Tầm mắt nơi ấy, Trường Sa: Hậu phương ơi, chúng tôi sẵn sàng!

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, sau chuyến đi này mỗi thành viên trong Đoàn công tác nguyện làm một tuyên truyền viên, cung cấp thêm thông tin về các hòn đảo để 90 triệu người d

Nước mắt 2 cựu tù Côn Đảo

Ra đảo lần này, ngoài đoàn công tác Bộ Công Thương, còn có 9 đoàn của tỉnh Phú Thọ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngân hàng CSXH, Học viện Cảnh sát nhân dân, Cục Nhiếp ảnh, Quỹ Vừ A Dính, Thông tấn xã Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Tuyên Quang.

14h ngày 5/6, vừa đặt chân lên đảo Sinh Tồn Đông, 2 người phụ nữ cao tuổi nhất toàn đoàn lại lưng tròng nước mắt. Mấy bữa trước, mỗi lần lên đảo Đá Lớn A, B, C, hay đảo Sinh Tồn cũng vậy.

Thấy lạ, tôi lân la bắt chuyện. Đó là 2 má Đặng Thị Hồng Nhật và Nguyễn Thị Bé Bảy. Cả 2 đều là du kích Củ Chi, cùng bị giam vào khám Chí Hòa năm 1968, cùng đứng ra tổ chức để tang Bác Hồ tháng 9/1969 nên cùng bị đày ra chuồng cọp nhà tù Côn Đảo ngay sau đó, cùng bị đưa về nhà lao Tân Hiệp trên đất liền tháng 8/1970, và sau cùng bị đày ra Côn Đảo lần thứ 2 vào tháng 3/1972.

Má Đặng Thị Hồng Nhật bảo, má mừng quá đó thôi! Rồi giải thích: Năm 1994 má ra Trường Sa. 15 ngày qua 10 đảo Thuyền Chài, Tốc Tan, An Bang, Phan Vinh... Hồi đó, những đảo chìm chỉ là những cái chòi; hệ thống công sự, trận địa, kè chắn sóng chủ yếu được làm bằng vật liệu tại chỗ là các tảng đá san hô.



Má Đặng Thị Hồng Nhật hát tặng các chiến sỹ hải quân

Nhìn các em (chiến sỹ) đầu tóc đỏ hoe, không có nước ngọt tắm táp, má đã khóc ròng. Nay lên đảo nào cũng thấy có chậu thau nước ngọt rửa tay “chiêu đãi” khách, má cũng không sao cầm được nước mắt, mừng thôi là mừng!


“Chiêu đãi” nước ngọt rửa tay cho khách lên thăm đảo

Không chỉ có nước ngọt, các đảo hiện nay còn trồng được rau xanh, chăn nuôi gia gia súc, gia cầm, hải sản. Nhưng đằng sau câu chuyện tự túc được một phần thực phẩm là cả một pho truyện thấm đẫm mồ hôi và nước mắt.

Không kể những nỗi vất vả vận chuyển từng bao đất nhỏ từ đất liền ra; thử nghiệm nhiều lần để tìm ra giống cây và gia súc, gia cầm thích hợp; liên tục “luân chuyển” các khay rau, chuồng trại tránh hướng gió theo từng mùa; chỉ riêng quá trình “thuần hóa” các giống cây, giống con đã lấy đi biết bao nước mắt các anh.

Trung sỹ Hiếu ở đảo Sinh Tồn kể lại câu chuyện gần 2 năm trước mà mắt vẫn đỏ hoe: Nhìn những chú lợn đã sống với mình nhiều tuần, nhiều tháng cứ nhỉ nước mắt nước mũi, lần lượt ra đi thương lắm các anh à! Tụi em có người bỏ ăn 3-4 bữa liền, không ai nói với ai câu nào. Có khi chỉ nhìn những vạt rau sạm đi vì hơi muối biển, lòng đã quặn thắt lại.

Trong con mắt của chúng tôi, tăng gia sản xuất là để cải thiện bữa ăn cho bộ đội. Song với các anh, câu chuyện tự túc thực phẩm đâu chỉ có vậy. Chính trị viên đảo Đá Lớn tâm sự, ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, các anh còn có trách nhiệm làm yên lòng 90 triệu người dân hậu phương rằng, ở nơi tiền tiêu mọi sự đã sẵn sàng cho những diễn biến phức tạp nhất. Vì thế, với từng chiến sỹ, trồng thêm một cân rau cũng là để hậu phương yên lòng; nuôi thêm một con heo cũng là để hậu phương yên lòng; luyện tập thể thao nâng cao sức khỏe cũng là để hậu phương yên lòng.

Làm chủ trong mọi tình huống

Năm 1966, trước nguy cơ giặc Mỹ đem B52 ra miền Bắc, Bác Hồ giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không: không được để Tổ quốc bị bất ngờ. Lời dạy của Hồ Chủ tịch được lực lượng phòng không chuẩn bị chu đáo, tổng kết thành cuốn Cách đánh B52, tạo sự chủ động kịp thời cho lực lượng tên lửa trong chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử mùa đông năm 1972.

