Xáo trộn các tuyến vận tải biển
Việc kênh đào Suez (Ai Cập) bị tắc nghẽn nghiêm trọng khi siêu tàu container tên Ever Given mắc kẹt trong kênh đào kể từ tối ngày 23/3 đang khiến hơn 100 tàu hàng khác phải chờ để được lưu thông. Giới phân tích nhận định nếu tình trạng tắc nghẽn kéo dài thì hoạt động thương mại trên toàn cầu sẽ bị xáo trộn nghiêm trọng trong bối cảnh giá cước vận tải biển ở mức cao kỷ lục, thị trường toàn cầu thiếu hụt trầm trọng container rỗng cũng như tàu vận chuyển.
Sự cố này đã ngay lập tức đẩy giá dầu thô tăng 6% chỉ trong phiên giao dịch ngày 24/3. Kênh đào Suez là một trong những tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu trên thế giới với với trung bình 50 tàu di chuyển qua kênh đào mỗi ngày. Khoảng 12% thương mại toàn cầu, gần 10% dầu mỏ vận tải đường biển và 8% khí LNG toàn cầu được vận chuyển qua kênh đào này.
Hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts (Anh) cho biết một số hãng vận tải container đang xem xét việc chuyển hướng di chuyển qua Mũi Hảo Vọng (Châu Phi) thay vì đi qua kênh đào Suez để giúp hàng hoá lưu thông. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến các tàu hàng mất thêm gần 2 tuần di chuyển và chi phí vận chuyển tăng lên đáng kể.
Nhiều cảng biển trên toàn cầu đang chứng kiến sự thiếu hụt container chuyên chở hàng hoá cũng như tàu vận chuyển hàng nghiêm trọng dưới các tác động của đại dịch Covid-19 kể từ giữa năm ngoái. Trong thời gian qua, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại nhiều quốc gia đã khiến nhiều tàu không cập bến giao nhận hàng đúng thời hạn, việc thiếu hụt nhân viên tại các cảng cũng khiến việc bốc xếp container chậm hơn gấp nhiều lần so với thông thường.
Bên cạnh đó, sự phục hồi mạnh nhu cầu xuất khẩu của Trung Quốc trong những tháng gần đây đã khiến tình trạng thiếu hụt container rỗng trở nên nghiêm trọng hơn. Giá cước vận chuyển container bằng đường biển trên tuyến đi từ khu vực Bắc Châu Á đến Bắc Châu Âu trong ngày 23/3 đã đạt mức 9.500 USD/FEU, tăng gấp nhiều lần so với mức 1.375 USD/FEU trong cùng kỳ năm ngoái.
Giá cước vận chuyển container có thể tăng
Giới quan sát cảnh báo sự cố mắc kẹt siêu tàu container Ever Given với gần 20.000 container loại 20 feet trên tàu tại kênh đào Suez là “giọt nước làm tràn ly” tình trạng căng thẳng của thị trường vận chuyển hàng hoá bằng đường biển hiện nay. Nếu tình trạng mắc kẹt này kéo dài lâu thì giá cước vận tải đường biển được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao.
Ông James Wroe, Trưởng bộ phận vận hành tuyến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thuộc hãng Maersk, cho biết “Cứ mỗi giờ trôi qua, sẽ có thêm nhiều tàu cũng như lượng container bị kiềm giữ lại tại khu vực kênh đào Suez. Điều này sẽ gia tăng thêm áp lực lên các tuyến vận chuyển vốn đã rất thiếu container rỗng”. Hiện Maersk, hãng tàu container lớn nhất thế giới, có 4 tàu chuyên chở đang bị tắc nghẽn tại kênh đào Suez, theo ông James Wroe.
Do di chuyển qua kênh đào Suez là tuyến đường ngắn nhất để vận chuyển hàng hoá giữa khu vực Châu Á và Châu Âu, giới phân tích cảnh báo giá cước vận chuyển container trên các tuyến giữa hai khu vực này sẽ có thể tăng cao hơn nữa tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự cố. Các hãng vận chuyển tàu cũng cảnh báo hàng hoá xuất khẩu từ khu vực Châu Á sang Châu Âu sẽ bị chậm hơn dự kiến.
Theo giới chuyên môn, chủ tàu Ever Given là công ty Shoei Kisen KK (Nhật Bản) có thể bị Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) buộc phải trả số tiền thất thu, cũng như các chủ tàu khác đòi bồi thường vì bị tắc tuyến đường thủy họ đang trên đường đi qua. Tuy nhiên, nếu việc giải cứu tàu mắc cạn quá phức tạp, chủ tàu Ever Given hoặc chủ hàng hoá trên tàu có thể chọn phương án “bất khả kháng” hoặc “loại bỏ tàu, hàng”.
Nếu được giải cứu thành công, siêu tàu container Ever Given sẽ phải di chuyển ra khỏi kênh đào Suez với tốc độ rất chậm do lo ngại vụ mắc kẹt đã ảnh hưởng đến độ an toàn của tàu. Dự kiến việc di chuyển siêu tàu khỏi kênh để giao thông khôi phục lại bình thường có thể mất đến vài ngày.