Mặc dù sự cố đóng cửa kênh đào Suez( Ai Cập) đã được giải quyết từ ngày 29/3 và các tàu hàng bị tắc nghẽn tại đây đã được giải phóng gần hết nhưng hệ luỵ của sự kiện này đang ảnh hưởng đến các cảng biển tại Châu Âu.
Hàng chục tàu hàng có điểm đến là Châu Âu vốn đi qua kênh đào Suez dự kiến sẽ tới nơi cùng lúc trong tuần này. Chỉ vài ngày sau đó, những tàu hàng chọn đi vòng qua Mũi Hảo Vọng (Châu Phi) khi kênh đào Suez bị tắc nghẽn cũng sẽ tới nơi. Điều này sẽ gây ra tình trạng ùn ứ lượng lớn hàng hoá tại các cảng Châu Âu và khiến tình trạng thiếu hụt container đóng hàng trở nên nghiêm trọng hơn.
Ông Lothar Thoma, giám đốc điều hành bộ phận vận tải hàng không và đường biển của hãng logistics Gebrueder Weiss (Áo), cho biết “Hoạt động logistics vốn đã bị xáo trộn mạnh trước khi sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez xảy ra, tình trạng ùn ứ tàu tại các cảng của Châu Âu hiện nay sẽ càng khiến việc đưa container rỗng ngược về khu vực Châu Á trở nên khó khăn hơn”.
Khoảng 80% hàng hoá nhập khẩu vào khu vực Châu Âu được vận chuyển bằng đường biển và hầu hết số hàng hoá này đến từ các quốc gia Châu Á. Sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez và những hệ luỵ kéo theo đang ảnh hưởng mạnh đến thị trường logistics toàn cầu trong bối cảnh hơn nửa hoạt động vận tải biển toàn cầu bị đình trệ, chậm hơn so với kế hoạch.
Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia Châu Âu và các biện pháp phong toả, hạn chế di chuyển đang khiến các cảng biển Châu Âu thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng để giải toả lượng hàng hoá ùn ứ.
Ông Lothar Thoma cũng cảnh báo tình trạng thiếu hụt container và tàu hàng sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng khi hàng triệu người dân Hoa Kỳ nhận được khoản tiền mặt hỗ trợ 1.400 USD, qua đó gia tăng mạnh nhu cầu nhập khẩu hàng hoá của Hoa Kỳ. “Hệ quả là áp lực lên các tuyến vận tải container đường biền từ Châu Á đến Bắc Mỹ sẽ gia tăng”, theo ông Lothar Toma.
Các cảng biển chính của Bờ Tây Hoa Kỳ cũng đang đối mặt với tình trạng ùn ứ hàng hoá và hàng chục tàu hàng lớn phải chờ ngoài khơi để vào cảng khi năng lực bốc dỡ không theo kịp sự bùng nổ nhu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ. Điều này cũng khiến lượng lớn container hàng bị tồn đọng tại đây lâu hơn thay vì nhanh chóng được điều phối đến những nơi đang có nhu cầu xuất khẩu hàng hoá.
Các hãng vận tải biển Châu Á hiện lo ngại tắc nghẽn hàng hoá ở Châu Âu sẽ làm gián đoạn dòng chảy container trở về. Ông Li Jianhui, giám đốc chiến lược và vận hành tại China Merchants Port Holdings, cho biết “có lượng lớn container bị tập trung tại các cảng Châu Âu” và ước tính cứ 3,5 container rời Trung Quốc đến Châu Âu và Mỹ, “chỉ có một trở về”.
Nhận định về tình hình thị trường vận tải biển, ông Lothar Thome dự báo thị trường sẽ còn tiếp tục căng thẳng cho đến trước kỳ nghỉ Tết Âm lịch năm 2022 (tháng 2/2022). “Về giá cước, chi phí vận tải một container 40 feet trên tuyến Châu Á – Châu Âu trước khi xảy ra ùn ứ là 7.500 USD, có thể tăng lên gần 10.000 USD khi nhu cầu mua sắm tại Hoa Kỳ gia tăng mạnh”, ông Lothar Thomas dự báo.
Theo ông Lothar Thoma, việc một số quốc gia Châu Á tiếp tục gia hạn các biện pháp cách ly phòng chống dịch bệnh cho đến cuối năm nay khiến cho việc số lượng chuyên bay chuyên chở khách và vận tải hàng không khó gia tăng. Trong khi đó, các tuyến đường sắt giữa các quốc gia đang ưu tiên vận chuyển các trang thiết bị y tế như các bộ xét nghiệm Covid-19, khẩu trang.
Các cảng tại Châu Âu cho biết họ đang chuẩn bị hết sức để đón làn sóng container sắp tới. Tại Hamburg, cảng lớn nhất Đức, công ty bốc dỡ container Hamburger Hafen und Logistik thuê thêm 100.000 m2 để lưu trữ container. Các xe tải chở container xuất khẩu được yêu cầu không đến cảng sớm hơn tàu nhận hàng cập bến 48 giờ.
Tương tự, PSA, công ty bốc dỡ container lớn nhất nhất ở cảng Antwerp (Bỉ), thiết lập khung thời gian 7 ngày để tiếp nhận container xuất khẩu sang khu vực Trung và Viễn Đông nhằm giữ lượng container tại cảng ở mức thấp, tránh làm trầm trọng thêm tình trạng “nút cổ chai” đối với container rỗng. Cảng Piraeus (Hy Lạp) cũng bắt đầu áp dụng hình thức bốc dỡ hàng hóa liên tục và sẽ duy trì tình trạng này cho đến khi giải phóng được lượng hàng ùn ứ.