Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua (ngày 19/4), giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE, Trung Quốc) ghi nhận phiên giao dịch thứ ba liên tiếp, đạt 1.060 NĐT (162,70 USD)/tấn, tăng 0,8% so với phiên giao dịch cuối tuần trước.
Lúc 6h06 sáng nay (ngày 20/4, theo giờ Việt Nam), giá quặng sắt giao tháng 5/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Singapore (SGX) đã tăng mạnh 1,4% lên 174,6 USD/tấn, xác lập phiên giao dịch tăng thứ 4 liên tiếp.
Thị trường quặng sắt hiện cũng phản ứng tích cực khi dữ liệu cho thấy các nhà máy sản xuất thép tại Trung Quốc vẫn đang đẩy mạnh sản xuất bất chấp việc chính phủ nước này siết chặt các quy định về kiểm soát ô nhiễm, bao gồm việc buộc một số nhà máy sản xuất thép phải cắt giảm sản lượng.
Dữ liệu của hãng tư vấn thị trường SteelHome (Trung Quốc) cho thấy, chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt giao ngay tại Trung Quốc đã đạt 176,50 USD/tấn – mức cao nhất kể từ ngày 4/3 trở lại đây. Giá loại quặng sắt hàm lượng 65% sắt cũng đạt mức cao kỷ lục, trên 200 USD/tấn.
Báo cáo phân tích thị trường của tập đoàn tài chính ANZ nhận định việc Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh kiểm soát ô nhiễm đang buộc các nhà máy sản xuất thép nước này sử dụng các loại quặng sắt chất lượng cao hơn như loại quặng sắt hàm lượng 65% sắt.
Việc sử dụng quặng sắt chất lượng cao vốn đẩy chi phí sản xuất lên nhưng nhu cầu sử dụng thép hiện ở mức tốt, giúp các nhà máy đạt biên lợi nhuận cao hơn để bù đắp vào phần chi phí tăng thêm, theo ANZ.
Hồi đầu tháng 3 vừa qua, giá quặng sắt loại hàm lượng 63,5% sắt giao đến cảng Thiên Tân (Trung Quốc) đã chạm ngưỡng 178 USD/tấn – mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây khi nguồn cung trên toàn cầu giảm xuống trong ngắn hạn và giá thép chạm mức cao kỷ lục.
Các dữ liệu mới nhất cho thấy lượng nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc đã chạm mức cao nhất trong 5 tháng trở lại đây, cho thấy các nhà máy thép nước này vẫn đang đẩy mạnh sản xuất khi giá thép được giữ ở mức cao.
ANZ cho biết đà tăng của giá bất động sản và sự phục hồi sản xuất công nghiệp trong thời gian gần đây đang đẩy giá thép tại Trung Quốc tăng lên. Bên cạnh đó, lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc cũng đang dần tăng trở lại khi hoạt động kinh tế tại các khu vực khác trên toàn cầu được cải thiện. Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất thép cũng như nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới.
Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) dự báo nhu cầu sử dụng thép toàn cầu trong năm nay sẽ tăng 5,8% so với với năm ngoái khi các nền kinh tế dần phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, WSA cảnh báo các nhà sản xuất cần cẩn trọng đánh giá nhu cầu sử dụng thép trong năm 2022 khi các tác động của các gói kích thích kinh tế dần yếu đi.