Tạo nền tảng phát triển lâu dài

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Chính phủ thống nhất các biện pháp tạo nền tảng phát triển lâu dài

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2021 nhìn chung ổn định;

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02 tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng cao; tổng kim ngạch ước đạt 95,8 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,3 tỷ USD, tăng 25,9%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản được đẩy mạnh trong điều kiện tương đối thuận lợi. Công tác trồng rừng và triển khai “Tết trồng cây” đầu Xuân được tổ chức thiết thực tại nhiều địa phương.

Giải ngân vốn FDI ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ. Tình hình đăng ký doanh nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp...

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19 cùng những ảnh hưởng cộng hưởng từ biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn đang tác động tiêu cực đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và du lịch ở nước ta; áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng trong cả ngắn và dài hạn.

Từ phân tích, nhận định tình hình, các thành viên Chính phủ đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là vừa phòng chống dịch hiệu quả, bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân.

Đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra trong Quý I và cả năm 2021.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần đón bắt thời cơ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng đầu năm cũng như cả năm 2021. Trước hết là tập trung quán triệt, nghiên cứu, triển khai Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tiếp tục quyết liệt phòng chống dịch COVID-19 trên tinh thần “vaccine + 5K”, nếu có ổ dịch xuất hiện thì truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh ổ dịch.

Thủ tướng yêu cầu ngành y tế nhanh chóng tiêm vaccine cho người dân theo đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ; tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” để phát triển kinh tế - xã hội gắn với kiểm soát tốt dịch bệnh.

Cùng với đó, tiếp tục khắc phục, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đặc biệt các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch, vận tải, bán lẻ.

Đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,5 % năm 2021.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả hội nhập quốc tế nhằm thúc đẩy xuất khẩu, thu hút có sàng lọc nguồn vốn FDI.

Thời cơ đối với Việt Nam rất lớn, xu hướng đầu tư vào Việt Nam rất rõ ràng; vì vậy, phải có môi trường tốt để thu hút dòng vốn.

Bên cạnh việc phát huy vai trò của các tập đoàn kinh tế Nhà nước, cần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và đầu tư công, trong đó công tác giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ rất quan trọng, góp phần tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng phát triển lâu dài.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm bố trí buổi làm việc đôn đốc kiểm tra giải ngân đầu tư công cũng như vốn ODA.

Vĩnh Linh