Theo nhận định của nhà kinh tế học Alessandro Nicita và Carlos Razo thuộc Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTA), Trung Quốc có lẽ là câu chuyện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử phát triển kinh tế của thế giới hiện đại.

Trong vòng 25 năm gần đây, nền kinh tế Trung Quốc liên tục tăng trưởng với tốc độ cao và ghi nhận số người thoát khỏi ngưỡng nghèo ở cao hơn bất kỳ nền kinh tế nào khác. Tất cả những điều này bắt nguồn từ những thay đổi trong hoạt động thương mại toàn cầu, Trung Quốc đã tận dụng để chuyển mình từ một nền kinh tế nằm ngoài hệ thống thương mại thế giới để trở thành một “gã khổng lồ” trong dòng chảy thương mại toàn cầu. 

Khởi nguồn của gã khổng lồ

Sự nổi lên của Trung Quốc trong hệ thống thương mại toàn cầu với tư cách là một cường quốc xuất khẩu trở nên rõ nét vào đầu những năm 2000 nhưng câu chuyện của điều này bắt đầu sớm hơn. Từ cuối những năm 1970, Trung Quốc bắt đầu thực hiện nhiều cải cách nhằm cải thiện nền kinh tế và mở cửa với thế giới bên ngoài. Vào thời điểm đó, Trung Quốc chỉ chiếm dưới 1% tổng thương mại toàn cầu.  

Nhằm đẩy mạnh việc tiếp cận với thị trường nước ngoài và tăng cường xuất khẩu, Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT, tiền thân của Tổ chức Thương mại Thế giới ngày nay) vào năm 1986.

Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế này của Trung Quốc kéo dài đến 15 năm. Trong giai đoạn này, tỷ trọng trong thương mại toàn cầu của Trung Quốc dần tăng lên nhưng sự tham gia của nước này vào nền kinh tế toàn cầu vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với tiềm năng.

Kể từ giữa nhưng năm 1990, những tiến bộ trong lĩnh vực logistics và công nghệ thông tin đã cho phép hoạt động sản xuất trải dài trên nhiều nước. Các chuỗi giá trị toàn cầu toả ra khắp nơi để tìm kiếm các địa điểm sản xuất có chi phí thấp và đáng tin cậy để mở rộng quy mô hoạt động. Tuy nhiên, việc mở rộng sản xuất cũng kéo theo những hệ quả về điều kiện lao động và phát thải khí nhà kính tăng lên.

Sự ra đời của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong năm 1995 đã cung cấp hệ thống pháp lý hiệu quả hơn cho hoạt động thương mại quốc tế, tạo ra cơ chế giải quyết các tranh chấp cũng như giảm chi phí giao dịch xuyên biên giới nhờ các ưu đãi thuế quan và giảm các rào cản thương mại phi thuế quan.

Việc Trung Quốc chính thức gia nhập WTO vào năm 2001 cho phép các chuỗi giá trị toàn cầu lựa chọn nước này là địa điểm sản xuất lý tưởng. Việc các chuỗi giá trị toàn cầu nổi lên và Trung Quốc gia nhập WTO chính là chất xúc tác quan trọng trong việc biến Trung Quốc trở thành cường quốc sản xuất và nắm giữ vai trò quan trọng trong hệ thống thương mại toàn cầu như hiện nay.

Ghi nhận và ngờ vực

Tuy nhiên, sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc trong hệ thống thương mại toàn cầu vừa đáng được ghi nhân vừa đi cùng các ngờ vực. Việc chính phủ nước này đưa ra các hỗ trợ, áp đặt hạn ngạch, các biện pháp tăng cường xuất khẩu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và can thiệp tỷ giá đã và đang trở thành những vấn đề gây tranh cãi.

Trên thực tế, WTO đã nhận được rất nhiều khiếu nại liên quan đến những vấn đề trên và đây cũng là nguyên nhân đứng đằng sau bất đồng thương mại căng thẳng hiện nay giữa Hoa kỳ - Trung Quốc.

Bất chấp những khiếu nại, quan hệ thương mại căng thẳng với Hoa Kỳ và cả Liên minh Châu Âu, hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tăng lên nhanh chóng. Trong suốt 2 thập kỷ gần đây, Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với hoạt động sản xuất toàn cầu trong hầu hết các lĩnh vực từ dụng cụ chính xác, máy móc công nghiệp đến máy tính và điện thoại thông minh.

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 càng chứng tỏ vai trò then chốt của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu. Khi đại dịch bùng phát khắp Trung Quốc hồi đầu năm 2020, các chuỗi sản xuất toàn cầu gần như bị tê liệt hoặc giảm hoạt động do thiếu hụt nguồn cung từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã nhanh chóng phục hồi sau khi khống chế được dịch bệnh. Tỷ trọng trong thương mại toàn cầu của Trung Quốc tiếp tục tăng lên mức 15% trong năm 2020. Trong quý 1 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu nước này đạt 710 tỷ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 710 tỷ USD. Nếu so với quý 1/2019 – thời điểm đại dịch Covid-19 chưa diễn ra thì con số này cao hơn gần 150 tỷ USD tương đương 27%.

Không chỉ tăng trưởng mạnh trong hoạt động xuất khẩu, nền kinh tế Trung Quốc còn ghi nhận sự gia tăng trên nhiều lĩnh vực khác, ngay cả những lĩnh vực không chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Vị thế của Trung Quốc trong tương lai

Nhà kinh tế học Alessandro Nicita và Carlos Razo nhận định Trung Quốc có thể sẽ vẫn là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới trong tương lai gần. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy sự thống trị của Trung Quốc trong hệ thống thương mại toàn cầu có thể đang gần đạt đến giới hạn.

Thứ nhất, nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển theo chiến lược kinh tế hướng nội, phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu nội địa thay vì thị trường nước ngoài. Điều này được thể hiện qua việc tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm nhanh chóng trong những năm gần đây. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Trung Quốc có thể tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới, từ đó giảm dần tỷ trọng xuất khẩu của nước này trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Thứ hai, việc chi phí lao động tại Trung Quốc ngày càng tăng đang làm suy yếu năng lực cạnh tranh toàn cầu của nước này. Điều này dẫn đến việc các chuỗi sản xuất toàn cầu đang di chuyển khỏi nước này để đến các quốc gia có chi phí lao động cạnh tranh hơn. Các nền kinh tế có tính cạnh tranh cao như Việt Nam có thể sẽ thay thế vị trí của Trung Quốc.

Thứ ba, những tiến bộ trong khoa học công nghệ giúp tiết kiệm sức lao động như tự động hoá và robot, cũng như các ưu đãi tài chính hấp dẫn đang thu hút các doanh nghiệp đặt hoạt động sản xuất tại các nền kinh tế phát triển.

Cuối cùng, những bất lợi đối với xu hướng toàn cầu hoá đang ngày càng tăng lên. Những căng thẳng địa chính trị hiện nay cũng như sự thay đổi chính sách của các quốc gia hướng đến những tiêu chuẩn cao hơn về môi trường và xã hội có thể tác động tiêu cực đến mô hình phát triển của Trung Quốc .  

Sự gia tăng căng thẳng thương và thiếu hụt hành động mang tính toàn cầu để giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường có thể dẫn đến quá trình phi toàn cầu hoá và điều này sẽ tác động mạnh hơn đến các quốc gia xuất khẩu lớn như Trung Quốc.