đã có không ít các ý kiến tranh luận trái chiều về các phương án tiếp cận của Việt Nam đối với các đòi hỏi từ quốc tế. Chẳng hạn như trong điều kiện hạ tầng về năng lượng còn nghèo nàn hiện nay cũng như các khó khăn về tiềm lực kỹ thuật và tài chính, trong khi nhu cầu bảo đảm an ninh năng lượng cho sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế lại cấp bách thì các thách thức trong chuyển dịch từ năng lượng hoá thạch và nhiệt điện than sang năng lượng sạch sẽ xử lý như thế nào?

Tuy nhiên, cuối cùng thì các mục tiêu, giải pháp và lộ trình được lựa chọn trong Quy hoạch Điện VIII này, mặc dù được đặt ở mức khá cao nhưng theo tôi là phù hợp và có tính khả thi.

Bản quy hoạch chi phối đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội

PV: Theo ông, Quy hoạch Điện VIII sau khi được phê duyệt và có hiệu lực thực hiện sẽ có ảnh hưởng và tác động như thế nào đối với sự phát triển của ngành điện lực và năng lượng nói riêng cũng như nền kinh tế của đất nước nói chung ?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Nên nhớ rằng về mặt thể chế, từ khi chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hoá trung sang kinh tế thị trường, Nhà nước đã sử dụng công cụ pháp lý chủ yếu để điều quản lý và điều tiết, đó chính là quy hoạch. Ở đây chúng ta bàn đến quy hoạch ngành của Bộ Công Thương, tuy nhiên nội dung của nó lại tác động và thậm chí chi phối đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Bởi đó là năng lượng, là yếu tố nguồn lực có tính nền tảng, thậm chí là an ninh có tính sống còn của quốc gia.

Ngoài các nội dung về chỉ tiêu phát triển nguồn điện, lưới điện, các giải pháp cho truyền tải, cung ứng, tiêu thụ điện cho thời kỳ từ nay đến 2030 và tầm nhìn 2050, bản Quy hoạch Điện VIII có ý nghĩa lịch sử ở chỗ đặt ra vấn đề chuyển dịch năng lượng và xây dựng một hệ sinh thái mới về năng lượng lấy năng lượng tái tạo, hay năng lượng xanh, năng lượng sạch làm trung tâm.

Dù không phải là một chuyên gia về năng lượng hay kinh tế, tôi vẫn hiểu rằng chuyển dịch năng lượng là một cuộc cách mạng, sẽ tạo ra các tác động tổng thể đối với nền kinh tế, đòi hỏi tất cả các khâu, các bộ phận cấu thành của nó đều phải thay đổi về chất, và hơn thế, còn cả sự thay đổi về tư duy, phương pháp và tập quán tiêu dùng năng lượng của xã hội nữa.

Với ý nghĩa như vậy, tôi hy vọng rằng đây không chỉ là bản Quy hoạch của Bộ hay ngành Công Thương mà là một bản quy hoạch có ý nghĩa phát triển toàn diện của quốc gia, theo đó tất cả các ngành các cấp đều cần nghiên cứu, lĩnh hội để định hướng và triển khai thực hiện.

Luật về năng lượng tái tạo là công cụ giúp định hình tương lai phát triển của quốc gia

PV: Từ góc độ một chuyên gia pháp luật, điều ông tâm đắc nhất trong các nội dung của Quy hoạch Điện VIII đã được Thủ tướng phê duyệt là gì ?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Với nghề nghiệp và lĩnh vực chuyên môn của mình, tôi quan tâm nhất đến quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng một đạo luật riêng về năng lượng tái tạo. Lý do là trước đó, đã có đề xuất về phương án gộp nội dung này thành một chương của Luật Điện lực sửa đổi. Tuy nhiên, chúng tôi cùng với nhiều luật sư, chuyên gia đã kiên định đề xuất phương án ban hành Luật Năng lượng tái tạo độc lập.

Về thực chất, có thể nêu lên ba lý do cơ bản: Thứ nhất, đối tượng điều chỉnh của luật có tính chất riêng, đặc thù, không chỉ là điện lực mà năng lượng nói chung, chưa nói tới loại hình mới là năng lượng tái tạo vốn có tính chất rất khác so với năng lượng hoá thạch. Thứ hai, phát triển năng lượng tái tạo có tính phi truyền thống, nó đòi hỏi quá trình chuyển dịch năng lượng vừa cấp bách nhưng vừa lâu dài, do đó đòi hỏi một khung chính sách và pháp luật chuyên biệt. Thứ ba, căn cứ vào thực tiễn Việt Nam, quản lý nhà nước đối với nền kinh tế thường phân chia và phân cấp theo ngành, trong khi bài toán năng lượng tái tạo gắn với biến đổi khí hậu lại đòi hỏi sự điều phối và quản lý tập trung, tổng hợp.

