Chốt phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 16/2, theo giờ Hoa Kỳ), giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm 17 cents tương ứng 0,3% xuống mức 66,77 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng giảm 33 cents tương ứng 0,5% xuống còn 63,13 USD/thùng.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần này, giá dầu thô trên thế giới đã tăng hơn 6% trong bối cảnh thị trường lạc quan về triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô. Bên cạnh đó các dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc và Hoa Kỳ đã nâng đỡ vững chắc giá dầu thô vượt qua các lo ngại về việc đại dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh trở lại tại một số nền kinh tế lớn.
Trong ngày 16/4, Chính phủ Trung Quốc công bố dữ liệu cho thấy GDP quý 1/2021 của nước này đã tăng kỷ lục 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Tại Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, dữ liệu mới nhất cho thấy doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 3 vừa qua đã tăng mạnh 7,4% so với tháng 2/2021. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước tại Hoa Kỳ cũng giảm xuống mức thấp nhất trong suốt thời gian diễn ra đại dịch Covid-19.
Nhận định về diễn biến giá dầu thô trong tuần vừa qua, ông Bob Yawger – Giám đốc phụ trách thị trường năng lượng tương lai tại tập đoàn chứng khoán Mizuho (Nhật Bản) cho biết “Các dữ liệu kinh tế tích cực vốn được nâng đỡ bởi gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden là liều thuốc tích cực đối với thị trường năng lượng”.
Cũng trong tuần này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã đưa ra dự báo thị trường dầu mỏ sẽ đạt trạng thái cân bằng trong nửa cuối năm nay và “các yếu tố nền tảng dường như đang được cải thiện tốt hơn”. IEA cũng dự báo các nhà sản xuất dầu thô có thể cần tăng sản lượng lên thêm 2 triệu thùng/ngày nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dầu thô trong thời gian tới.
Tính đến thời điểm hiện tại, giá dầu thô đã gần như phục hồi hoàn toàn sau khi rơi xuống mức thấp kỷ lục hồi giữa tháng 4/2020 dưới các tác động của đại dịch Covid-19. Đà phục hồi giá dầu thô chủ yếu nhờ sự cắt giảm sản lượng khai thác ở quy mô chưa từng có của liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga dẫn đầu. Liên minh OPEC+ hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
IEA hiện vẫn cảnh báo thị trường dầu mỏ vẫn đang đối mặt với các rủi ro hiện hữu khi làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 lần thứ ba đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều nước như Ấn Độ - quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ 3 thế giới và Đức – nền kinh tế lớn nhất Châu Âu.
Giới phân tích dự báo giá dầu thô trong ngắn hạn có thể tăng lên ngưỡng 70 USD/thùng nhờ các tin tức tích cực nhưng sau đó sẽ chịu áp lực giảm xuống khi giá dầu thô càng ở mức cao thì sẽ càng khuyến khích các nhà sản xuất tăng cung dầu thô ra thị trường. Bên cạnh đó, liên minh OPEC+ sẽ bắt đầu nâng dần sản lượng khai thác trở lại kể từ tháng 5 tới đây.