Phát biểu tại tọa đàm ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời kỳ dịch bệnh Covid đang lan rộng khắp toàn cầu, Việt Nam nổi bật lên là quốc gia kiểm soát dịch bệnh sớm nên thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc có mong muốn được kết nối và tìm hiểu thông tin thị trường chính sách để triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực phụ tùng ô tô, cơ khí, điện tử…
“Đây là cơ hội lớn để các khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam kết nối với doanh nghiệp Hàn Quốc để thu hút đầu tư và hợp tác kinh doanh phát triển chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, trong đó lĩnh vực phụ tùng ô tô đang được các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc rất quan tâm”, Cục trưởng Vũ Bá Phú nhận mạnh.
Cũng theo Cục trưởng Vũ Bá Phú, lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô hiện nay đang là một trong những lĩnh vực được quan tâm hàng đầu tại Việt Nam theo quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Đặc biệt, trong tháng 10/2018, Công ty VinFast thuộc Tập đoàn Vingroup đã đưa hai xe mẫu Sedan Lux A 2.0 và SUV Lux SA 2.0 tham gia triển lãm quốc tế Paris Motor Show, một trong những sự kiện ô tô lớn nhất toàn cầu và nhận được sự đón nhận nhiệt tình của công chúng quốc tế, đánh dấu việc ghi tên Việt Nam trên bản đồ ngành công nghiệp ô tô trên thế giới.
Do vậy, Cục trưởng Vũ Bá Phú cho rằng, buổi Tọa đàm này sẽ tạo ra một kênh đối thoại chính sách về chính sách, chiến lược và định hướng phát triển ngành ô tô của Chính phủ và chính sách quy định của Việt Nam cho các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam trong lĩnh vực liên quan, hướng tới góp phần hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất bền vững trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô của Việt Nam với sự tham gia và hợp tác hiệu quả lâu dài của các nhà đầu tư Hàn Quốc trong lĩnh vực này.
Đại diện phía KOTRA cũng khẳng định, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa.
Điều đó được thể hiện trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết ngày 5/5/2015 và chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2015 với việc hai bên dành cho nhau nhiều ưu đãi trong các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư tạo động lực tăng trưởng hợp tác thương mại, đầu tư cả về lượng và về chất trong thời gian qua.
Thống kê cho thấy, trong 5 năm gần đây, số lượng dự án, vốn đăng ký và vốn thực hiện đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Hàn Quốc vào Việt Nam đều tăng ổn định qua các năm.
Trong năm 2019, Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 7,92 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay, có khoảng 8.900 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam và là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, sử dụng khoảng trên 1 triệu lao động và đóng góp khoảng 33% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam. Nguồn vốn đầu tư Hàn Quốc có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác trong nước, thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ...
Trong khuôn khổ Tọa đàm, Cục Công nghiệp và Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), các địa phương, đơn vị tư vấn luật, đơn vị nghiên cứu thị trường ngành hàng, khu công nghiệp và đặc biệt là gần 100 doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất ô tô, sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô cùng trao đổi về các chính sách phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam và việc hình thành chuỗi liên kết giá trị sản xuất bền vững trong lĩnh vực phụ tùng ô tô.
Hướng tới tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng toàn cầu
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam có 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp ô tô tại Việt Nam, 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe và 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng xe ô tô.
Trao đổi về nội dung này, ông Phạm Tuấn Anh - Phó cục trưởng Cục Công nghiệp nhìn nhận, một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu. Tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 755 nghìn xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 35%, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 65%. Có nhiều hãng lớn có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe trong nước, với tổng sản lượng của thị trường xe du lịch khoảng trên 200 nghìn xe/năm.
“Các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa (xe tải nhỏ đến 07 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 50%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 45% đến 50% vượt chỉ tiêu so với quy hoạch)”, Phó Cục trưởng Phạm Tuấn Anh nêu rõ.
Phân tích rộng hơn về ngành công nghiệp ô tô, ông Phạm Tuấn Anh chỉ ra, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô của Việt Nam vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự. Chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn. Cụ thể, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực.
“Đáng chú ý, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ thấp”, ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ.
Để phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cụ thể đối với lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, ông Phạm Anh Tuấn cho rằng, thời gian tới, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp ô tô tại Việt Nam cần tiếp tục tập trung vào định hướng cụ thể: Phát triển lành mạnh thị trường ô tô thông qua việc tạo dựng thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô trong nước (khuyến khích sử dụng xe ô tô sản xuất trong nước).
“Quan trọng hơn là duy trì và đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thông qua việc tập trung hỗ trợ có mục tiêu, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với một số các sản phẩm ô tô chủ lực, có dung lượng thị trường tốt, và có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm của các nước khác trong khu vực và phát triển công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp ô tô”, lãnh đạo Cục Công nghiệp nhấn mạnh.
Cũng tại Tọa đàm, các đại biểu kỳ vọng, đây là một trong những kênh đối thoại chuyên ngành về lĩnh vực phụ tùng ô tô lắp ráp ô tô trong nước hỗ trợ các nhà đầu tư có định hướng và kế hoạch đầu tư lâu dài tại Việt Nam góp phần thúc đấy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.