Reuters: Ngân hàng SHB có thể bán 20% cổ phần cho đối tác chiến lược, định giá đến 2,2 tỷ USD

Hãng tin Reuters cho biết ngân hàng SHB đang đàm phán bán tới 20% cổ phần cho một đối tác chiến lược với mức định giá từ 2 – 2,2 tỷ USD. Thương vụ có thể hoàn tất trong năm nay hoặc đầu năm sau.
Ngân hàng SHB cổ đông chiến lược
 Hãng tin Reuters cho biết thương vụ bán vốn cho đối tác chiến lược của ngân hàng SHB có thể hoàn tất trong năm nay hoặc đầu năm 2024 với mức chuyển nhượng tối đa là 20% cổ phần.

Hãng tin Reuters cho biết Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (Ngân hàng SHB, mã cổ phiếu: SHB - sàn: HoSE) đang tìm kiếm với một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài dài hạn.

Theo các nguồn tin của Reuters, các định chế tài chính và quỹ đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận với ngân hàng SHB và ngân hàng này đang trao đổi với một đơn vị tư vấn tài chính để tìm kiếm đối tác. Hiện các cuộc thảo luận đang diễn ra, thoả thuận hợp tác chiến lược này có thể được hoàn tất trong năm nay hoặc đầu năm 2024 và sẽ cần sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, Reuters cho biết.

Các nguồn tin cũng cho biết đối tác chiến lược lần này có thể sở hữu tới 20% cổ phần ngân hàng SHB với mức định giá từ 2 – 2,2 tỷ USD.

Đồng thời, Reuters dẫn lời đại diện của ngân hàng SHB cho biết, việc tìm kiếm đối tác chiến lược sẽ không chỉ giới hạn ở khu vực châu Á. Tuy nhiên, ngân hàng SHB từ chối bình luận về các thông tin khác như tỷ lệ chào bán hay mức định giá cho thương vụ này.

Thương vụ hợp tác chiến lược gần nhất trong ngành ngân hàng Việt Nam là việc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) bán 15% cổ phần với giá 1,5 tỷ USD cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) hồi tháng 3 vừa qua.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vừa qua, ban lãnh đạo Ngân hàng SHB cho biết đang tiến hành đàm phán với các bên đối tác ngoại. Dự kiến trong giai đoạn 2023 – 2024, ngân hàng này sẽ có sự đồng hành của cổ đông chiến lược nước ngoài trong ngắn và trung hạn 3 – 5 năm. Hiện tại, room khối ngoại của SHB mới chỉ lấp đầy 7% so với hạn mức 30% của ngân hàng này.

Ngân hàng SHB hiện là một trong số hiếm các ngân hàng tư nhân niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn trống cổ đông chiến lược. Vấn đề room ngoại hiện nay thấp hơn nhiều lần so với hạn mức cho phép cũng là điều được cổ đông ngân hàng SHB thắc mắc nhiều năm gần đây.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng SHB, từng chia sẻ ngân hàng này muốn tìm đối tác hợp tác trong dài hạn. Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc với nhiều đối tác, đa phần chỉ muốn đầu tư tài chính, hợp tác với ngân hàng SHB trong ngắn hoặc trung hạn. Nhiều năm không chọn được đối tác chiến lược, năm nay, ông Đỗ Quang Hiển cho biết ngân hàng SHB sẽ hạ tiêu chuẩn.

Xem thêm bài viết: "Ngân hàng SHB: Sắp chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 18%, đang đàm phán với cổ đông nước ngoài chiến lược tiềm năng" trên Tạp chí Công Thương tại đây. 

Giá cổ phiếu SHB ngân hàng SHB
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu SHB của ngân hàng SHB từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 7/7, giá cổ phiếu SHB của ngân hàng SHB đạt 13.500 đồng/cổ phiếu; tăng hơn 30% so với thời điểm đầu năm nay. Tính riêng tháng 6 vừa qua, cổ phiếu SHB đã tăng 15%.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận việc ngân hàng SHB phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 18% và phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP). Sau khi thực hiện hai phương án trên, vốn điều lệ của nhà băng này sẽ tăng lên 36.645 tỷ đồng, giữ vững vị trí Top 5 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

Đáng chú ý, Trong tháng 5 vừa qua, Ngân hàng SHB đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ của công ty tài chính SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan trong lộ trình thoái 100% vốn theo thỏa thuận thương vụ được hai bên ký kết hồi tháng 8/2021. Phía đối tác đã giao tiền, khoản đặt trước khoảng 50% tổng giá trị giao dịch. Ba năm sau sẽ trả nốt 50% còn lại và trực tiếp quản trị điều hành.

Giá trị thương vụ này chưa được công bố dựa trên thỏa thuận của hai bên nhưng theo Ngân hàng SHB chia sẻ, hiện đang cao nhất trong số các thương vụ tài chính mà Việt Nam thoái vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) dẫn lời một nguồn tin tại Krungsri cho biết giá trị thương vụ vào khoảng 156 triệu USD, tương đương hơn 3.500 tỷ đồng (theo tỷ giá tại thời điểm ký kết hợp đồng chuyển nhượng).

Duy Quang