Chốt phiên giao dịch ngày 24/3, giá dầu thô Brent giao tương lai đã bật tăng mạnh 3,62 USD tương ứng 6% lên mức 64,41 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng vọt 3,42 USD tương ứng 5,9% lên mức 61,18 USD/thùng.
Đà tăng của giá dầu thô chủ yếu do thị trường lo ngại sự cố một siêu tàu container mắc kẹt, khiến toàn bộ kênh đào Suez (Ai Cập) bị tắc nghẽn nghiêm trọng kể từ tối ngày 23/3 sẽ đe doạ nguồn cung dầu thô trên toàn cầu. Sự cố đã khiến toàn bộ hoạt động giao thông tại kênh đào bị đình trệ và ít nhất 100 tàu đang di chuyển giữa khu vực Biển Đỏ và Địa Trung Hải bị mắc kẹt, bao gồm nhiều tàu chở dầu thô.
Kênh đào Suez là một trong những tuyến hàng hải giao thương quan trọng nhất thế giới. Khoảng 10% lượng dầu mỏ được vận chuyển bằng đường biển thông qua kênh đào Suez. Một số chuyên gia nhận định việc giải cứu tàu container bị mắc kẹt có thể kéo dài nhiều ngày, khiến hải trình của các tàu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đơn vị hàng hải GAC cũng bác bỏ các tin tức về việc tàu container đã được giải cứu và các cơ quan có liên quan vẫn đang nỗ lực giải phóng siêu tàu container bị mắc kẹt.
Diễn biến trong phiên giao dịch ngày 24/3 hoàn toàn trái ngược với sự lao dốc của giá dầu thô trong phiên giao dịch ngày 23/3 khi giá dầu thô Brent và dầu thô WTI sụt giảm mạnh đến 6,2% sau thông tin hàng loạt nền kinh tế lớn tại Châu Âu phải tái áp đặt các biện pháp phong toả, ngăn chặn làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ ba.
Giá dầu thô trong phiên giao dịch ngày 24/3 còn được nâng đỡ nhờ dữ liệu mới nhất cho thấy các nhà máy lọc hoá dầu tại Hoa Kỳ đã khôi phục sản xuất sau khi phải ngưng hoạt động vì thời tiết giá rét bất thường hồi giữa tháng 2/2021. Điều này sẽ giúp giảm lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ xuống trong những tuần tới.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng bất ngờ huỷ quyết định phong tỏa toàn quốc 5 ngày trong dịp lễ Phục sinh tới đây khi vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ dân chúng. Tuy nhiên, Chính phủ Đức tiếp tục dự tính sẽ tạm hoãn việc nới lỏng các biện pháp bán phong tỏa từ nhiều tháng qua, dù theo kế hoạch các biện pháp này sẽ chấm dứt vào trung tuần tháng 4/2021.
Giá dầu thô bắt đầu chịu áp lực giảm xuống kể từ giữa tháng này sau khi thị trường trở nên bi quan hơn về triển vọng phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô. Tình trạng tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại nhiều nơi trên toàn cầu diễn ra chậm hơn so với kỳ vọng và diễn biến phức tạp của dịch bệnh với sự xuất hiện của các biến chủng virus Covid-19 mới đã làm lu mờ viễn cảnh sớm tái mở cửa của các nền kinh tế.
Trong ngày 17/3, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định giá dầu thô khó có thể duy trì đà tăng bùng nổ như giai đoạn vừa qua trong dài hạn. IEA cũng dự báo phải đến năm 2023 thì nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu mới phục hồi trở lại ngang bằng mức trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.a