Hàm ý ở đây là sự phân công phụ trách của các Bộ, ngành, chẳng hạn như hiện nay ít nhất co ba bộ cùng tham gia hay có liên quan, đó là Bộ Công Thương phụ trách về điện và năng lượng trong khi hai Bộ khác là Bộ Tài nguyên – Môi trường và Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn phụ trách về cả môi trường và biến đối khí hậu. Vậy thì rất có thể Luật Năng lượng tái tạo sẽ cần xử lý vấn đề đầu mối quản lý điều phối chung về biến đổi khí hậu của quốc gia, một khi đó chính là mục tiêu tổng thể và bao trùm.

PV: Với việc soạn thảo một đạo luật riêng về năng lượng tái tạo, độc lập với việc sửa đổi Luật điện lực để trình Quốc hội vào năm 2024, ông có ý kiến về ý nghĩa cũng như đề xuất về nội dung chính của luật này ? Ngoài ra, nếu có thể, xin ông chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Luật năng lượng tái tạo trong bối cảnh chính sách toàn cầu của Liên hợp quốc và các quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu ?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Về ý nghĩa quan trọng của đạo luật này thì tôi đã khẳng định, nó sẽ là xương sống hay trụ cột của toàn bộ khung chính sách - thể chế về phát triển hệ sinh thái năng lượng tái tạo, là công cụ giúp định hình tương lai phát triển của quốc gia. Do đó, trước đây, chúng tôi đã cho rằng sẽ cần một số năm để Việt Nam nghiên cứu xây dựng luật này như một khung pháp lý tổng thể. Tuy nhiên, có thể do nhu cầu cấp bách cũng như thể hiện ý chí và cam kết chính trị cao, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai soạn thảo ngay để trình Quốc hội trong năm tới.

Trong bối cảnh đó, từ góc độ chuyên môn, tôi cho rằng có thể tiếp cận theo hai phương án, tức có lộ trình. Trước mắt, có thể soạn thảo Luật Năng lượng tái tạo theo hướng đặt ra các mục tiêu tổng quát, tuy nhiên xử lý ngay các vấn đề cấp thiết đặt ra về phát triển nguồn điện tái tạo, đi kèm với hệ thống và cơ chế truyền tải, cung ứng và tiêu thụ điện.

Ngoài ra cũng có thể đề cập cả định hướng chính sách về vấn đề ô tô và phương tiện giao thông, vận tải chạy điện bởi đó là lĩnh vực thiết yếu và nhạy cảm. Đối với các nội dung của chuyển dịch năng lượng và hệ sinh thái năng lượng tái tạo, có thể sẽ từng bước nghiên cứu, đánh giá về cả mục tiêu, chính sách và giải pháp và lộ trình, trên cơ sở đó sẽ bổ sung, hoàn thiện Luật Năng lượng tái tạo ở các giai đoạn sau.

Tôi đề xuất như vậy bởi tham khảo kinh nghiệm quốc tế, chẳng hạn của Đức, là nước đi đầu về năng lượng tái tạo. Ngay từ năm 1991, Chính phủ Đức đã có những chính sách và quy định pháp lý tiền đề về vấn đề này. Sau đó, họ xây dựng Luật về lĩnh vực năng lượng tái tạo chính thức vào năm 2000, rồi tiếp tục có các sửa đổi và hoàn thiện bằng các phiên bản năm 2014, 2017 và mới đây là 2022 trong sự hài hoà với chính sách năng lượng của EU.

Phương pháp tư duy và tiếp cận cần lưu ý là: Mặc dù ngay từ đầu Chính phủ Đức đã có ý thức và tầm nhìn về phát triển năng lượng tái tạo do nhu cầu bảo vệ môi trường rất cao, tuy nhiên các chính sách và pháp luật được ban hành phải dựa trên mặt bằng phát triển công nghệ cũng như các điều kiện về hạ tầng và tài chính tại từng thời điểm. Có nghĩa rằng không phải mục tiêu mà tính khả thi của các chính sách và quy định pháp luật mới đóng vai trò quyết định.

Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Nguyên Vỵ (thực hiện)