Thế giới tăng cường mua hàng từ Việt Nam, đẩy mạnh chuyển dịch khỏi Trung Quốc

Khảo sát của hãng kiểm tra tuân thủ chuỗi cung ứng Qima (Hồng Kông, Trung Quốc) cho thấy các doanh nghiệp trên toàn cầu, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, đang tăng cường mua hàng từ Việt Nam. Việt Nam cũng trở thành 1 trong 3 nhà cung cấp hàng lớn nhất của nhiều doanh nghiệp thế giới.
Cảng container
Ngày càng nhiều doanh nghiệp trên thế giới tiến hành đa dạng hoá chuỗi cung ứng và đánh giá Việt Nam là một trong những nhà cung ứng quan trọng nhất

Khảo sát của hãng kiểm tra tuân thủ chuỗi cung ứng Qima (Hồng Kông, Trung Quốc) đối với 700 doanh nghiệp có chuỗi cung ứng quốc tế trong quý 1/2021 chỉ ra rằng hoạt động mua hàng hoá từ Trung Quốc đã tăng mạnh trở lại nhưng vẫn đạt được mức như trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Khảo sát cũng chỉ ra rằng những nguồn cung ứng hàng hoá thay thế (Trung Quốc) như Việt Nam, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đang chứng kiến sự tăng trưởng bền vững về nhu cầu thu mua hàng hoá. Cụ thể, mức độ phổ biến của hàng hoá xuất xứ từ Việt Nam đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ và Châu Âu đã tăng mạnh trong vài năm trở lại đây.

Điều này đã khiến hoạt động kiểm toán và kiểm tra hàng hoá xuất xứ từ Việt Nam trong các chuỗi cung ứng quốc tế trong quý 1 vừa qua đã tăng tới 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý tăng thứ ba liên tiếp đối của chỉ số này đối với hàng hoá xuất xứ từ Việt Nam, theo Qima.

Hãng Qima cũng nhấn mạnh nhu cầu kiểm tra hàng hoá đi từ Việt Nam trong các chuỗi cung ứng quốc tế trong quý 1/2021 đã tăng gấp đôi so với hồi quý 1/2019. Bên cạnh đó, 43% doanh nghiệp đặt tại Hoa Kỳ trong cuộc khảo sát cho biết Việt Nam là 1 trong 3 nguồn cung ứng hàng hoá lớn nhất hiện nay của họ.

“Ngoài ra, cơn khát hàng hoá Việt Nam (của các doanh nghiệp trên thế giới) còn lâu mới được đáp ứng và điều này có thể dẫn đến việc định hình lại bản đồ cung ứng hàng hoá trong năm 2021. Khoảng 1/3 số đơn vị mua hàng trên thế giới và 38% doanh nghiệp đặt tại Hoa Kỳ cho biết Việt Nam là một trong những nhà cung cấp mà họ có kế hoạch mua thêm hàng hoá trong năm nay”,  theo báo cáo của hãng Qima.

Dữ liệu khảo sát của Qima cũng cho thấy các nguồn hàng thay thế khác tại khu vực Đông Nam Á cũng ghi nhận kết quả tích cực trong quý 1 vừa qua. Tốc độ tăng trưởng các cuộc kiểm tra hàng hoá xuất xứ từ Đông Nam Án đã đạt 2 con số tại tất cả các quốc gia trong khu vực trong bối cảnh các doanh nghiệp Hoa Kỳ và Châu Âu đang dần quan tâm hơn đến những nhà cung cấp mới.

Các dữ liệu mới nhất của Trung tâm Hàng hải Nhật Bản (JMC) cho thấy tỷ trọng container từ khối ASEAN đã lần đầu tiên vượt mốc 20% trong tổng số container cập cảng Hoa Kỳ trong năm ngoái. Trong đó, riêng tỷ trọng container từ Việt Nam trong tổng số container đến Hoa Kỳ chiếm 10,8%, tăng 1,8% so với năm 2019.

Ngược lại, tỷ trọng container đi từ Trung Quốc trong tổng số container đến Hoa Kỳ trong năm ngoái đã giảm 0,9% xuống còn 58,9%; đánh dấu năm giảm thứ hai liên tiếp và ở dưới ngưỡng 60%.

Giới quan sát nhận định đây là hệ quả của việc ngày càng nhiều nhà sản xuất theo đuổi chiến lược “Trung Quốc + 1”, xây dựng thêm cứ điểm sản xuất mới bên ngoài Trung Quốc nhằm giảm mức độ phụ thuộc vào các nhà cung ứng tại đây.  

Ấn Độ hiện cũng đang nổi lên là lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp quốc tế trong chiến lược đa dạng hoá nhà cung cấp. Khảo sát của Qima cho thấy 26% số doanh nghiệp được hỏi cho biết Ấn Độ là một trong ba nhà cung cấp hàng đầu của họ. Ấn Độ hiện thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp ngành hàng thời trang, kim hoàn và phụ kiện trên thế giới.

Tại khu vực Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ đang tận dụng lợi thế địa lý để trở thành nhà cung ứng lý tưởng cho các doanh nghiệp đặt tại Châu Âu khi ngày càng nhiều doanh nghiệp tại đây theo đuổi chiến lược "Về gần nhà hơn". Dữ liệu của Qima chỉ ra rằng gần 1/3 số doanh nghiệp đặt tại Châu Âu tham gia khảo sát cho biết Thổ Nhĩ Kỳ là lựa chọn hàng đầu trong danh sách các đơn vị cung ứng.

Qima nhận định các xu hướng đa dạng hoá về chuỗi cung ứng toàn cầu trong dài hạn đang tiếp tục làm suy giảm vị thế thống trị của Trung Quốc trong cung ứng hàng hoá. Trong quý 1/2021, nhu cầu kiểm tra đối với hàng hoá từ Trung Quốc đã tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Qima đánh giá “điều này không đồng nghĩa với tăng trưởng nếu như so sánh với quy mô trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra”.

Quang Đặng (Tham khảo The Load Star)