Ngày nay, lực lượng Hải quân Việt Nam thực hiện sáng tạo lời Bác dạy trên một cấp độ mới, trong tình hình mới phức tạp hơn bội phần.


Duyệt binh chào mừng Đoàn công tác lên thăm đáo Sinh Tồn

Quả thực, những hòn đảo chúng tôi qua đều nằm ở vị trí vô cùng quan trọng trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển. Đảo Sinh Tồn nằm ở 9,53 độ vĩ Bắc, 114,19 độ kinh Đông, cách đất liền 325 hải lý, nằm xen kẽ với các đảo nước ngoài chiếm đóng trái phép như đảo Gạc Ma, đảo Ga ven... Đảo Sinh Tồn Đông nằm xen kẽ với đảo Hu gô (hiện phía nước ngoài đang đẩy mạnh tôn tạo thành đảo nhân tạo quy mô lớn) và bãi cạn Ba đầu là khu vực nhạy cảm, có thể bị nước ngoài chiếm đóng nếu ta không sớm phát hiện và đấu tranh kịp thời. Đảo Đá Lớn thì nằm giữa các đảo Ga ven, Chữ Thập, Ba Bình cũng do nước ngoài chiếm đóng.

Trên thực tế, xung quanh những hòn đảo này ngày càng trở thành khu vực có lượng tàu thuyền, máy bay nước ngoài hoạt động nhộn nhịp nhất. Thiếu tá Nguyễn Văn Bình - Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn Đông cho biết, năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2015, đơn vị đã giám sát 1610 lượt mục tiêu trên không và trên biển của nước ngoài, gồm các loại máy bay, trực thăng, tàu khu trục, tàu hộ vệ tên lửa, tàu đổ bộ, tàu vận tải, tàu kéo, tàu hải cảnh... Nghĩa là mỗi ngày có trên 3 lượt tàu, máy bay nước ngoài qua lại.

Tình hình đó càng mài sắc thêm tinh thần cảnh giác và quyết tâm trong mọi tình huống dù là phức tạp của thời tiết hay sự manh động của kẻ thù cũng không để Tổ quốc bị bất ngờ.

Nhưng thực hiện điều này thế nào? Chiến sỹ Bùi Đình Hiếu, quê Thái Bình chia sẻ, bí quyết của tụi em là triệt để thực hiện nghiêm túc “8 chữ k”: kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, kiềm chế, không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích, không để nước ngoài lấn chiếm, không để xung đột xảy ra.

Thiếu tá Đinh Văn Diệu - Đảo trưởng đảo Đá Lớn A cho rằng, tất cả đều xuất phát từ con người. Làm chủ vũ khí, khí tài là con người; khả năng ứng biến trước mọi tình huống phức tạp là con người; mở rộng tầm nhìn, thấu hiểu âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù là con người; tự nâng tầm mình lên trước sứ mệnh cao cả được lịch sử giao phó là con người.

Vì lẽ đó, ngoài việc giáo dục chính trị tư tưởng, đảo đặc biệt quan tâm đến đời sống tình cảm của anh em. Khi trên có hướng dẫn về việc thành lập Hội đồng Tư vấn tâm lý thì đơn vị mừng lắm. Đầu năm 2015, Hội đồng Tư vấn tâm lý của đảo Đá Lớn được thành lập; 3 điểm A, B, C đều có tổ tư vấn tâm lý. Đây là hạt nhân giải quyết tốt những thắc mắc về tâm tư, tình cảm chiến sỹ, được anh em tin tưởng yêu mến.

Cũng với ý lấy con người làm trung tâm, theo thiếu tá Nguyễn Văn Bình, ở nơi đầu sóng ngọn gió, cách xa đất liền, tình hình lại tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ, điều quan trọng là xây dựng cho được một môi trường sống thân thiện, có văn hóa, thực sự dân chủ, kỷ cương đoàn kết, có tình yêu thương giữa cấp trên và cấp dưới, tạo sự tin tưởng tuyệt đối của bộ đội với lãnh đạo đơn vị.

Các chiến sỹ còn hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản, hỗ trợ nước ngọt, lương thực thực phẩm; khám, cấp thuốc điều trị cho ngư dân.

Đó chính là tấm thấu kính hội tụ muôn ý chí về một mối, tạo ra thế trận nhân dân trên biển, tiếp thêm nguồn lực sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hy sinh, sử dụng quyền tự vệ chính đáng, đánh bại mọi hành động xâm phạm của kẻ thù, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo được phân công.

Cảm động trước ý chí và tình cảm cao thượng của các anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, sau chuyến đi này mỗi thành viên trong Đoàn công tác nguyện làm một tuyên truyền viên, cung cấp thêm thông tin về các hòn đảo để 90 triệu người dân yên tâm hơn vì chúng ta đã có những lực lượng và nguồn lực tốt nhất, những người con ưu tú, dũng cảm nhất, đang ở trạng thái sẵn sàng cao nhất, kịp thời phát hiện âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù; kiên quyết và khôn khéo làm chủ trong mọi tình huống, đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.


Những công dân tý hon của đảo


Hoàng hôn trên đảo Đá Đông