Số liệu mới nhất được Cơ quan Thống kê Trung Quốc công bố trong ngày 15/3 cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ và mức đầu tư tài sản cố định tại Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2021 đã tăng ấn tượng. Qua đó, củng cố đà phục hồi kinh tế theo mô hình chữ V của nước này sau đại dịch Covid-19.
Giới phân tích nhận định động lực chính giúp nền kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh đến từ sự gia tăng sản lượng công nghiệp và nhu cầu về hàng hóa xuất khẩu tăng lên. Trong khi đó, mức chi tiêu tiêu dùng tăng chậm hơn.
Cụ thể, sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm đã lần lượt tăng 35,1% và tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước. Cả hai mức tăng này đều cao hơn mức dự báo của các chuyên gia tham gia khảo sát của hãng tin Bloomberg.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp vào cuối tháng 2/2021 đã tăng lên mức 5,5% so với mức 5,2% hồi tháng 12/2020. Mức đầu tư tài sản cố định trong 2 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 35% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 40,9% của giới phân tích.
Các chuyên gia phân tích chỉ ra rằng đà tăng trưởng yếu của hoạt động đầu tư tài sản cố định và sự gia tăng về tỷ lệ thất nghiệp cho thấy đà phục hồi kinh tế không đồng đều giữa các khu vực kinh tế tại Trung Quốc. Mặc dù chi tiêu tiêu dùng đã tăng trở lại nhưng nhưng đà hồi phục của doanh số bán lẻ không tăng mạnh bằng sản xuất công nghiệp.
Ông Bruce Pang, chuyên gia kinh tế tại hang tài chính China Renaissance Securities (Hồng Kông), nhận định nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc vẫn còn yếu. Dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ trong tháng 2/2021 tại Trung Quốc chỉ tăng 0,56% so với tháng 1/2021. Điều này cho thấy sức mua trong dịp Tết Nguyên đán ở mức yếu hơn nhiều so với dự báo, theo ông Bruce Pang.
Chuyên gia kinh tế Bruce Pang cũng cho biết dữ liệu kinh tế 2 tháng đầu năm 2021 phức tạp hơn thông thường do ngay trước dịp Tết Nguyên đán năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng một số biện pháp hạn chế di chuyển và kêu gọi người dân nước này ở nguyên tại chỗ. Điều này đã giúp hoạt động sản xuất tại các nhà máy quay trở lại bình thường sớm hơn để đáp ứng nhu cầu hàng hoá xuất khẩu.
Tuy nhiên, việc áp đặt biện pháp kiểm soát di chuyển cũng kìm hãm khoản chi tiêu cho du lịch, nhà hàng và các hoạt động giải trí, khi hàng triệu người dân không muốn đặt vé tàu, vé máy bay, cắt giảm chi tiêu cho các bữa tiệc và quà tặng.
Bên cạnh đó, một số nhà phân tích cho biết các con số vừa mới được công bố trở nên “ấn tượng” hơn một phần là vì hiệu ứng "phóng đại" khi so sánh với cùng kỳ năm ngoái. Trong 2 tháng đầu năm 2020, nền kinh tế Trung Quốc đã gần như bị đình trệ toàn bộ vì sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Sau khi thông tin trên được công bố, chỉ số chứng khoán CSI 300 tại Trung Quốc đã bật tăng trở lại sau nhiều phiên giảm saua gần đây.
Trong năm 2020, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới ghi nhận đà tăng trưởng dương với mức tăng 2,3%. Việc sớm kiểm soát được đại dịch Covid-19 đã giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi nhanh chóng. Bên cạnh đó, nhu cầu tăng vọt về các trang thiết bị y tế và thiết bị làm việc tại nhà trên toàn cầu cũng đã hỗ trợ đà tăng trưởng của Trung Quốc.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo Trung Quốc sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 8% trong năm, mức cao nhất trong số 50 nền kinh tế lớn trên toàn cầu. Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục không đặt ra mục tiêu tăng trưởng cụ thể trong năm nay và chỉ đưa ra con số “trên 6%”.
Chính phủ Trung Quốc cho biết với việc đặt mục tiêu tăng trưởng thấp hơn sẽ giúp nước này tập trung hơn vào việc kiểm soát các rủi ro trong nền kinh tế, giảm bớt gánh nặng nợ và kìm hãm bong bóng tài sản. Trung Quốc cũng đã phát tín hiệu sẽ giảm bớt quy mô của các biện pháp kích thích kinh tế trong năm nay.