"Anh hùng điện nông thôn" ở Sóc Trăng

Năm 1997, khi Điện lực Sóc Trăng bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về điện cho Sở Công nghiệp Tỉnh, để chuyển sang doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện năng, thì Nguyễn Văn Nhiệm đã là Giám đốc Điện

 

Nhưng khi đã có đủ điều kiện, vị trí để thực hiện ước mơ của mình thì Giám đốc Nguyễn Văn Nhiệm phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Hồi ấy, tỉnh Sóc Trăng vừa được tái lập, khó khăn chồng chất đối với một tỉnh thuần nông có nhiều đồng bào Khơme sinh sống. Toàn tỉnh có 220.320 hộ dân cư nhưng chỉ có 22.150 hộ được dùng điện lưới quốc gia. Sự nghèo khó ở một vùng sông nước thể hiện không chỉ ở con số 10,05% này, mà còn ở sản lượng điện bình quân đầu người của Sóc Trăng lúc bấy giờ chỉ có 24 kWh/người/năm!

Điều đó cũng dễ hiểu, bởi trong 98 xã, phường toàn Tỉnh thì chỉ có 31 xã , phường có điện. Thế nhưng, ngoài khu vực thị xã Sóc Trăng, các thị trấn, Long Phú, Mỹ Xuyên và Kế Sách…do Điện lực quản lý, còn lại toàn bộ lưới điện nông thôn do Ban quản lý điện xã, thôn bán lẻ cho dân. Giá điện chênh lệch theo từng vùng, tổn thất điện năng lên đến hơn 25%. Đơn thư khiếu nại về điện lực giải quyết không xuể!

Hai vấn đề đặt ra đối với Sóc Trăng thời điểm này là đồng vốn để làm điện nông thôn lấy từ đâu ra? Và làm thế nào khẩn trương đào tạo nguồn nhân lực thực hiện cơ chế quản lý điện nông thôn theo phương thức mới.

Câu hỏi ấy cứ trăn trở mãi đối với Giám đốc Điện lực Sóc Trăng Nguyễn Văn Nhiệm. Anh đưa bài toán này ra bàn trong Ban lãnh đạo Tỉnh và Điện lực cùng với những phương án táo bạo mà anh đề xuất.

Theo kế hoạch đã được đưa vào, Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ Sóc Trăng lần thứ XI đến năm 2010, hơn 90% hộ dân có điện. Nhưng chỉ tiêu đó đã được thực hiện trước 3 năm bằng sự phối hợp có hiệu quả giữa Lãnh đạoTỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty Điện lực 2. Điện lực Sóc Trăng đã bước vào thực hiện dự án điện nông thôn trên địa bàn như lao vào một trận dánh lớn - do Nguyễn Văn Nhiệm làm “tư lệnh”. Toàn tỉnh như một công trường xây dựng điện với mục tiêu khép kín mạng lưới điện đến 100% số xã phường, ưu tiên cho các khu vực sản xuất nông, công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và các hộ gia đình chính sách, bà con các dân tộc Khơme ở vùng sâu vùng xa…

Chỉ trong vòng 10 năm , từ 1997 đến 2007, bộ mặt nông thôn Sóc Trăng đã rạng rỡ hẳn lên với phong trào điện khí hoá. Từ đồng vốn tổng hợp khai thác được từ Ngân hàng thế giới, ngành Điện đầu tư và phương thức “Nhà nước- nhân dân cùng làm”. Sáng tạo hơn nữa là giải pháp “điện vào nhà trước, trả góp sau” được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng.

“Trận thắng” đầu tiên là việc cải tạo, nâng công suất nguồn điện nhận về địa phương với 3 trạm biến áp 110kV: Sóc Trăng, Đại Ngãi và Trần Đề . Điện lực Sóc Trăng đã đồng thời cải tạo hệ thống lưới điện phân phối lên 22kV. Chất lượng điện về Sóc Trăng được cải thiện rõ rệt. Hai chỉ tiêu “giảm” quan trọng trong ngành Điện là suất sự cố và tổn thất điện năng đã được thực hiện tốt.

Lần lượt các công trình điện nông thôn của Sóc Trăng được nghiệm thu đóng điện sau đó. Công trình điện xã Phước Mỹ được cắt băng đầu tiên 1997- Bởi đây là địa phương có đến 33 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 1000 con em của Phước Mỹ đã ngã xuống cho quê hương. Kế theo đó là 4 xã Cù Lao Dung - Huyện Long Phú, đường điện bắc qua sông Hậu trên hai trụ cao 90m về với 4 xã Cù lao năm 1998 bằng đồng vốn của ngành Điện đầu tư lên đến 12,219 tỷ đồng. Rồi xã Phong Nẫm - huyện Kế

Sách đóng điện nhân dịp Quốc Khánh 2/9/1999… Nhưng “trận đánh” cuối cùng mang tính quyết định cho điện nông thôn của Sóc Trăng vẫn là công trình điện khí hoá 18 xã bằng vốn vay WB và nguồn vốn AFD hoàn thành trong giai đoạn 2000-2002.

Đằng sau tấm huy chương “Vì sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn” của Bộ Nông nghiệp tặng Giám đốc Nguyễn Văn Nhiệm năm 2001 và Huân chương Lao động hạng Nhì do Nhà nước tặng năm 2003 là những con số đầy thuyết phục: Điện lực Sóc Trăng hiện quản lý 5.640 km đường dây trung hạ thế, 3.012 trạm biến áp với tổng dung lượng 220.192 kVA. 105/105 số xã phường có điện. Số khách hàng sử dụng điện của Sóc Trăng năm 2007 là 201.367, tăng gần 15 lần so với năm 1997. Sản lượng điện thương phẩm của Sóc Trăng đã lên: 466,2 triệu kWh/năm, tăng trên 5 lần so với năm 1997. Đặc biệt sản lượng điện bình quân đầu người ở Sóc Trăng đã lên đến 368kWh/người/năm. Đây là con số của ấm no hạnh phúc đến với người dân Sóc Trăng trong phong trào điện lhí hoá nông thôn.

Điểm sáng từ phong trào làm điện nông thôn ở Sóc Trăng là toàn bộ lưới điện nông thôn đã được Điện lực quản lý và bán trực tiếp đến hộ . Hệ thống Đại lý điện - vệ tinh của Điện lực Sóc Trăng đã được xây dựng từ các cụm: ở khu vực 1-2 xã, quản lý điện từng huyện đã có các Chi Nhánh điện, cấp tỉnh thì có Điện lực Tỉnh. Như vậy, “bài toán” ổn định quản lý điện nông thôn ở Sóc Trăng đã được “giải” một cách cơ bản về nhân lực và cơ chế quản lý.

Năm 2008 này, Giám đốc Nguyễn Văn Nhiệm đã đến tuổi nghỉ chế độ. Điện lực Sóc Trăng đang làm các thủ tục để nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho người con xuất sắc của Sóc Trăng về thành tích điện nông thôn. Thế nhưng, danh hiệu Anh hùng điện nông thôn Sóc Trăng đối với Giám đốc Nguyễn Văn Nhiệm đã hiện hữu và ánh lên niềm tự hào trong tấm lòng của CBCNV điện lực và nhân dân từ những ngày gian khổ lãnh đạo phong trào điện khí hoá Sóc Trăng 10 năm qua: 1997-2007.

  • Tags: