Dữ liệu mới nhất được Trung Quốc công bố cho thấy GDP của nước này trong quý 1/2021 đã tăng cao kỷ lục, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này cũng gần bằng mức ước tính tăng 18,5% của các nhà phân tích tham gia dự báo của hãng tin Bloomberg (Hoa Kỳ) đưa ra trước đó.
Tuy nhiên, mức tăng cao kỷ lục này một phần cũng bị bóp méo do so sánh với quý 1/2020 khi hầu như toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc bị tê liệt bởi đại dịch Covid-19. Nếu so với quý 4/2020 thì GDP trong quý 1/2021 của Trung Quốc chỉ tăng 0,6%. Trong khi đó, GDP của quý 4/2020 tăng 2,6% so với quý 3/2020.
Nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi tốt sau khi rơi xuống đáy hồi quý 1/2020 nhờ sự bùng nổ của nhu cầu nhập khẩu hàng hoá trên toàn cầu, đặc biệt là trang thiết bị y tế và đồ điện tử.
Nhận định về đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc, bà Wang Tao – nhà kinh tế trưởng phụ trách thị trường Trung Quốc thuộc tập đoàn tài chính UBS AG (Thuỵ Sĩ) cho biết “Chúng tôi (UBS AG) nhận thấy đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã có phần cân bằng hơn”.
Theo bà Wang Tao, khi Chính phủ Trung Quốc dần siết chặt lại các biện pháp kích thích kinh tế thì sự tăng trưởng của thị trường bất động sản và đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ chậm lại trong vài quý tới. Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lúc đầu là nhờ gia tăng đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ dần được thay thế bằng sự gia tăng về chi tiêu của các hộ gia đình, theo bà Wang Tao.
GDP tăng trưởng mạnh trong bối cảnh lạm phát có dấu hiệu tăng cao và nợ tích luỹ ở mức cao kỷ lục đã buộc Chính phủ Trung Quốc phải điều chỉnh các chính sách điều hành kinh tế. Cuối tháng 12/2020, Chính phủ Trung Quốc đã phát tín hiệu siết chặt các chính sách tài khoá và tiền tệ khi nền kinh tế phục hồi tốt; đồng thời, siết chặt giám sát quy định cấp tín dụng và cho vay trên thị trường bất động sản. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã yêu cầu các ngân hàng kìm hãm đà tăng trưởng cho vay trong vài tháng tới đây.
Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang được hưởng lợi nhờ việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại nhiều nơi trên thế giới cũng như gói kích thích kinh tế khổng lồ trị giá 1.900 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden tung ra hồi giữa tháng 3 vừa qua.
Chuyên gia kinh tế Chang Shu của hãng Bloomberg đã nâng dự báo về tăng trưởng Trung Quốc từ 8,2% lên 9,3% trong năm nay. Trước đó, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng trên 6% trong năm 2021. Lo ngại về lạm phát tại Trung Quốc đang dần tăng lên trong vài tuần gần đây khi giá các mặt hàng thô như đồng, nhôm và thép liên tục tăng cao khiến các nhà sản xuất nội địa nước này phải nâng giá sản phẩm. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu nguyên vật liệu thô lớn nhất thế giới.