Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR): Giá và nhu cầu cao su phục hồi thúc đẩy kết quả kinh doanh nửa cuối năm

Dự kiến kết quả kinh doanh của Tập đoàn Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR) sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm nay nhờ giá và nhu cầu cao su trên thế giới phục hồi.

Dự báo giá và nhu cầu cao su tự nhiên phục hồi

Theo đánh giá mới đây của KB Securities Vietnam (KBSV), hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR - sàn HoSE) kỳ vọng sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nhờ nhu cầu cao su phục hồi và giá cao su thế giới dự kiến tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm 2023.

Cụ thể, nhu cầu cao su tự nhiên cũng như nhu cầu về các sản phẩm từ cao su, đặc biệt là săm lốp ô tô trong nửa cuối năm nay sẽ có sự hồi phục đáng kể so với giai đoạn nửa đầu năm.  Theo báo cáo thống kê hàng tháng của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên, nhu cầu cao su năm 2023 dự báo sẽ tăng 14,6% so với năm 2022, lên mức 14,7 triệu tấn; trong khi đó, sản lượng cao su dự kiến chỉ tăng hơn 2,5% lên 14,69 triệu tấn.

Sản lượng cao su Trung Quốc
Sản lượng săm lốp, xe điện và xe SUV tại Trung Quốc. (Nguồn: Bloomberg, KBSV)

Đáng chú ý, Trung Quốc hiện có nhiều chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện, tác động tích cực lên tổng cầu cao su tại quốc gia này. Xuất khẩu săm lốp của Trung Quốc từ đầu năm đến nay vẫn đang duy trì đà tăng mạnh về cả sản lượng và giá từ đầu năm đến nay; qua đó, thúc đẩy nhu cầu về cao su của nước này. Trong 9 tháng đầu năm nay, thị trường Trung Quốc chiếm tới 99,7% tổng khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam.

Với sự phục hồi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác, sản lượng cao su tiêu thụ của Tập đoàn Cao su Việt Nam trong năm 2023 dự kiến sẽ tăng nhẹ so với 2022, đạt hơn 502.000 tấn, theo KBSV.

Giá cao su thế giới Tập đoàn Cao Su Việt Nam
Diễn biến giá cao su (SGD/100 kg) trên Sàn Giao dịch Hàng hoá Singapore. (Nguồn: KBSV)

Trong khi đó, giá cao su thế giới đang trong đà tăng liên tục từ giữa tháng 8/2023 đến nay, hiện ở mức cao nhất từ đầu tháng 2/2023. Giá cao su hồi phục mạnh chịu tác động lớn từ kì vọng cải thiện cầu cao su từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, giá dầu thô liên tục neo ở mức cao cũng góp phần đẩy giá cao su tự nhiên liên tục tăng trong thời gian gần đây, do dầu là đầu vào sản xuất cao su nhân tạo, sản phẩm thay thế cho cao su tự nhiên.

Theo Trading economics, giá cao su tự nhiên được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng lên mức 145,46 US Cents/kg vào cuối quý này, và tăng thêm khoảng 5% trong thời gian 12 tháng tới. Theo đó, KBSV dự báo giá bán cao su của Tập đoàn Cao su Việt Nam cũng sẽ tăng từ 5 đến 7% so với giá bình quân từ đầu năm đến nay theo đà tăng giá cao su thế giới, tuy vẫn ở mức thấp hơn so với bình quân giá cao su 2022.

Xuất khẩu cao su Việt Nam
Diễn biến sản lượng cao su xuất khẩu và giá xuất khẩu cao su bình quân của Việt Nam từ tháng 1/2022 đến tháng 8/2023. (Nguồn: Bộ Công Thương, KBSV)

Theo dõi giá xăng dầu hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây. 

Động lực tăng trưởng trung, dài hạn đến từ quỹ đất 290.000 ha

Trái ngược với triển vọng tích cực của mảng cao su, mảng gỗ của Tập đoàn Cao su Việt Nam được nhận định sẽ tiếp tục ảm đạm cho tới cuối năm nay do nhu cầu từ các thị trường chính chưa dấu hiệu hồi phục; đồng thời, giá gỗ thế giới dự kiến sẽ tiếp tục giảm cho đến đầu 2024.

Không chỉ Tập đoàn Cao su Việt Nam, các doanh nghiệp gỗ xuất khẩu Việt Nam hiện đều trong tình trạng khan hiếm đơn hàng. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 9,7 tỷ USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu sang tất cả các thị trường chính Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc đều giảm mạnh khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trước ảnh hưởng của bất ổn kinh tế và xuất hiện nhiều rào cản mới tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là EU.

Các dự án Tập đoàn Cao su Việt Nam
Các dự án phát triển khu công nghiệp Tập đoàn Cao su Việt Nam sẽ tập trung triển khai trong giai đoạn 2023 - 2025. (Nguồn: Tập đoàn Cao su Việt Nam, KBSV)

Trong trung và dài hạn, hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Cao su Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi mảng bất động sản khu công nghiệp. Với việc sở hữu quỹ đất lên đến 290.000 ha tại Việt Nam, Tập đoàn Cao su Việt Nam nắm tiềm năng lớn về phát triển khu công nghiệp nhờ chiến lược chuyển đổi đất trồng cao su sang đất công nghiệp với các lợi thế về vị trí đắc địa cũng như sự thuận lợi trong việc giải phóng mặt bằng.

Xem thêm: "Nắm quỹ đất lớn thứ 3 miền Nam, Sonadezi Châu Đức (SZC) hưởng lợi lớn khi dòng vốn FDI phục hồi" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Tuy nhiên, do sự phức tạp của các thủ tục pháp lý phê duyệt khu công nghiệp, cho đến năm 2023 mới chỉ có 1 số dự án có tiến triển dù kế hoạch Tập đoàn Cao su Việt Nam đặt ra cho giai đoạn 2020 - 2025 là chuyển đổi 7 đến 8.000 ha đất cao su thành đất khu công nghiệp.

Giá cổ phiếu GVR Tập đoàn Cao su Việt Nam
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu GVR của Tập đoàn Cao su Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Hiện tại, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 3 của Tập đoàn Cao su Việt Nam mới có quyết định giao đất vào tháng 5 vừa qua. HĐQT của Nam Tân Uyên đang lên kế hoạch tập trung làm việc với cơ quan có thẩm quyền tỉnh Bình Dương để Nam Tân Uyên 3 sớm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhanh chóng triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp. Theo ước tính sơ bộ của Nam Tân Uyên, dự án Nam Tân Uyên 3 sẽ mang lại dòng tiền khoảng hơn 600 tỷ/năm và lợi nhuận sau thuế khoảng 400 tỷ/năm đến 2027 – 2028 sau khi được đưa vào khai thác, dự kiến từ năm 2024.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Cao su Việt Nam cũng đang tập trung hoàn thiện thủ tục cho các dự án Tân Lập 1, Nam Đồng Phú, Bắc Đồng Phú,... , kì vọng được phê duyệt trong giai đoạn 2024 – 2026.

Trên thị trường chứng khoán, trong ngày 4/10, cổ phiếu GVR có giá tham chiếu tại mức 19.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần 40% so với thời điểm đầu năm nay.

Duy Quang