Dù là nơi đầu tiên ghi nhận sự bùng phát của đại dịch Covid-19 nhưng Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã kiểm soát dịch bệnh tốt hơn các nền kinh tế lớn khác. Nhiều chuyên gia phân tích nhận định sự thành công trong kiểm soát dịch bệnh có thể tạo ra ảnh hưởng trong dài hạn đối với trật tự kinh tế thế giới và củng cố vị thế của Trung Quốc trong thế giới hậu Covid-19.
Dữ liệu của cơ quan thống kê Trung Quốc công bố ngày 18/1/2021 cho thấy tăng trưởng GDP cả năm 2020 của nước này là 2,3%, riêng Quý 4/2020 đạt 6,5%. Mặc dù mức tăng trưởng GDP trong năm 2020 của Trung Quốc là mức thấp nhất trong 44 năm nhưng đây là nền kinh tế lớn duy nhất thế giới ghi nhận mức tăng trưởng dương trong năm qua.
Đà phục hồi kinh tế của nước này được dự báo sẽ tăng cao trong năm 2021. Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay có thể đạt đến 8%.
Mặc dù đại dịch Covid-19 có bùng phát trở lại tại một số địa phương của Trung Quốc nhưng nhìn chung nước này vẫn đang kiểm soát dịch bệnh tốt hơn Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu (EU). Việc sớm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cho phép Trung Quốc tập trung tăng trưởng kinh tế và đầu tư cho phát triển trong tương lai. Trong khi đó, việc các nền kinh tế lớn khác tiếp tục đối mặt với các khó khăn do dịch bệnh gây ra có thể sẽ chịu ảnh hưởng dài hạn về năng lực cạnh tranh khi đầu tư vào phát triển, nghiên cứu khoa học công nghệ suy giảm.
Trong tháng 12/2020, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) dự báo Trung Quốc có thể thay thế Hoa Kỳ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới nếu đại dịch Covid-19 kéo dài. Trước đó, JCER từng dự báo việc Trung Quốc soán ngôi chỉ diễn ra sau năm 2036. JCER cho biết Trung Quốc và Hoa Kỳ đang đứng trước triển vọng rất khác biệt về thị trường lao động cũng như hoạt động đầu tư nghiên cứu – phát triển.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) tại Anh cũng điều chỉnh thời điểm Trung Quốc vượt Hoa Kỳ về quy mô GDP từ năm 2033 về năm 2028. CEBR cũng dự báo Trung Quốc sẽ đứng vào danh sách những nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2023 với tổng thu nhập quốc dân (GNI) từ 12.536 USD trở lên.
Bên cạnh việc kiểm soát dịch bệnh tốt hơn các nền kinh tế lớn khác, Trung Quốc đang dần bình thường hoá các chính sách tài khoá và tiền tệ. Để đối phó với suy thoái kinh tế lần này, Trung Quốc không phải sử dụng việc nới lỏng định lượng (QE) hay hạ lãi suất cơ bản dưới 0% như một số quốc gia khác.
Ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở khu vực Châu Á và trên toàn cầu cũng ngày càng lớn. Dù bị Hoa Kỳ áp thuế lên hàng trăm tỷ USD trong cuộc chiến thương mại, trong tháng 11/2020, Trung Quốc đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới với 14 quốc gia tham gia, trong đó có Việt Nam, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Tiếp đó, vào tháng 12/2020, Trung Quốc đạt thỏa thuận đầu tư với Liên minh châu Âu (EU).
Ông Kurt Campbell, điều phối viên quan hệ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, cho biết không một quốc gia nào trong khu vực muốn bị rơi vào tình thế buộc phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ông Kurt Campbell cũng ủng hộ "một vị trí dành cho Trung Quốc trong trật tự khu vực" và "địa vị thành viên của Trung Quốc trong các định chế chủ chốt của trật tự đó".