Dữ liệu mới nhất của hãng tin Bloomberg cho thấy số lượng tàu hàng bị kẹt lại hai đầu kênh đào Suez (Ai Cập) đã lên đến hơn 238 tàu so với con số hơn 168 tàu trong ngày 25/3. Giao thông qua kênh đào Suez, tuyến đường biển ngắn nhất nối Châu Á và Châu Âu, đã bị đình trệ kể từ tối ngày 23/3 sau khi siêu tàu container nặng 220.000 tấn Ever Given mắc kẹt trong kênh đào.
Các thông tin cập nhập mới nhất cho thấy việc giải cứu tàu Ever Given bằng tàu kéo và máy xúc không thành công và đội cứu hộ đang xem xét phương án dỡ hàng trên tàu để giảm trọng tải. Trong các trường hợp tương tự, các container hàng sẽ được dỡ lần lượt bằng máy bay trực thăng.
Giới chức Ai Cập hiện muốn chờ thêm 10 ngày nữa khi thuỷ triều lên cao hơn để dễ cứu tàu Ever Given. Tuy nhiên điều này sẽ khiến số lượng tàu hàng bị mắc kẹt ở hai đầu kênh đào tăng vọt. Ông James Wroe, Trưởng bộ phận vận hành tuyến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thuộc hãng tàu Maersk, cho biết “Cứ mỗi giờ trôi qua, sẽ có thêm nhiều tàu cũng như lượng container bị kiềm giữ lại tại khu vực kênh đào Suez”.
Kênh đào Suez là một trong những tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu trên thế giới với với trung bình 50 tàu di chuyển qua kênh đào mỗi ngày. Khoảng 12% thương mại toàn cầu, gần 10% dầu mỏ vận tải đường biển và 8% lượng khí LNG toàn cầu được vận chuyển qua kênh đào này. Theo Cơ quan Giám sát kênh đào Suez (SCA), trong năm 2020, gần 19.000 lượt tàu thuyền đã đi qua kênh đào Suez với tổng trọng tải khoảng 1,17 tỷ tấn.
Giới quan sát nhận định trong bối cảnh hoạt động vận chuyển bằng đường biển vốn đang chịu áp lực lớn do thiếu hụt container trầm trọng và tàu vận chuyển, việc tắc nghẽn tại kênh đào Suez kéo dài sẽ gây xáo trộn nghiêm trọng hoạt động thương mại toàn cầu. Cứ mỗi ngày trôi qua sẽ có khoảng 10 tỷ USD giá trị hàng hoá bị tắc lại tại khu vực kênh đào.
Sự cố này không chỉ khiến giá cước vận tải đường biển tăng mà còn đẩy giá nhiều loại hàng hoá quan trọng như cà phê, dầu thô, thiết bị điện tử tăng lên. Theo đánh giá của các chuyên gia, ngay cả khi giải phóng thành công tàu Ever Given, lượng lớn tàu hàng bị dồn vào 2 đầu kênh đào sẽ khiến tình trạng tắc nghẽn ở khu vực này chưa chấm dứt ngay.
Các tàu hàng có thể lựa chọn đi vòng qua Mũi Hảo Vọng của Châu Phi thay vì đi đợi 2 tuần để đi qua kênh đào Suez. Tuy nhiên, việc này sẽ khiến quãng đường di chuyển tăng thêm hơn 9.600 km và chi phí nhiên liệu vận hành tàu sẽ tăng thêm 300.000 USD, chưa tính đến các chi phí khác.
Giới quan sát cảnh báo giá cước vận chuyển đường biển, đặc biệt là giá cước vận chuyển container, sẽ tăng cao trong thời gian tới dưới các tác động của sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez. Hiện giá vận chuyển container loại 40 feet từ khu vực Trung Quốc đến Châu Âu đã đạt 8.000 USD/container, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Thâm chí, trên một số tuyến vận tải vốn không đi qua kênh đào Suez, giá cước vận chuyển cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng lên do thiếu hụt lượng tàu vận chuyển khi nhiều tàu khác bị mắc kẹt tại khu vực kênh đào.