Nền giá HRC hỗ trợ Tập đoàn Hoa Sen cải thiện biên lợi nhuận gộp
Kể từ khi mức đỉnh được thiết lập vào tháng 3/2022 với giá gần 1.050 USD/tấn, giá thép cuộn cán nóng (HRC) Việt Nam (giá CFR) đã liên tục chứng kiến các mức giảm liên tục cho đến thời điểm hiện tại, có thời điểm rơi xuống chỉ còn khoảng 500 USD/tấn. Nhu cầu tiêu thụ yếu, cùng với các yếu tố về lạm phát, và khủng hoảng trên thị trường xây dựng - bất động sản tại Trung Quốc kéo dài đã liên tục tạo sức ép điều chỉnh lên giá HRC. Kể từ đó, Trung Quốc liên tục giảm mức hàng tồn kho thép hàng tháng, bao gồm cả HRC xuống mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây.
Mặc dù nhu cầu tiêu thụ trong nước ảm đảm và nguồn cung vẫn đủ đáp ứng tiêu thụ, các sản phẩm thép của Trung Quốc vẫn được gia tăng nhập khẩu vào Việt Nam. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, lượng thép Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam đạt 4,53 triệu tấn với giá trị 3,25 tỷ USD, tăng 20,4% về lượng nhưng giảm 15% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, theo đánh giá mới nhất của KB Securities Vietnam (KBSV), giá HRC trong nước và từ Trung Quốc đã có thể tạo đáy và khó có thể giảm sâu hơn. Bên cạnh việc hàng tồn kho của các doanh nghiệp thép Việt Nam đã tiệm cận với mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020, Trung Quốc cũng không còn nhiều áp lực phải đẩy lượng hàng tồn kho thép giá rẻ (bao gồm HRC) do lượng hàng tồn kho của Trung Quốc cũng đã tiệm cận mức đáy và nước này cũng đã có những động thái cắt giảm sản lượng thép thô kể từ đầu quý 2/2023.
Bên cạnh đó, mặc dù thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng về sản lượng, nhưng lại giảm về giá trị. Với lượng thép giá thấp (bao gồm cả HRC) thâm nhập vào thị trường như vậy, các doanh nghiệp tôn mạ niêm yết có thể hưởng lợi từ giá HRC đầu vào ở mức nền thấp, giúp cải thiện hỗ trợ biên lợi nhuận gộp, mặc dù bị cạnh tranh gắt gao về sản lượng tiêu thụ.
Không chỉ có sự hỗ trợ từ lượng HRC giá rẻ từ Trung Quốc, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp tôn mạ, đặc biệt là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG) còn được hưởng lợi từ mức nền thấp của giá HRC trong nước, theo KBSV.
Theo hãng tư vấn Kallanish Commodities (Đức), Tập đoàn Hòa Phát (mã cổ phiếu HPG) đã giảm giá thép HRC nội địa cho các đơn hàng tháng 10 và tháng 11/2023, xấp xỉ 14.190 đồng/kg (tương đương 588 USD/tấn) (giá CFR) để hỗ trợ thị trường và các khách hàng trong nước. Do đó, KBSV kỳ vọng biên lợi nhuận gộp mảng tôn mạ và ống thép tiêu thụ trên thị trường nội địa của Tập đoàn Hoa Sen có thể đạt trên mức 15% kể từ quý 3/2023 (tức quý 4 niên độ tài chính 2022/2023).
Theo dõi giá thép hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Chiến lược hàng tồn kho thận trọng và mạng lưới phân phối rộng
So với các doanh nghiệp cùng ngành khác, Tập đoàn Hoa Sen đang sử dụng chiến lược hàng tồn kho rất thận trọng. Với vòng quay hàng tồn kho cao, Tập đoàn Hoa Sen có thể sẽ tránh được áp lực phải trích lập dự phòng lớn trong trường hợp giá HRC giảm sâu, điển hình như trong giai đoạn 2022-2023 vừa qua và có thể đẩy được hàng tồn kho giá cao nhanh chóng, tận dụng thời điểm giá HRC tạo đáy để gia tăng trở lại hàng tồn kho giá thấp, giúp biên lợi nhuận gộp được cải thiện nhanh chóng.
Bên cạnh đó, KBSV đánh giá Tập đoàn Hoa Sen sẽ có khả năng hồi phục nhanh hơn so với các đối thủ khác trong thị trường tôn mạ, ống thép nhờ nắm giữ thị phần đứng đầu cả nước và các nhà sản xuất, phân phối khác phải thường xuyên theo dõi các động thái từ Tập đoàn Hoa Sen để điều chỉnh các chính sách, giá bán cho phù hợp.
Tính đến hết quý 2/2023, Tập đoàn Hoa Sen sở hữu hơn 500 chi nhánh, cửa hàng và Hoa Sen Home trên toàn quốc, trải dài từ Bắc vào Nam. Với hệ thống phân phối rộng khắp như vậy, tập đoàn này có lợi thế về mặt tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng và có thể nhanh chóng đưa các sản phẩm ra ngoài thị trường. Trong giai đoạn thị trường có nhiều biến động, hệ thống chi nhánh phân phối – bán lẻ có thể phát huy vai trò linh hoạt trong việc thay đổi giá bán và các chính sách bán hàng một cách nhanh chóng, phù hợp với cung cầu của thị trường, theo KBSV.
Về cơ cấu tài chính, tính đến hết quý 2/2023 (quý 3 niên độ tài chính 2022/2023), tỷ lệ Nợ vay/vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Hoa Sen ở mức 0,42 - mức thấp nhất từ đầu năm 2021. Trong đó, cơ cấu nợ vay ngắn hạn là chủ yếu và nợ vay dài hạn đã tất toán hết. So với các đối thủ cùng ngành khác thì Tập đoàn Hoa Sen được đánh giá là sử dụng đòn bẩy ở mức thấp, cơ cấu tài chính an toàn và lượng tiền mặt tương đối ổn định.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 6/10, thị giá cổ phiếu HSG đạt 18.750 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 65% so với thời điểm đầu năm nay.