Dữ liệu từ Trung tâm Hàng hải Nhật Bản (JMC) cho thấy tổng lượng container 20 feet đến Hoa Kỳ trong năm ngoái đạt 4,01 triệu container, tăng 16,1% so với năm 2019 và đánh dấu lần đầu tiên con số này vượt mốc 4 triệu chiếc. Dữ liệu của JMC được tổng hợp từ dữ liệu thương mại đường biển của 18 quốc gia, vùng lãnh thô thuộc khu vực Châu Á, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và khu vực ASEAN.
Đáng chú ý, dữ liệu của JMC cho thấy lượng container xuất phát từ Singapore, Việt Nam và 6 quốc gia Đông Nam Á khác đã tăng 2,3% lên mức 21,9% trong tổng số container cập cảng Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên tỷ trọng container đi từ ASEAN vượt mốc 20% tổng số container đến Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tính riêng Việt Nam, số lượng container đi từ nước ta sang Hoa Kỳ trong năm ngoái đạt 1,99 triệu container, tăng mạnh 24,8% so với năm 2019. Nhờ đó, tỷ trọng container xuất xứ từ Việt Nam trong tổng số container đến Hoa Kỳ đạt 10,8%, tăng 1,8% so với năm 2019.
Trong khi đó, tỷ trọng container đi từ Trung Quốc trong tổng số container đến Hoa Kỳ trong năm ngoái đã giảm 0,9% xuống còn 58,9%. Đây là năm thứ hai liên tiếp, chỉ số này của Trung Quốc giảm xuống và ở dưới ngưỡng 60%.
Theo dữ liệu của JMC, tổng lượng container xuất xứ từ Trung Quốc (không bao gồm Hồng Kông) trong năm 2020 đạt 10,81 triệu chiếc, tăng 2,4% so với năm 2019 nhưng giảm khoảng 6,4% so với mức cao kỷ lục trong năm 2018.
Trong bối cảnh chi phí lao động tại Trung Quốc liên tục tăng cao cùng với căng thẳng địa chính trị giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng, ngày càng nhiều nhà sản xuất theo đuổi chiến lược “Trung Quốc + 1”, xây dựng địa điểm sản xuất mới bên ngoài Trung Quốc.
Ngày khi chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bùng nổ cuối năm 2018, một số doanh nghiệp đã dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh bị áp thuế cao từ phía Hoa Kỳ. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 hồi đầu năm 2020 càng thúc đẩy xu hướng đa dạng địa điểm sản xuất khi các chuỗi cung ứng toàn cầu bộc lộ nhiều điểm yếu khi quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
Cũng nhờ đó mà Việt Nam càng ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong dòng chảy thương mại toàn cầu. Một số nhà quan sát nhận định Việt Nam chính là người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Giới phân tích nhận định tỷ trọng container đi từ ASEAN sang Hoa Kỳ tăng lên phần nào phản ánh những thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người dân Hoa Kỳ trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Năm 2020, số lượng lô hàng đồ nội thất và thiết bị điện tử gia dụng từ ASEAN sang Hoa Kỳ đã tăng lần lượt 13,1% và 29,4% so với năm trước đó. Việt Nam, nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất đồ nội thất và điện thoại thông minh, được đánh giá cũng hưởng lợi từ xu thế này.
Thời báo kinh tế Nikkei dẫn lời một nguồn tin tại một hãng vận tải biển nhận định “Có khả năng đại dịch Covid-19 đã tăng tốc làn sóng dịch chuyển sảng xuất từ Trung Quốc sang các nước lân cận như Việt Nam”.
Dữ liệu sơ bộ tính đến tháng 1/2021 cho thấy tỷ trọng container xuất xứ từ ASEAN đang chiếm khoảng hơn 24% trong tổng số container cập cảng Hoa Kỳ, cho thấy xu hướng gia tăng nhập khẩu hàng hoá từ ASEAN của Hoa Kỳ đang được củng cố.
Hoạt động xuất khẩu của khu vực ASEAN hiện đang chịu tác động từ tình trạng khan hiếm container trên toàn cầu. Sàn giao dịch vận tải Thượng Hải cho biết, cước vận tải đối với container loại 40 feet đi từ khu vực Trung Quốc đến Hoa Kỳ hiện ở mức cao kỷ lục, khoảng hơn 4.000 USD/container, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Giá cước vận tải biển đi từ khu vực Đông Nam Á hiện cũng cao hơn gấp 3 lần so với năm 2019.