Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Đông và Châu Phi do Viện Milken Institue tổ chức tại Abu Dhabi (UAE) vào ngày 11/2, ông Curtis Chin cho biết dịch virus Corona đang khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc phân tách nhau nhanh hơn những gì mà cuộc thương chiến giữa hai nước vừa qua gây ra.
Giờ đây các quốc gia cũng như các doanh nghiệp đang đánh giá sự phát triển các chuỗi cung ứng của họ trong dài hạn và không thể “đặt hết trứng vào một giỏ”.
Sự phân tách giữa hai nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc bắt đầu xuất hiện khi nổ ra cuộc chiến thương mại giữa hai nước trong năm 2018. Trong năm 2019, Chính phủ Hoa Kỳ đã cân nhắc một số biện pháp ngăn Trung Quốc đầu tư vào Hoa Kỳ như huỷ niêm yết đối với các công ty Trung Quốc trên các sàn giao dịch chứng khoán của Hoa Kỳ;
Đồng thời, hạn chế một số khoản đầu tư của Hoa Kỳ tại thị trường Trung Quốc. Về phía Trung Quốc, nước này đã khuyến khích mạnh hơn việc tự phát triển hạ tầng chuỗi cung ứng đầu vào công nghệ, đặc biệt nhóm công nghệ cao nhằm dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào các công nghệ do doanh nghiệp Hoa Kỳ cung ứng.
Nền kinh tế Trung Quốc và Hoa Kỳ, từ các chuỗi cung ứng đến các dòng đầu tư và thương mại, đang đan xen lẫn nhau. Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch virus Corona đã khiến Hoa Kỳ cũng như các nước khác phải suy nghĩ về “giá trị” của việc đa dạng hoá đối tác kinh tế, thay vì chỉ tập trung vào mỗi Trung Quốc.
So với thời điểm dịch SARS bùng nổ cách đây 17 năm, nền kinh tế Trung Quốc chỉ đóng góp khoảng 5% tổng giá trị thương mại toàn cầu nhưng tại thời điểm hiện tại, lượng hàng hoá giao thương với quốc ggia này đã chiếm đến 16% tổng giá trị thương mại toàn cầu.
Hồi năm 2003, khi virus SARS tấn công Trung Quốc thì các nhà máy của nước này chủ yếu gia công hàng hoá rẻ tiền như áo, giày thể thao… cho các đối tác nhưng giờ đây các nhà máy tại Trung Quốc đã trở thành một phần không thể thiếu trong hàng loạt chuỗi cung ứng phức tạp, giá trị cao từ chiếc iPhone 11 đến xe ô tô điện Tesla Model 3.
Khi các nhà máy Trung Quốc buộc phải tạm ngưng hoạt động do dịch bệnh, hoạt động kinh doanh của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, bao gồm các doanh nghiệp có giá trị vốn hoá lớn nhất Hoa Kỳ như Apple, Nike và Walmart, gần như ngay lập tức bị tác động.
Trong đó, với việc có tới 26 nhà cung ứng và 4 khách hàng doanh nghiệp chủ chốt tại Trung Quốc, tập đoàn Apple trở thành một trong những doanh nghiệp Hoa Kỳ chịu thiệt hại lớn nhất từ dịch virus Corona. Chuỗi cà phê lớn nhất thế giới Starbucks đã phải đóng cửa hơn 50% trong tổng số 4.300 cửa hàng tại Trung Quốc – thị trường đóng góp đến 10% tổng doanh thu của hãng.
General Motors hiện bán được xe tại thị trường Trung Quốc còn nhiều hơn tại Hoa Kỳ và các nhà máy của hãng tại Trung Quốc vẫn chưa xác định chính xác ngày sẽ quay trở lại hoạt động. Lãnh đạo của một số hãng sản xuất xe và phụ tùng xe ô tô tại Hoa Kỳ cũng đã cảnh báo nguồn sản phẩm dự trữ chỉ đủ để duy trì sản xuất trong vài tuần nữa nếu nguồn cung ứng từ Trung Quốc không được khơi thông.
“Chúng ta đã thấy một số hậu quả từ việc quá phụ thuộc vào một thị trường duy nhất”, ông Curtis Chin cho biết. Kể từ khi chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ bùng nổ, nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đã vội vã điều hướng hoạt động đầu tư – sản xuất ra khỏi Trung Quốc, đến những địa điểm khác tại khu vực Châu Á nhằm tránh trở thành nạn nhân của những xung đột thương mại tương tự. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, phần cứng, phần mềm và dịch vụ chứng kiến sự dịch chuyển nhiều nhất.
Ngày 30/1/2020, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross cho rằng việc dịch virus Corona bùng phát sẽ khiến các doanh nghiệp có thêm lý do để cân nhắc việc hoạch định chuỗi cung ứng của mình và có thể giúp tăng tốc mang việc làm trở lại Hoa Kỳ.
Ông Curtis Chin cũng cho biết sự bùng phát dịch virus Corona đã đem lại một “lối thoát” cho thoả thuận thương mại giai đoạn 1 vừa mới được ký hồi giữa tháng 1/2020 giữa hai nước. Theo thoả thuận này thì Trung Quốc sẽ cần nhập khẩu thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hoá từ Hoa Kỳ trong vòng 2 năm tới đây.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định thoả thuận giai đoạn 1 chỉ là “điểm dừng” của cuộc chiến thương mại giữa hai siêu nền kinh tế và những thoả thuận thương mại giai đoạn 2 hoặc 3 còn cần rất nhiều nỗ lực hợp tác giữa hai bên để đạt được, trước khi có thể đạt được một thoả thuận hoàn chỉnh.
Hiện vẫn còn tồn tại các thách thức lớn vì những vẫn đề cốt lõi trong xung đột giữa hai bên như vi phạm bản quyền, chuyển giao công nghệ lõi và an ninh quốc gia vẫn chưa được giải quyết.
Tuy nhiên, mọi giao thương giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện gần như đóng băng vì dịch bệnh, kéo theo đó là việc huỷ bỏ các cuộc đàm phán thương mại. Nếu thoả thuận thương mại giai đoạn 1 bị đổ vỡ thì virus Corona sẽ được coi là nguyên nhân chính, theo ông Curtis Chin.