I. Đối với khách du lịch và người lao động

1. Thông tin về visa

Nên tự đi xin visa khoảng 1 tháng trước khi sang Thổ Nhĩ Kỳ để tránh những bất tiện không đáng có. Thông tin xin visa vào Thổ Nhĩ Kỳ được cung cấp bởi Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và được đăng tải chi tiết trên website: www.mfa.gov.tr/MFA/Consularinformation (Lưu ý thuật ngữ “official passports” bao gồm các loại hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ là dành cho đối tượng cán bộ ngoại giao hoặc quan chức).

Nếu đến Thổ Nhĩ Kỳ để học tập hoặc làm việc thì cần xin visa phù hợp với mục đích đi tại các cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ thường trú ở nước của đương sự. Tất cả khách nước ngoài tới Thổ Nhĩ Kỳ, ngoại trừ những trường hợp được miễn visa, nên xin visa tại các cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ.

2. Giấy phép lao động

Nếu muốn đến làm việc dưới hình thức lao động tại Thổ Nhĩ Kỳ, phải có giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ cấp và có visa tương ứng. Để xin giấy phép lao động, phải có hộ chiếu hợp lệ và thư chấp nhận của công ty tuyển dụng lao động làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ; ngoài ra, công ty tuyển dụng lao động phải nộp cho Bộ Lao động và An ninh xã hội Thổ Nhĩ Kỳ một số giấy tờ cần thiết trong vòng 03 ngày làm việc sau khi công ty này phát hành thư đồng ý tiếp nhận lao động. Thông tin chi tiết về các loại giấy tờ cần thiết nói trên có tại địa chỉ website: www.csgb.gov.tr của Bộ Lao động và An ninh xã hội Thổ Nhĩ Kỳ. Trong vòng 90 ngày sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Lao động và An ninh xã hội sẽ xem xét, phê duyệt việc cấp giây phép lao động. Sau khi có giấy phép lao động và visa, người lao động đến Thổ Nhĩ Kỳ làm việc và trong vòng 1 tháng phải đăng ký với Sở cảnh sát địa phương để được cấp giấy phép cư trú cần thiết.

3. Quy định đối với ngoại tệ và hàng hóa mang vào Thổ Nhĩ Kỳ

Việc mang ngoại tệ vào Thổ Nhĩ Kỳ không bị mất phí. Người sống tại Thổ Nhĩ Kỳ được phép giữ ngoại tệ, mua ngoại tệ từ ngân hàng, gửi và dự trữ ngoại tệ trong các tài khoản ngoại tệ tại ngân hàng. Khách du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ được phép mang theo số tiền ngoại tệ tương đương 5.000 USD. Hàng hóa được cá nhân mang theo dưới dạng đóng gói hoặc bưu kiện có giá trị tối đa 100 EUR/mỗi kiện được miễn thuế khi làm thủ tục hải quan nếu đó là hàng hóa phi mậu dịch.

Hàng hóa do người ở nước ngoài gửi cho người sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ qua đường bưu điện hoặc dịch vụ gửi hàng được miễn thuế trong những trường hợp sau: Hàng hóa dùng trong lễ Ramadan, các lễ hội lớn, lễ mừng năm mới, lễ Giáng sinh…; Hàng không có giá trị thương mại; Hàng là hành lý cá nhân, gia đình hoặc tặng phẩm; Hàng là quà biểu. Khách du lịch cũng được miễn thuế đối với những mặt hàng sau dây khi mang vào Thổ Nhĩ Kỳ: Hàng hóa không nhằm mục đích thương mại; Hàng có mục đích tiêu dùng cá nhân của khách du lịch; Hàng được dùng làm quà tặng.

