Sản lượng điện gió và mặt trời trên thế giới tăng cao kỷ lục

Tỷ lệ điện gió và mặt trời trong tổng sản lượng điện toàn cầu từ tháng 1-6/2020 cao hơn gấp 2 lần so với mức 4,6% của năm 2015

Trong nửa đầu năm 2020, sản lượng điện của các nhà máy điện gió và điện mặt trời trên thế giới tăng cao kỷ lục, chiếm 10% trong tổng sản lượng điện được sản xuất, trong khi các nhà máy nhiệt điện hoạt động dưới 50% công suất. Đây là kết quả báo cáo của nhóm chuyên gia về năng lượng Ember (Anh) công bố ngày 13/8.

Theo báo cáo, tỷ lệ điện gió và điện mặt trời trong tổng sản lượng điện toàn cầu từ tháng 1-6/2020 cao hơn gấp 2 lần so với mức 4,6% của năm 2015 – thời điểm các nước ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Sản lượng điện gió và Mặt trời tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi sản lượng nhiệt điện giảm 8,3%. 

Mặc dù vậy, sản lượng nhiệt điện vẫn chiếm 33% trong tổng sản lượng điện toàn cầu trong giai đoạn này. Theo báo cáo, nhu cầu điện năng giảm 3% trong 6 tháng đầu năm do các biện pháp hạn chế hoạt động để phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Báo cáo cho thấy châu Âu và Anh đóng góp nhiều nhất vào tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống điện toàn cầu, lần lượt là 21% và 33%. Nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ, hiện sản xuất ít nhất 10% lượng điện gió và Mặt trời trong mạng lưới điện quốc gia.

Sản lượng nhiệt điện tại Mỹ và châu Âu giảm lần lượt 31% và 32%, trong khi tại Trung Quốc chỉ giảm 2%. Báo cáo trên phân tích dữ liệu về hoạt động sản xuất năng lượng của 48 nước, đóng góp 83% sản lượng điện toàn cầu.

Chuyên gia kỳ cựu của Ember, ông Dave Jones cho rằng nguyên nhân các nhà máy nhiệt điện giảm công suất chủ yếu do đại dịch COVID-19 chứ không phải do những xu hướng dài hạn. Như vậy, thế giới chưa có sự thay đổi nhanh và mạnh để đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp theo Hiệp định Paris. Chuyên gia Jones nhấn mạnh để đạt được mục tiêu đề ra, sản lượng nhiệt điện của thế giới cần giảm 13%/năm trong thập niên này./.