Tổng thống Joe Biden
 Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một sự kiện tại Washington (Hoa Kỳ) trong năm 2015 (Ảnh: AFP)

Phòng Thương mại Hoa Kỳ vừa công bố một báo cáo đánh giá tác động từ việc phân ly kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Theo đó, việc phân ly kinh tế hoàn toàn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn có nhiều quan hệ lợi ích đan xen phức tạp, được dự báo sẽ xảy ra khi hai bên tiến hành chiến tranh thương mại tổng lực. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết quá trình phân ly sẽ tiếp diễn dù dưới dạng này hay dạng khác.

Báo cáo cho biết việc ngưng hoàn toàn quan hệ kinh doanh với Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Ví dụ, ngành công nghiệp máy bay và hàng không của Hoa Kỳ thiệt hại từ 38 tỷ USD cho tới 51 tỷ USD mỗi năm và thị trường lao động nước này sẽ mất đi từ 167.000 đến 225.000 việc làm. Trong khi đó, doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn của Hoa Kỳ sẽ sụt giảm 83 tỷ USD cùng với 124.000 việc làm bị mất đi.

Báo cáo của Phòng Thương mại Hoa Kỳ được đưa ra sau khi chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden bắt đầu ra soát lại chính sách quan hệ với Trung Quốc. Ông Jeremie Waterman, người đứng đầu bộ phận Trung Quốc thuộc Phòng Thương mại Hoa Kỳ, cho biết “Nếu không được hoạch định một cách hợp lý, các chính sách của Hoa Kỳ có thể làm phương hại tới chính các doanh nghiệp Hoa Kỳ”.

Theo Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách châu Á Charles Freeman của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, báo cáo này giúp giới chức lãnh đạo Hoa Kỳ hiểu về tác động tiêu cực tiềm tàng từ quyết định của mình đồng thời hình dung ra các biện pháp giải quyết với Trung Quốc trên các lĩnh vực cạnh tranh và đối đầu.

Chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược, "đối thủ cạnh tranh đáng ngại nhất""thách thức lớn về tốc độ". Điều này cho thấy lập trường cứng rắn dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump được giữ vững trong cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu ước tính mức thuế 25% đối với tất cả hàng hóa và dịch vụ của hai nước sẽ khiến nền kinh tế Hoa Kỳ thiệt hại khoảng 190 tỷ USD/năm. Lệnh cấm hoàn toàn đối với khách du lịch và sinh viên Trung Quốc đến Hoa Kỳ cũng có thể gây thiệt hại 30 tỷ USD/năm.

"Cách tiếp cận hợp lý sẽ là phân ly một phần (không trừng phạt những hàng hóa và dịch vụ không liên quan đến an ninh quốc gia), phân ly tạm thời (có thể điều chỉnh để đáp ứng những thay đổi của Trung Quốc trong tương lai) và hòa bình (tránh leo thang vô cớ và tốn kém)", theo báo cáo của Phòng Thương mại Hoa Kỳ.

Theo báo cáo này, với việc tăng cường kiểm soát nhà nước, ngăn chặn doanh nghiệp tư nhân và theo đuổi sự tự chủ về công nghệ cao, Trung Quốc đã tách mình ra khỏi các chuẩn mực kinh tế thị trường tự do.

Trong tháng 1/2021, Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu (EU) tại Trung Quốc cũng đưa ra một báo cáo tương tự, trong đó cảnh báo các thành viên của mình cần chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại tiếp diễn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai thị trường lớn đối với các doanh nghiệp Châu Âu.

Báo cáo cho rằng, các thành viên cần cân nhắc đa dạng hóa sản xuất để không phụ thuộc và Trung Quốc. Theo báo cáo này “Các công ty cần cấp bách rà soát lại các hoạt động của mình nhằm xác định các nút cổ chai mà Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc có thể nhắm tới vì các mục đích chiến lược”.

Báo cáo của Phòng Thương mại Hoa Kỳ và Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc đều đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các chính sách của Hoa Kỳ và châu Âu. Năm 2017, hai cơ quan này đều công bố các bản báo cáo với cảnh báo rằng chiến lược công nghệ toàn cầu “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” sẽ tìm cách loại bỏ các đối thủ cạnh tranh từ Hoa Kỳ và Châu Âu thông qua các khoản trợ cấp lớn.