“Siết” lại thị trường sách giáo khoa ngay trước thềm năm học mới

Trước thềm năm học mới 2021 - 2022, thị trường sách giáo khoa, sách tham khảo trở lên sôi động. Bên cạnh việc đảm bảo nguồn cung sách cho các trường và học sinh, tình trạng sách lậu, sách giả tràn lan trên thị trường cũng là mối quan tâm hàng đầu của của người dùng, đặc biệt là thời điểm năm học mới đang cận kề.

Nhiều vụ vi phạm nổi cộm

Để đảm bảo đủ sách giáo khoa cho năm học mới, theo quy định, việc in ấn, phát hành sách giáo khoa bảo đảm đủ số lượng và chất lượng phải được nhà xuất bản hoàn thành, chuyển đến các đơn vị chịu trách nhiệm cung ứng ở mỗi địa phương, cung cấp kịp thời đến tất cả học sinh, giáo viên trước khi năm học mới bắt đầu.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh thành phố trên cả nước, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, việc đảm bảo sách giáo khoa cho học sinh đang là thách thức lớn với toàn ngành Giáo dục do việc vận chuyển sách bị hạn chế.

Càng gần đến ngày tựu trường, tình trạng in ấn, xuất bản, buôn bán, kinh doanh các loại sách giả, sách lậu, sách kém chất lượng, nhất là các loại sách giáo khoa càng có xu hướng tăng lên.

Hàng triệu cuốn sách lậu, sách giả các loại đã bị các lực lượng chức năng trên cả nước kiểm tra, thu giữ và xử lý trong thời gian qua. Tuy nhiên do lợi nhuận lớn, nhiều đối tượng vẫn tìm mọi cách để hoạt động, do vậy rất cần các biện pháp quyết liệt hơn để xử lý vấn nạn này.

Điển hình, trong tháng 6 vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện, triệt phá thành công một đường dây in, gia công, tiêu thụ gần 3 triệu cuốn sách giả gồm sách giáo khoa giả, sách tham khảo giả từ lớp 1 đến lớp 12.

Được biết, đây là đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giả với số lượng lớn nhất cả nước từ trước tới nay. Để trông giống như thật, các đối tượng đã sản xuất luôn cả tem giả. Các đối tượng còn liên kết với nhau theo đường dây từ khâu in ấn đến đóng gói, rồi tiêu thụ nhằm khép kín hoạt động. Mỗi 1 khâu là 1 doanh nghiệp điều hành.

thị trường sách giáo khoa giả
Càng gần đến ngày tựu trường, tình trạng in ấn, xuất bản, buôn bán, kinh doanh các loại sách giả, sách lậu, sách kém chất lượng, nhất là các loại sách giáo khoa càng có xu hướng tăng lên

Theo đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cho biết, do thủ đoạn các đối tượng sản xuất SGK giả thường chia nhỏ các khâu, từ khâu in đến khâu tiếp theo gia công, đóng gói, rồi phát hành tiêu thụ nên việc xử lý các đối tượng này rất khó khăn. Đối tượng tiêu thụ sách giả của đường dây này là một số nhà sách tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc như Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh… Kết quả điều tra bước đầu cho thấy lợi nhuận thu được từ số sách giả này khoảng 50 tỷ đồng.

Trước thực trạng sách giáo khoa không qua kiểm định được các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi như dán mã vạch, tem chống hàng giả… khiến người tiêu dùng khó phân biệt, nhận biết, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, trình độ nhận của người tiêu dùng có nơi còn hạn chế.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4 thuộc Cục QLTT tỉnh Hoà Bình đã đồng loạt ra quân kiểm tra, rà soát, nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ toàn bộ các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh sách giáo khoa trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện ngăn chặn các hành vi vi phạm để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn.

Qua bước đầu kiểm tra tại một số cửa hàng kinh doanh sách giáo khoa trên địa bàn về cơ bản đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tem nhãn đầy đủ đúng quy định. Bước đầu kiểm tra chưa phát hiện dấu hiệu vi phạm, lực lượng QLTT cũng tuyên truyền và vận động các hộ kinh doanh ký cam kết không vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đặc biệt là các mặt hàng sách giáo khoa.

Ông Nguyễn Đức Phượng - Đội trưởng Đội QLTT số 4, Cục QLTT Hòa Bình cho biết: “Trong thời gian tiếp theo, Đội QLTT số 4 sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm đối với hoạt động kinh doanh sách giáo khoa trên địa bàn”.

“Siết” thị trường sách giáo khoa

Nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa có văn bản yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng sách giáo dục trước thềm năm học mới.

Theo đó, Cục QLTT các địa phương cũng triển khai các kế hoạch để đảm bảo chuẩn bị tốt nhu cầu về sách giáo khoa cho học sinh năm học mới 2021-2022. Điển hình, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Tuyên Quang mới đây đã triển khai thực hiện văn bản số 1668/TCQLTT-CNV ngày 02/8/2021 của Tổng cục QLTT và văn bản số 332/CQLTT-NVTH của Cục về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng sách giáo khoa trên địa bàn.

“Siết” lại thị trường sách giáo khoa ngay trước thềm năm học mới

“Siết” lại thị trường sách giáo khoa ngay trước thềm năm học mới
Lực lượng QLTT một số tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng sách giáo khoa trên địa bàn

Đại diện Cục QLTT tỉnh Tuyên Quang cũng cho biết, việc sử dụng phải sách giáo khoa, sách tham khảo giả trong trường học là mối lo rất lớn, nhất là những sai sót về nội dung, lỗi chính trị sẽ ảnh hưởng đến công tác giáo dục.

Do vậy, rất cần các cơ sở giáo dục, bản thân gia đình nghiên cứu lựa chọn địa chỉ uy tín để mua được sách đảm bảo chất lượng. Ý kiến của nhiều người cũng đề nghị cơ quan chức năng tăng cường soát, bổ sung các quy định, chế tài xử lý hành vi in lậu, in trái phép, tàng trữ, tiêu thụ xuất bản phẩm in giả với mức thật nghiêm khắc, đủ tính răn đe.

Cùng với đó, Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xuất bản phẩm năm 2021.

Cụ thể, đối tượng kiểm tra theo kế hoạch gồm 42 tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, buôn bán mặt hàng sách giáo dục trên địa bàn tỉnh, thời gian thực hiện kế hoạch đến hết ngày 30/11/2021.

Các nội dung trọng tâm kiểm tra gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hàng hóa là sách giáo dục và hóa đơn, chứng từ có liên quan đến hàng hóa, nguồn gốc, xuất xứ; việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; chấp hành các quy định về sở hữu trí tuệ và lấy mẫu xuất bản phẩm để giám định nguồn gốc khi cần thiết.

Trước thềm năm học mới, Tổng cục QLTT cũng yêu cầu lực lượng trong ngành tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với mặt hàng sách giáo khoa, xuất bản phẩm, đồ dùng học tập không đảm bảo chất lượng, sách giáo khoa in lậu, trôi nổi trên thị trường.

Đồng thời, lực lượng QLTT phải kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh đối với mặt hàng sách giáo khoa, xuất bản phẩm, đồ dùng học tập, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Hạ An