Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên: Duy trì và phục hồi chuỗi sản xuất cung ứng nông sản

Cùng với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thì thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cũng đã tác động không nhỏ đến việc việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Trước yêu cầu thực tiễn, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên đã duy trì và phục hồi chuỗi sản xuất cung ứng nông sản, trong đó tập trung đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHKT, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp trong tổ chức sản xuất chế biến nông sản

Đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ sản phẩm

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, Sở Nông nghiệp &PTNT tỉnh Thái Nguyên đã tập trung phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao, tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Sở đã tích cực phối hợp với các cơ quan đơn vị chức năng như Sở Công thương, Sở thông tin và truyền thông, Bưu điện tỉnh, Viettel... hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, nhất là một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.

đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ sản phẩm
Huyện Phú Lương tham gia trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” 

Song hành với việc tập trung vào những ngành hàng, sản phẩm có lợi thế về sản xuất và thị trường tiêu thụ, Sở cũng đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp nhằm giới thiệu các sản phẩm chủ lực của địa phương là chè, quả, gỗ, quế, lợn, gà, trứng, các sản phẩm OCOP...

Cho đến nay, sản phẩm của tỉnh đã được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử của C-ThaiNguyen, Vỏ Sò (voso.vn), sàn thương mại điện tử của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (postmart.vn). Đồng thời hỗ trợ 1 triệu tem truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QRcode, cung cấp danh sách 59 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ sản phẩm giới thiệu và hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ lưu thông các nguồn hàng nông sản của tỉnh.

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản. Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nhằm tăng năng suất chất lượng, giá trị góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.  

Đồng thời, tập trung chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học về giống cây trồng vật nuôi theo lợi thế từng địa phương, tăng tỷ lệ sử dụng giống  mới có năng suất chất lượng cao, ứng dụng quy trình sản xuất thâm canh, VietGAP, đẩy mạnh cơ khí hóa, tự động hóa trong sản xuất, chế biến.

Xác định tầm quan trọng của nông nghiệp ứng dụng công nghệ, Sở Nông nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản trị và quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất kinh doanh, quản lý.

Kết quả, năm 2021, hoạt động sản xuất nông nghiệp và phát triển của tỉnh đã đạt những kết quả tích cực, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (giá so sánh) đạt 14.660,4 tỷ, tăng 4,27% so với cùng kỳ, đạt 100,6% kế hoạch. Sang năm 2022, với sự quyết tâm, nỗ lực của ngành NN &PTNT, dự ước giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục tăng từ 3,5% trở lên, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt đạt 120 triệu đồng/ha

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, năm 2021, diện tích được cấp chứng nhận VietGap đã đạt 750,6ha, nâng tổng diện tích được chứng nhận VietGap trên địa bàn toàn tỉnh lên 3.839,6ha. Hiện nay có 122 ha chè đang thực hiện chuyển đổi sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ dự kiến trong năm 2022 có thêm 60ha chè hữu cơ được cấp chứng nhận.

đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ sản phẩm
Mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam tại HTX chè Thủy Thuật

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 728 trang trại chăn nuôi, chiếm 30-35% tổng đàn, cung ứng khoảng 40-45% tổng sản lượng thịt hơi các loại. Cho đến nay, hầu hết các trang trại đã ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất như: giống năng suất cao, chuồng lạnh, tự động hóa vận hành thức ăn, nước uống, sản xuất theo chuỗi, áp dụng đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ sản phẩm
Mô hình chăn nuôi vỗ béo bò thịt, xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học kết hợp trồng ngô sinh khối

Tiếp nối những hiệu quả của việc chuyển giao khoa học kỹ thuật những năm trước, trong 9 tháng đầu năm 2022, Sở Nông nghiệp đã thực hiện 27 dự án, mô hình trình diễn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản.

Các mô hình, dự án ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật đều được người dân đánh giá cao và góp phần thay đổi tập quán sản xuất, giảm chi phí vật tư, công lao động, bảo vệ môi trường. Đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản, yếu tố tiền đề trong chuỗi sản xuất cung ứng, góp phần nâng cao giá trị nông sản, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Trong thời gian tới, để duy trì và phục hồi chuỗi sản xuất cung ứng nông sản Sở NN &PTNT tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao, tăng cường xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nhằm tăng năng suất chất lượng sản phẩm, từng bước nâng cao giá trị đặc sản địa phương.

Minh Huế