Đối với mỗi khách du lịch, việc áp dụng miễn thuế đối với một số loại hàng hóa nhất định với số lượng cụ thể như sau:

Thuốc lá:

Thuốc lá thông thường

200 điếu và

Thuốc lá điếu hở hai đầu (cigarillo – không quá 3gr mỗi điếu)

50 điếu và

Xì gà

10 điếu và

Thuốc lá băm nhỏ

200 gr hoặc

Tẩu thuốc

200 gr hoặc

Thuốc lá nhai

200 gr hoặc

Thuốc lá ngửi

50 gr

Rượu

100 cc

01 chai hoặc

70 cc hoặc 75 cc

02 chai

Nước hoa

Nước hoa, dầu gội, sữa tắm, dung dịch thơm… (tối đa 120 ml)

5 lọ

Đồ uống

Cà phê

01 kg

Cà phê hòa tan

01 kg

Chè

500 gr

Socola

01 kg

Kẹo

01 kg

Thuốc chữa bệnh và thiết bị y tế khác chỉ được mang theo với mục đích cá nhân. Việc miễn thuế đối với các mặt hang như thuốc lá, rượu và đồ uống có cồn không được áp dụng với người dưới 18 tuổi.

Để biết thêm thông tin chi tiết, khách du lịch có thể truy cập trang thông tin điện tử: www.gumruk.gov.tr của Cơ quan Hải quan Thổ Nhĩ Kỳ.

4. Mua sắm

Mua sắm là một trong những hoạt động được mong đợi háo hức nhất khi khách du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ. Trong số các sản phẩm nổi tiếng tại Thổ Nhĩ Kỳ, du khách sẽ khó lòng từ chối mua một trong số các loại thảm đẹp tại đây. Ngoài ra, các sản phẩm khác cũng được du khách ưa thích khi đến Thổ Nhĩ Kỳ mua sắm còn có: sản phẩm đồ da, đồ đồng, nhôm; trang sức bằng vàng, bạc; đồ gốm; hàng thủ công mỹ nghệ, đồ thêu; hay sản phẩm nổi tiếng tẩu thuốc lá bằng đất sét trắng…

5. Tiền boa

Phí dịch vụ thường không được bao gồm trong hóa đơn nhà hàng. Việc trả tiền boa ở mức 10-15% tổng chi phí là hành động quen thuộc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, khách du lịch không phải trả tiền boa cho lái xe taxi vì đã được tính gộp trong số tiền tính theo công-tơ-mét của xe.

II. Đối với các thương nhân nước ngoài

1. Một số thông tin chung

1.1. Giờ làm việc và nghỉ trưa

Múi giờ của Thổ Nhĩ Kỳ là GMT + 2. Ngân hàng và các cơ quan Chính phủ nghỉ cuối tuần, không làm việc vào Thứ 7 và Chủ nhật. Giờ làm việc của công sở và các cơ sở kinh doanh như sau:

Cơ quan Chính phủ 8.30 – 9.00am đến 5.00 – 5.30pm

Công ty kinh doanh 9am đến 6pm

Giờ nghỉ ăn trưa 12.30am đến 1.30pm

Cửa hàng, khu mua sắm 9.00am đến 7.00pm

Ngân hàng 08.30am đến 5.00pm

1.2. Các ngày nghỉ lễ lớn

Nghỉ lễ năm mới 01/01

Ngày Kỷ niệm Ataturk và Ngày lễ Thể thao và Tuổi trẻ 19/5

Ngày Chiến thắng 30/8

Ngày Quốc khánh 29/10

Ngoài ra có 3 ngày nghỉ lễ Ramadan và 4 ngày lễ Sacrifice Fest tùy vào lịch Hồi giáo.

2. Chi nhánh thương nhân và văn phòng đại diện

Theo luật của Thổ Nhĩ Kỳ, công ty nước ngoài có thể mở chi nhánh hoặc thành lập văn phòng đại diện tại Thổ Nhĩ Kỳ.

3. Hoạt động quảng cáo và xúc tiến thương mại

Tại các thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ, các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế như: hội chợ, triển lãm, hội thảo và giao thương doanh nghiệp là những phương thức đẩy mạnh kinh doanh rất phổ biến. Đây là những cơ hội tốt cho các công ty nước ngoài và công ty Thổ Nhĩ Kỳ gặp gỡ và phát hiện ra nhu cầu hợp tác kinh doanh của nhau.

Các Phòng Thương mại và Công nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và các ấn phẩm đặc thù trong ngành là các kênh tiềm năng để xúc tiến hoạt động quảng cáo sản phẩm. Quảng cáo trên các chuyên mục thương mại hoặc quảng cáo trên ti vi và các tờ báo lớn cũng có hiệu quả cao.