SSI Research: Chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ được kéo dài trong năm nay

Các chuyên gia phân tích tại SSI Research nhận định chính sách tài khoả mở rộng và tiền tệ nới lỏng sẽ được kéo dài thêm trong năm nay. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa cho giảm lãi suất điều hành thêm 1 lần nữa.
Lãi suất ngân hàng
Theo SSI Research, Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn còn dư địa để giảm lãi suất điều hành thêm 1 lần nữa.

Tại báo cáo chiến lược đầu tư năm 2024, các chuyên gia phân tích tại SSI Research nhận định kinh tế Việt Nam sẽ quay lại đà hồi phục trong năm 2024, vẫn từ các động lực tăng trưởng truyền thống như thương mại, đầu tư công và trên hết là các chính sách hỗ trợ tăng trưởng là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đối mặt với một số rủi ro nội tại, đặc biệt là việc thị trường bất động sản hồi phục chậm có thể tiếp tục gây ảnh hưởng tới tiêu dùng cũng như làm gia tăng nợ xấu đối với ngành ngân hàng.

Những rủi ro trên có thể được giảm thiểu một phần nhờ lãi suất ở mức thấp hoặc nếu Chính phủ thành công trong việc phát triển thị trường vốn để doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn trong việc tìm nguồn tài chính dài hạn hơn để giải quyết các vấn đề ngắn hạn và trung hạn. Vì vậy, SSI Research dự báo, các chính sách tài khóa mở rộng và tiền tệ nới lỏng sẽ được kéo dài thêm một năm nữa khi tăng trưởng được coi là ưu tiên hàng đầu.

Tăng trưởng GDP
Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam (quý 4/2018 = 100, điều chỉnh theo mùa). (Nguồn: Tổng cục Thống kê, SSI Research)

Đối với vấn đề lãi suất, SSI Research nhận định Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để thực hiện thêm một đợt cắt giảm lãi suất chính sách nữa vào năm 2024, do hoạt động kinh tế vẫn chưa quay trở lại xu hướng tăng trưởng tiềm năng, chưa kể đến việc 2024 sẽ là năm đột phá cho kế hoạch trung hạn 2021-2025.

Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi sẽ khó tiếp tục giảm mạnh; trong khi, lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại có thể có khả năng giảm thêm 50 - 100 điểm cơ bản trong nửa đầu năm 2024. Hiện SSI Research dự báo lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng vào cuối năm nay sẽ ở mức 5,5%, tăng 50 điểm cơ bản so với cuối năm 2023.

Mục tiêu của chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước có thể vẫn tiếp tục hướng tới các đối tượng cụ thể, ngành nghề ưu tiên… trong khi vẫn kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý ở mức 14 - 15% nhằm đạt được mức tăng trưởng tối ưu trong khi vẫn kiểm soát hiệu quả lạm phát và nợ xấu.

“Thực thi chính sách đa mục tiêu chưa bao giờ là một công việc dễ dàng, tuy nhiên ít nhất áp lực lạm phát được kiểm soát tốt sẽ tạo dư địa rộng rãi hơn cho việc triển khai”, SSI Research cho biết.

Tăng trưởng tín dụng lãi suất
Tăng trưởng tín dụng và M2 của Việt Nam (% so với cùng kỳ). (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước, SSI Research)

Xem thêm: "120.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn năm nay, doanh nghiệp bất động sản đối mặt rủi ro" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

SSI Research hiện dự báo lạm phát năm nay sẽ ở mức 3,8%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Trong năm 2023, lạm phát toàn phần đã giảm từ khoảng 5% xuống còn 3,5% vào tháng 12/2023 nhờ giá năng lượng và giá thực phẩm giảm mạnh trong khi lạm phát cơ bản cũng yếu hơn cho thấy việc giảm bớt áp lực cầu kéo.

Tuy nhiên, rủi ro lạm phát trong năm nay có thể đến từ các yếu tố đẩy chi phí, bao gồm khả năng giá dầu thô và các hàng hóa khác tăng cũng như việc tăng lương tối thiểu. Bên cạnh đó, việc hiệu chỉnh lại trọng số trong rổ tính chỉ số CPI có thể được thực hiện trong tháng 7 - tháng 8 sẽ phần nào tác động đến dữ liệu lạm phát.

“Có thể nói rủi ro về lạm phát là không cao, trong bối cảnh quốc gia láng giềng là Trung Quốc đang phải đương đầu với giảm phát, nhưng vẫn cần lưu ý đến áp lực tỷ giá”, SSI Research đánh giá.

Duy Quang